Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển HTX gắn liền sản phẩm OCOP

Đào Lê
08:36, 25/09/2023

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được Đồng Nai khởi động vào năm 2019. Sau 4 năm, chương trình đã góp phần hình thành các chuỗi sản xuất có giá trị, nâng tầm sản phẩm công - nông nghiệp khu vực địa phương của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm của HTX Thanh Bình, đơn vị đang tích cực tham gia chương trình OCOP. Ảnh: Đ.LÊ
Lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm của HTX Thanh Bình, đơn vị đang tích cực tham gia chương trình OCOP. Ảnh: Đ.LÊ

Nhờ tích cực tham gia chương trình, nhiều HTX của Đồng Nai đã tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Từ đó nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, kinh doanh, hiệu quả hoạt động, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên.

* Những điển hình OCOP

HTX nông nghiệp An Hòa Hưng (TP.Biên Hòa) thành lập từ  năm 2019 nhưng trước đó 10 năm, chị Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc HTX đã nghiên cứu về cây an xoa (một loại thảo dược có lợi cho sức khỏe) và đăng tải những kết quả nghiên cứu này lên các diễn đàn thuốc nam, dược liệu. Sau rất nhiều lần thử nghiệm thất bại thì chị đã tạo ra được sản phẩm  ưng ý, được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa với tên gọi là  An Hòa.

Để phát triển dòng sản phẩm này, HTX Nông nghiệp An Hòa Hưng đã ra đời. Từ việc sản xuất khoảng 3 ngàn sản phẩm/tháng thời điểm đầu thành lập, đến nay mỗi tháng, HTX cung ứng 5 ngàn sản phẩm, số lượng đại lý liên tục gia tăng. Điều đặc biệt, HTX tiên phong trong phát triển mô hình khép kín là nghiên cứu, trồng, chế tạo và phát triển dòng sản phẩm cao dược liệu. Sản phẩm  An Hòa cũng là một trong 17 sản phẩm được xếp hạng OCOP đầu tiên của Đồng Nai và tới năm 2022 thì được xếp hạng 4 sao. Hiện HTX cũng đã và đang nghiên cứu những dòng khác bổ sung vào hệ sinh thái sản phẩm theo hướng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe để cung ứng ra thị trường.

Đối với HTX Thanh Bình (H.Trảng Bom) đã đầu tư dây chuyền thu hoạch đến hệ thống kho lạnh, các máy móc sơ chế, chế biến sản phẩm từ chuối. Trung bình mỗi năm, HTX xuất khẩu được 3-5 ngàn tấn chuối tươi, trong đó có nhiều thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc và một phần sang thị trường châu Âu. Ngoài ra, HTX còn sơ chế 100 tấn chuối tươi/tháng cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Trong 2 năm (2021-2022), HTX sản xuất từ 6-10 tấn bẹ dây chuối, sợi dây chuối/tháng để xuất khẩu đi các nước làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Với việc tham gia chương trình OCOP, hiện HTX có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX đã cùng các cộng sự nỗ lực để tăng doanh thu bình quân của HTX đạt khoảng 3 tỷ đồng/ năm; tạo việc làm thường xuyên cho 80-100 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân từ 9-15 triệu đồng/tháng.

Tương tự, HTX Nông nghiệp dịch vụ Trường Phát (H. Nhơn Trạch) hiện có 1 nhà xưởng chế biến sản phẩm với với 50 công nhân làm việc. HTX đã chế biến được 19 sản phẩm từ cây sen, trong đó có 15 sản phẩm được chứng nhận OCOP (13 sản phẩm đạt 4 sao, 2 sản phẩm đạt 3 sao). Đây là đơn vị kinh tế có nhiều mã sản phẩm đạt chứng nhận nhiều nhất của tỉnh.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Lệ, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Trường Phát thì đơn vị luôn tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh để không ngừng mở rộng thị trường cho dòng đặc sản quê này. HTX triển khai giới thiệu, đưa sản phẩm chào hàng tại nhiều điểm du lịch, trạm dừng chân trong và ngoài tỉnh, được du khách chọn mua nhiều.

* Tiếp tục đẩy mạnh chương trình Mỗi xã một sản phẩm

OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện trong định hướng phát triển các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ.

Sau 4 năm triển khai chương trình vào thực tế, Đồng Nai đã có 150 sản phẩm OCOP là các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của các địa phương. Chương trình đã hình thành nhiều chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ.

Đến nay, toàn tỉnh có 197 chuỗi liên kết với sự tham gia của 101 doanh nghiệp, 64 HTX. Trong đó các sở, ngành liên quan tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ các sản phẩm OCOP xây dựng được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.

Đối với các HTX, để phổ biến kiến thức và khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia ngày càng nhiều thì Liên minh HTX Đồng Nai cũng sẽ đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ. Theo đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò của phát triển sản phẩm OCOP trong HTX; đồng thời nâng cao năng cao năng lực quản lý của các HTX, chú trọng chuyển đổi số, hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Đơn vị cũng sẽ kết nối, hỗ trợ các hoạt động liên kết giữa các HTX, liên kết HTX với doanh nghiệp để tăng quy mô sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa đủ lớn, chất lượng cao, phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Đào Lê

Tin xem nhiều