Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài toán tái cấu trúc khu công nghiệp

Văn Gia
08:49, 12/10/2023

Là một trong những địa phương có số lượng khu công nghiệp (KCN) lớn nhất cả nước, Đồng Nai sẽ tiếp tục hình thành và đưa vào hoạt động các KCN mới trong những năm tới. Bối cảnh mới đặt ra những yêu cầu mới cho các KCN phải tái cấu trúc, chuyển đổi theo những mô hình mới để hoạt động hiệu quả hơn.

Thu hút những ngành nghề có công nghệ - kỹ thuật cao đang là đòi hỏi tất yếu của các khu công nghiệp. Ảnh: V.GIA
Thu hút những ngành nghề có công nghệ - kỹ thuật cao đang là đòi hỏi tất yếu của các khu công nghiệp. Ảnh: V.GIA

Gia tăng hiệu quả sử dụng đất, phát triển KCN công nghệ cao, theo hướng sinh thái và thu hút các ngành nghề hiện đại, chứa đựng hàm lượng công nghệ cao là điều mà tỉnh đang hướng tới.

* Cần tạo ra giá trị tăng thêm cao hơn

Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch 39 KCN đến năm 2020; trong đó có 31 KCN đã đi vào hoạt động, 1 KCN đang xây dựng và 1 KCN vừa được thành lập.

Tuy nhiên, quỹ đất các KCN trên địa bàn còn lại rất ít. Do đó, việc nhanh chóng thành lập các KCN mới theo quy hoạch được xem là giải pháp quan trọng để Đồng Nai tiếp tục giữ vị thế tốp các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), phát triển công nghiệp theo hướng bền vững.

Trong thời gian tới, Đồng Nai ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ cao, sử dụng nguồn lực lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn cao. Đồng Nai cũng sẽ từng bước hình thành các KCN hỗ trợ, KCN công nghệ cao, sinh thái, đổi mới sáng tạo, công nghiệp - đô thị - dịch vụ…

Một vấn đề nữa là theo đánh giá tại Đồ án quy hoạch Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, khi so sánh với các tỉnh công nghiệp đứng đầu cả nước, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trên diện tích đất công nghiệp của Đồng Nai ở mức thấp (18 tỷ đồng/ha) so với trung bình các tỉnh công nghiệp (22 tỷ đồng/ha). Các tỉnh công nghiệp đứng đầu cả nước được chia thành 3 nhóm theo giá trị tăng thêm trên diện tích đất công nghiệp, trong đó Đồng Nai đang ở nhóm 3.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, Đồng Nai cần tính toán đến hiệu quả trong khâu thu hút các dự án. Với những dự án sử dụng nhiều đất, nhiều lao động nhưng đóng góp ít cho sự phát triển bền vững sẽ không phù hợp với thực tế của Đồng Nai. Cần lựa chọn những dự án tạo ra giá trị gia tăng cao trên diện tích đất nhỏ, điều này cũng khẳng định sự ưu tiên và lợi thế của Đồng Nai trong phát triển kinh tế vùng và cả nước.

Bên cạnh đó, theo chủ đầu tư hạ tầng các KCN hiện hữu ở Đồng Nai, vấn đề kết nối hạ tầng đồng bộ trên địa bàn vẫn đang còn nhiều hạn chế. Kết nối giao thông ngoài hàng rào lẫn trong hàng rào KCN chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa cho sản xuất, kinh doanh. Đó là chưa kể tình trạng kẹt xe, ngập nước tại các cửa ngõ vào KCN vẫn còn tái diễn.

Ông Thái Hoàng Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Đô thị Amata Long Thành, chủ đầu tư KCN công nghệ cao Long Thành chia sẻ, dù ở cạnh đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nhưng KCN này vẫn chưa thể kết nối vào đây được, điều này cũng ảnh hưởng đến tính “hoàn mỹ” của đơn vị trong mắt các nhà đầu tư.

* Tái cấu trúc để phát triển bền vững

Câu chuyện tái cấu trúc trong bối cảnh hiện nay không chỉ đúng với từng doanh nghiệp kinh doanh đơn lẻ mà với cả các KCN. TP.HCM và Hà Nội đang đẩy mạnh việc tái cấu trúc khu chế xuất, KCN. Riêng TP.HCM còn có đề án cho vấn đề này. Thành phố đặt mục tiêu tăng thu hút đầu tư bình quân trên mỗi ha đất lên 15 triệu USD vào năm 2025 so với 6,32 triệu USD năm 2022.

Trên bình diện cả nước, việc phát triển KCN xanh, thân thiện môi trường đang là điều hướng đến. Việt Nam đã có hơn 400 KCN và đang đặt mục tiêu phát triển công nghiệp xanh và hướng đến đạt phát thải ròng về 0% vào năm 2050.

Mô hình KCN sinh thái sẽ giúp cho ngành Công nghiệp của Việt Nam phát triển tuần hoàn, bền vững. Theo đó, Bộ KH-ĐT đang phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp LHQ triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu. Đồng Nai là một trong 5 tỉnh, thành được chọn làm điểm mô hình KCN sinh thái với KCN Amata (TP.Biên Hòa). Dự kiến của Bộ KH-ĐT sau khi xây dựng thành công KCN sinh thái tại Đồng Nai, TP.HCM và Hải Phòng thì sẽ nhân rộng ra cả nước.

Trong khi đó, Đồng Nai có diện tích đất công nghiệp lớn, nhiều ngành công nghiệp sản xuất, nhưng giá trị sản xuất hàng hóa trên một diện tích đất chưa cao, ít doanh nghiệp FDI sản xuất hàng công nghệ cao. Do đó, trong thời kỳ quy hoạch đến năm 2030, Đồng Nai cần tập trung thu hút các doanh nghiệp FDI sản xuất hàng hóa giá trị cao nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất công nghiệp, hướng tới mô hình thu hút các nhà đầu tư của các tỉnh nhóm 2 như: Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, trong tương lai, các KCN thành lập mới và đang đầu tư hạ tầng sẽ có những điều chỉnh. Chủ trương của Đồng Nai là phát triển nhanh một số ngành, sản phẩm công nghiệp như: công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo khuôn mẫu.

Văn Gia

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích