Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp tìm lối thoát trong khó khăn (Bài 1)

Khánh Minh - Văn Gia
19:25, 26/09/2023

Trong 8 tháng của năm 2023, cả nước có gần 124,7 ngàn doanh nghiệp (DN) phải tạm dừng hoạt động và giải thể, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, số DN quay lại hoạt động chỉ hơn 45,7 ngàn. Điều này cho thấy, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN vẫn rất khó khăn; các DN đang cố gắng tìm lối thoát để trụ vững trong giai đoạn hiện nay...

Bài 1: Thu hẹp hoạt động, chờ phục hồi

Từ giữa năm 2022 đến nay, tình hình sản xuất, kinh doanh của DN cả nước cũng như Đồng Nai gặp rất nhiều khó khăn. Bức tranh chung là nhiều DN phải co hẹp hoạt động vì thiếu đơn hàng, cùng với đó là những áp lực trong vấn đề giữ chân người lao động.

Công nhân của Công ty TNHH Thương mại
quốc tế Eco trong giờ làm việc. Ảnh: VĂN GIA
Công nhân của Công ty TNHH Thương mại quốc tế Eco trong giờ làm việc. Ảnh: VĂN GIA

Môi trường kinh doanh khó khăn cũng ảnh hưởng đến việc thu hút vốn đầu tư khi số vốn của từng DN mới được bổ sung vào thị trường có xu hướng nhỏ lại.

* Nhiều DN sản xuất cầm cự

Vào tháng 5-2023, một khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tại gần 10 ngàn DN trên địa bàn cả nước cho thấy tình hình của cộng đồng DN hết sức khó khăn.

Theo đó, có 82,3% DN dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023. Trong đó, tỷ lệ DN dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể là 10,9%; dự kiến tạm ngừng kinh doanh là 12,4%; dự kiến giảm mạnh quy mô là 38,5% và dự kiến giảm nhẹ quy mô khoảng 20,5%.

Tình trạng thiếu đơn hàng xảy ra ở rất nhiều lĩnh vực trên cả nước chứ không riêng Đồng Nai.

Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hùng Yến (TP.Biên Hòa) Hoàng Đình Tĩnh cho hay, công ty có 2 nhà xưởng sản xuất găng tay và tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất của DN. Cụ thể, nhiều đối tác phải thu hẹp sản xuất đã dẫn đến nhu cầu về găng tay bảo hộ giảm sút đến 40-50%. Do đó, công ty phải tạm ngừng hoạt động 1 xưởng để tập trung vào xưởng còn lại, chăm chút cho sản phẩm và chăm sóc khách hàng, chờ thời cơ phục hồi.

Từ đầu năm đến nay, các DN nhỏ và vừa phải luôn nỗ lực để tìm thêm các đơn hàng mới để duy trì được sản xuất, đảm bảo việc làm và giữ chân lao động. Có những DN phải chấp nhận làm các đơn hàng không có lãi để tiếp tục cầm cự.

Tổng giám đốc Công ty TNHH Dệt nhãn Junmay ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom) Quách Thuận Đức cho hay: “Đơn hàng của công ty bắt đầu giảm từ cuối năm 2022 đến nay và dấu hiệu phục hồi rất chậm. Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá bán sản phẩm không thể tăng tương xứng nên lợi nhuận của DN bị thu hẹp. Hiện công ty rất khó khăn trong việc tìm đơn hàng mới ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong thời điểm này, DN đang cố gắng duy trì sản xuất, hy vọng cuối năm tình hình kinh tế khởi sắc, đơn hàng nhiều hơn”.

* Quy mô DN mới nhỏ lại

Khoảng 3 năm trở lại đây, các DN mới gia nhập thị trường giảm cả về số lượng lẫn vốn, dẫn đến quy mô ngày càng nhỏ. Trong khi đó, số DN ngừng hoạt động và giải thể cũng tiếp tục gia tăng.

Trong 8 tháng của năm nay, cả nước có hơn 103,6 ngàn DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký 969,6 ngàn tỷ đồng, giảm 14,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân của một DN thành lập mới chỉ hơn 9,3 tỷ đồng, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo UBND tỉnh, trong gần 8 tháng của năm 2023, Đồng Nai có 1.265 DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2022. Các DN tạm dừng kinh doanh chủ yếu là DN nhỏ và vừa thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Nguyên nhân dừng hoạt động là do kinh doanh không hiệu quả.

Tại Đồng Nai, vốn của DN thành lập mới có xu hướng giảm dần và quy mô ngày càng nhỏ đi. Đơn cử năm 2021, vốn của DN thành lập mới bình quân hơn 19 tỷ đồng/DN, năm 2022 giảm xuống còn 7,7 tỷ đồng/DN và 8 tháng của năm 2023 tiếp tục giảm xuống còn gần 7 tỷ đồng/DN.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, xung đột chính trị trên thế giới đã khiến kinh tế toàn cầu suy thoái nên các DN thành lập mới có quy mô vốn nhỏ là do cả thời gian dài chống đỡ với khó khăn, nguồn vốn không còn nhiều và huy động số vốn lớn để đầu tư cũng không dễ dàng. Ngoài ra, tình hình kinh tế còn nhiều bất ổn nên thành lập DN quy mô vốn nhỏ là để giảm thiểu rủi ro, thiệt hại.

Giám đốc Công ty TNHH Astek (TP.Biên Hòa) Lê Xuân Thời cho biết, vì công ty thành lập trong thời kỳ đại dịch Covid-19 nên chỉ thực hiện ở quy mô nhỏ để đảm bảo an toàn. Lĩnh vực sản xuất của công ty là các sản phẩm phục vụ dây chuyền tự động hóa trong sản xuất. Đây là lĩnh vực có nhiều cơ hội phát triển nhưng trước hàng loạt khó khăn bủa vây, công ty tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành để tăng khả năng cạnh tranh. Đợi qua thời điểm khó khăn này, các DN phục hồi sản xuất sẽ chú trọng hơn đến ứng dụng, cải tiến công nghệ, hệ thống máy móc thì đây chính là thị trường để Công ty TNHH Astek phát triển mở rộng.

Đồ họa thể hiện kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tại gần 10 ngàn doanh nghiệp trên địa bàn cả nước vào tháng 5-2023. Thông tin: HƯƠNG GIANG - Đồ họa: HẢI HÀ
Đồ họa thể hiện kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tại gần 10 ngàn doanh nghiệp trên địa bàn cả nước vào tháng 5-2023. Thông tin: HƯƠNG GIANG - Đồ họa: HẢI HÀ

Thực tế, từ đầu năm đến nay, đa số DN từ nhỏ đến lớn đều thiếu đơn hàng sản xuất và dự báo tình hình này có thể còn kéo dài đến cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024. Do đó, ít DN thành lập mới đăng ký vốn lớn như những năm trước.

Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên đánh giá, năm 2023, tình hình kinh tế rất khó khăn, nhiều DN đang hoạt động phải thu hẹp quy mô hoặc tạm dừng sản xuất. Quá trình phục hồi kinh tế chậm hơn so với dự báo, các DN thành lập mới giảm cả về số lượng lẫn vốn đăng ký.

Khánh Minh - Văn Gia

Bài 2: Doanh nghiệp “bơi” giữa khó khăn

Tin xem nhiều