Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai đi đầu chuyển đổi số trong nông nghiệp

Bình Nguyên
08:19, 20/09/2023

Chủ trì hội nghị tham vấn ý kiến về triển khai nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc (TXNG) vừa tổ chức tại TP.Biên Hòa, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, nếu như chuyển đổi số (CĐS) ở các ngành khác khó khăn một thì ở mảng nông nghiệp khó khăn nhân lên gấp nhiều lần. Trong đó, ngành Nông nghiệp Đồng Nai thuộc tốp đầu cả nước triển khai CĐS.

Người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc trái cây tại Tuần lễ tôn vinh trái cây và sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Nai năm 2023 tại TP.Long Khánh. Ảnh: B.Nguyên
Người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc trái cây tại Tuần lễ tôn vinh trái cây và sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Nai năm 2023 tại TP.Long Khánh. Ảnh: B.Nguyên

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, Đồng Nai đi tiên phong trong CĐS thì phải chấp nhận đương đầu với những khó khăn. Ngoài quyết tâm, tỉnh cần có những chế tài, cân đối lợi ích hài hòa và thể hiện được vai trò, lợi ích thì mới có thể thành công.

* CĐS trong công tác quản lý

Bám sát chủ trương của Chính phủ và Bộ NN-PTNT, ngành Nông nghiệp Đồng Nai rất tích cực triển khai CĐS. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, kỹ năng về Chính phủ điện tử, CĐS rất được chú trọng.

Về đầu tư hạ tầng số, nền tảng số cơ quan, về phòng máy chủ, ngành Nông nghiệp tỉnh hiện có 5 phòng máy chủ phục vụ nhu cầu triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng. Toàn ngành có 420 máy tính phục vụ nghiệp vụ hàng ngày với 100% cán bộ, công chức hành chính của Sở NN-PTNT được trang bị máy tính. 100% các phòng, ban chuyên môn và đơn vị trực thuộc sở điều kết nối mạng nội bộ, góp phần hình thành mạng riêng trong nội bộ để đảm bảo an toàn thông tin.

Về ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử, ngành Nông nghiệp triển khai thông qua hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc trên Hệ thống quản lý văn bản điều hành http://www.vpdt-snndn.gov.vn. 100% cơ quan, đơn vị thuộc ngành triển khai thực hiện chữ ký số và văn bản điện tử. Trang thông tin điện tử của sở thường xuyên được cập nhật và đầy đủ các chức năng chính như: cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, thông tin liên hệ, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực ngành...

Từ năm 2013, Sở NN-PTNT đã triển khai phần mềm quản lý văn bản I-Office, đến nay phần mềm cơ bản đáp ứng các quy định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT-TT, Bộ Nội vụ. Hiện nay, 100% văn bản (trừ văn bản mật) gửi cho các cơ quan nhà nước trong tỉnh đều được ký số và gửi hoàn toàn trên môi trường mạng thông qua trục liên thông của tỉnh. Tỷ lệ văn bản đến và đi được số hóa phục vụ tìm kiếm và xử lý thông tin văn bản đạt 100%.

Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT TRẦN LÂM SINH, ngành Nông nghiệp rất tích cực triển khai CĐS, từ việc nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đến xây dựng cơ sở dữ liệu toàn ngành. Đặc biệt, năm 2020, tỉnh tiên phong triển khai 2 dự án Quản lý trang trại chăn nuôi thông qua phần mềm
Te-food và TXNG sản phẩm từ động vật; đồng thời, xây dựng danh mục các dự án đầu tư công phục vụ CĐS giai đoạn 2021-2025.

Về triển khai một cửa điện tử, cung cấp/công bố dịch vụ công trực tuyến, Sở NN-PTNT đã sử dụng phần mềm Egov trong việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và luân chuyển toàn bộ hồ sơ thủ tục hành chính giữa các bộ phận. Hiện có 93 thủ tục hành chính thuộc 12 nhóm lĩnh vực, trong đó có 86 thủ tục được vận hành trên môi trường điện tử, chiếm tỷ lệ 93% tổng số thủ tục hành chính; tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trong năm 2022 gần 1,9 ngàn hồ sơ, chiếm tỷ lệ 98,3%.

* Xây dựng nền tảng dữ liệu số nông nghiệp

Ngành Nông nghiệp đã thực hiện việc xây dựng nền tảng dữ liệu số trong nhiều lĩnh vực. Đến nay, toàn tỉnh đang sử dụng 27 phần mềm/cơ sở dữ liệu ngành trong nhiều lĩnh vực gồm: Phát triển nông thôn và quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản; trồng trọt và bảo vệ thực vật; thủy lợi; thủy sản; lâm nghiệp; chăn nuôi và thú y; các phần mềm phục vụ công tác thanh tra, tổ chức quản lý, xử lý chồng chéo trong thanh - kiểm tra. Việc triển khai sử dụng các phần mềm, cơ sở dữ liệu ở một số lĩnh vực thuộc ngành đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

Nông dân H.Cẩm Mỹ sử dụng máy bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp
Nông dân H.Cẩm Mỹ sử dụng máy bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp

Bộ NN-PTNT triển khai hệ thống TXNG nông sản tại địa chỉ  ttp://checkvn.mard.gov.vn. Hệ thống trên đang được kết nối, chia sẻ dữ liệu với 8 hệ thống TXNG của 8 tỉnh/thành phố và ngành mía đường. Đến nay, cả nước đã có hơn 3.964 doanh nghiệp với bộ mã TXNG của gần 17 ngàn sản phẩm nông sản thực phẩm.

Đồng Nai là một trong 8 tỉnh/thành phố được phân công tiên phong triển khai nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, nền tảng TXNG. Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai Nguyễn Trường Giang, từ năm 2020, tỉnh đã triển khai 2 dự án Quản lý trang trại chăn nuôi thông qua phần mềm Te-food và TXNG sản phẩm từ động vật. Về dự án TXNG sản phẩm từ động vật, đến nay toàn tỉnh có gần 1,2 ngàn cá nhân, tổ chức tham gia như: siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ, cơ sở giết mổ heo, thương nhân thu mua heo, cơ sở chăn nuôi, bếp ăn tập thể khu công nghiệp, bếp ăn trường học... Lũy kế đến cuối tháng 6-2023, toàn tỉnh có hơn 47,5 ngàn con heo được TXNG. Dự án Quản lý trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh có gần 1,8 ngàn trang trại chăn nuôi đăng ký, khai báo, xác nhận trên phần mềm.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều