Năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư công của tỉnh được duyệt hơn 14,7 ngàn tỷ đồng, gồm có vốn trung ương và địa phương. Thế nhưng, đã gần hết 9 tháng của năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh mới chỉ đạt hơn 27% so với kế hoạch.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm như: vướng thẩm định giá đất, thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy, xác định nguồn gốc đất, xác định tài sản trên đất, vướng xác định giá cây cao su… Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc nhiều nhất mà các chủ đầu tư dự án đầu tư công gặp phải vẫn là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chậm. Việc này dẫn đến nhiều dự án không có mặt bằng để khởi công xây dựng.
Từ nhiều năm nay, bồi thường giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề nan giải trong triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến cho các dự án ở Đồng Nai bị chậm tiến độ.
Theo các chủ đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng hiện nay còn nhiều vướng mắc liên quan đến Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng… Các vướng mắc trên vượt thẩm quyền của địa phương nên tỉnh phải tổng hợp gửi các bộ, ngành, kiến nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ. Có những vấn đề đã được kiến nghị nhiều năm nhưng chưa gỡ được; trong đó có những vướng mắc phải đợi sửa đổi, bổ sung vào Luật Đất đai. Nhiều chủ đầu tư cho biết, hơn 3 năm trở lại đây, nhiều dự án ở Đồng Nai gần như “giậm chân tại chỗ” vì vướng thủ tục đất đai. Vì vậy, các chủ đầu tư mong muốn Luật Đất đai sửa đổi sớm được ban hành để tháo gỡ những vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, Luật Đất đai phải đồng bộ với các luật khác thì mới triển khai các dự án được thuận lợi.
Ngoài những vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách trong bồi thường giải phóng mặt bằng làm cho giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh chậm còn do nhiều sở, ngành, địa phương có tâm lý “e ngại” khi giải quyết những thủ tục đất đai, bởi vừa qua, một số cán bộ các sở, ngành, địa phương bị xử lý hình sự vì sai phạm về đất đai.
Hương Giang
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin