Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, số lượng DN tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Chính phủ còn hạn chế. Do đó, nhiều DN phải tự thân vận động, nỗ lực vượt qua những khó khăn đang hiện diện.
Bốc xếp hàng hóa tại một doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Khu công nghiệp Bàu Xéo (H.Trảng Bom) |
Sau hơn 3 năm đối mặt với hàng loạt khó khăn, “sức khỏe” của đa số DN đều bị giảm sút. Vì vậy, ngoài sự nỗ lực của mình, DN mong muốn các chính sách hỗ trợ được thực hiện kịp thời và sát với nhu cầu của DN hơn. Đồng thời, các thủ tục để thụ hưởng các ưu đãi phải nhanh và đơn giản hơn để DN có thể tiếp cận được vốn vay ưu đãi; miễn giảm, gia hạn thuế; hoàn thuế...
* Khó tiếp cận chính sách ưu đãi
Không chỉ sụt giảm đơn hàng do sức mua toàn cầu thấp, các DN còn phải chống đỡ với những khó khăn do chậm cải cách môi trường kinh doanh trong nước. Theo đánh giá của các DN, hiệp hội, dù đã có nhiều chính sách được ban hành nhằm tạo điều kiện cho DN phục hồi và phát triển nhưng việc tiếp cận, thụ hưởng không dễ.
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Lê Bạch Long nhận xét, DN trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn về mặt bằng sản xuất, vốn, thủ tục hành chính. Muốn triển khai dự án, DN phải mất vài năm mới có mặt bằng để làm thủ tục đầu tư. Do thời gian kéo dài, khi DN chuẩn bị được các điều kiện thì cơ hội cũng trôi qua.
Đơn cử như việc hoàn thuế VAT cho DN vẫn chưa được thực hiện nhanh, trong khi đa số DN đang rất cần vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh, vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay. Nếu hoàn thuế, giải quyết các chính sách giãn nợ, giảm thuế nhanh sẽ đỡ cho DN gánh nặng về thiếu vốn. Do đó, các DN kiến nghị hoàn thuế phải được giải quyết sớm, dứt điểm. Vấn đề này đã được đưa ra rất lâu, qua nhiều cuộc làm việc mà vẫn chưa có giải pháp xử lý nhanh. Nhiều hiệp hội DN cho rằng, không thể để DN thiếu tiền, phải đi vay với lãi suất cao trong khi tiền hoàn thuế tồn đọng nhiều năm.
Theo Giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM Trần Ngọc Liêm, ngay cả trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19, số thu ngân sách của Việt Nam vẫn ở mức cao. Điều đó thể hiện tinh thần, trách nhiệm, nghĩa vụ của cộng đồng DN đối với Nhà nước. Do đó, trong bối cảnh khó khăn, DN rất cần sự chia sẻ bằng cách các cơ quan quản lý nhà nước giải quyết chính sách kịp thời, nhất là việc sớm hoàn thuế để họ có thêm nguồn lực vượt qua giai đoạn này.
Mới đây, Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai cùng một số DN trong ngành đã gặp gỡ với đại diện Cục Thuế Đồng Nai để kiến nghị những khó khăn, vướng mắc. Theo đó, các DN ngành gỗ kiến nghị về giá thuê đất hàng năm hiện đã tăng cao, ảnh hưởng đến chi phí, giá thành sản xuất. Bên cạnh đó, sự sụt giảm của thị trường xuất khẩu như thêm một “cú đấm bồi” đối với ngành. Những khó khăn này đã được đại diện ngành thuế ghi nhận và sẽ có những kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Cùng với đó, các DN mong muốn Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục hạ lãi suất cho vay. Tuy lãi suất cho vay nhiều ngân hàng đã giảm 1,5-2%/năm nhưng vẫn còn mức khá cao. Do đó, DN vay vốn đổ vào sản xuất thời điểm này sẽ không thu được lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. Hiện nhiều DN vẫn đang chờ lãi suất vốn vay giảm thêm và hy vọng sẽ về mức thấp thì việc vay vốn đầu tư cho sản xuất mới có thể tạo ra được lợi nhuận.
* Tái cấu trúc để vượt khó
Câu chuyện hiện nay của nhiều DN là linh hoạt xoay chuyển theo diễn biến thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng phân khúc khách hàng và tập trung hơn cho nâng cao chất lượng nhân lực để đón chờ sự hồi phục.
Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại 939 Nguyễn Duy Khương cho hay, trước đây công ty hoạt động ở 2 lĩnh vực là vận tải hàng hóa và đầu tư các dự án bất động sản. Để trụ được trong khó khăn, hơn 2 năm nay, DN đã bắt đầu tái cấu trúc các lĩnh vực sản xuất của mình để đa dạng hóa dịch vụ. Theo đó, công ty đã liên kết sản xuất, chế biến các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, các sản vật vùng miền... Mới đây, DN đầu tư vào nông nghiệp để sản xuất nông sản sạch. Công ty mở thêm nông trại xanh khoảng 30ha để trồng nha đam, gừng, sả cung ứng cho thị trường trong nước. Bên cạnh đó, công ty cũng đang mở rộng các vùng trồng tại Long An, Bình Thuận theo hướng chuyển giao kỹ thuật, liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Tương tự, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất cơ khí Phước Hưng (TP.Biên Hòa) Nguyễn La Anh Đào chia sẻ, công ty đang trong quá trình phát triển mạnh và mở rộng quy mô sản xuất thì gặp dịch bệnh Covid-19 và suy giảm kinh tế. Vì sản phẩm cơ khí tiêu thụ chậm nên DN đã sắp xếp lại nhà máy, đầu tư sản xuất thêm mặt hàng ke máy lạnh.
Nhiều DN lớn trên địa bàn tỉnh cũng phải tiến hành tái cấu trúc để bộ máy gọn nhẹ, linh hoạt nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo bà Lai Khiêm, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa (Biti’s) ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa), trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, Biti’s phải liên tục mở rộng sản xuất để đảm bảo đơn hàng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, gần 1 năm trở lại đây, công ty gặp khó khăn do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên đơn hàng trong nước và xuất khẩu đều giảm, hàng tồn kho tăng. Hiện lao động làm việc trong nhà máy tại TP.Biên Hòa giảm gần 1 ngàn người. Công ty phải sắp xếp lại bộ máy, nâng cao năng lực cho người lao động, đa dạng mặt hàng, mẫu mã và xúc tiến thương mại để mở rộng tiêu thụ trong nước và các thị trường nước ngoài.
Khánh Minh - Văn Gia
Bài cuối: Tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin