Báo Đồng Nai điện tử
En

Điều chỉnh vướng mắc cho hóa đơn điện tử

Ngọc Liên
08:39, 23/09/2023

Đồng Nai hiện có trên 29 ngàn doanh nghiệp (DN), tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh cá nhân đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT). Trong đó, có trên 26 ngàn tổ chức và trên 3 ngàn hộ kinh doanh cá nhân.

Đồ họa thể hiện kết quả tiếp nhận và xử lý hóa đơn điện tử của Cục Thuế Đồng Nai trong 8 tháng của năm 2023. Thông tin: Ngọc Liên - Đồ họa: Hải Hà
Đồ họa thể hiện kết quả tiếp nhận và xử lý hóa đơn điện tử của Cục Thuế Đồng Nai trong 8 tháng của năm 2023. Thông tin: Ngọc Liên - Đồ họa: Hải Hà

Sau hơn 1 năm thực hiện HĐĐT (từ ngày 1-7-2022 chính thức áp dụng toàn quốc), các tổ chức, cá nhân gặp những vướng mắc cần tháo gỡ như: một số quy định về HĐĐT chưa tạo được sự thuận lợi cho người nộp thuế (NNT); quy định về tra cứu, cung cấp, sử dụng thông tin HĐĐT; trách nhiệm của các bên trong việc quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ… Những khó khăn, vướng mắc đã được Bộ Tài chính tổng hợp, bổ sung vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến HĐĐT và đang thực hiện lấy ý kiến rộng rãi trong cả nước.

* Vướng mắc trong thực hiện HĐĐT

Từ ngày 1-7-2022, HĐĐT chính thức được áp dụng trong các giao dịch giữa các tổ chức, cá nhân. Toàn bộ HĐĐT đều tuân thủ các quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ về hóa đơn, chứng từ với mục tiêu áp dụng HĐĐT.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc sử dụng HĐĐT trên cả nước đã góp phần hỗ trợ cơ quan thuế trong việc quản lý rủi ro, quản lý thuế… Ngoài ra, với các DN, hộ kinh doanh, việc áp dụng HĐĐT góp phần làm giảm chi phí quản lý, sử dụng hóa đơn, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của DN, giảm thiểu nhiều rủi ro so với sử dụng hóa đơn giấy.

Trong 8 tháng của năm 2023, Cục Thuế Đồng Nai đã tiếp nhận và xử lý trên 37,5 triệu hóa đơn. Trong đó, trên 15,3 triệu HĐĐT có mã của cơ quan thuế và trên 22 triệu HĐĐT không có mã của cơ quan thuế.

Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng cũng đã bộc lộ một số vướng mắc như: quy định về nguyên tắc lập hóa đơn, thời điểm lập hóa đơn, nội dung hóa đơn, xử lý hóa đơn lập sai nhằm quy định minh bạch, tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện…

Phó chủ tịch Hội Kế toán tỉnh Đồng Nai Trần Văn Hùng chia sẻ, trong quá trình sử dụng HĐĐT, các DN thường bị vướng khi hàng hóa bị trả lại; quy định về xuất hóa đơn giữa bên bán và bên mua… Dù ngành thuế đã có những văn bản hướng dẫn từng trường hợp cụ thể nhưng ông Hùng cho rằng, văn bản mới chỉ hướng dẫn cho các trường hợp cụ thể, trong khi DN cần một hướng dẫn chung cho tất cả.

Ngoài ra, ông Hùng còn cho rằng, vấn đề yêu cầu DN xuất khẩu phải xuất hóa đơn giá trị gia tăng sau các giao dịch hàng hóa xuất đi nước ngoài khá lãng phí. Bởi theo ông, các giao dịch với đối tác nước ngoài đều có những quy tắc theo chuẩn quốc tế mà tất cả các DN, cá nhân phải tuân thủ. Trong khi đó, các DN xuất khẩu hàng hóa có lượng hóa đơn rất lớn, nếu mỗi giao dịch phải xuất 1 hóa đơn sẽ gây lãng phí. Ông Hùng cho biết thêm: “Một số DN xuất khẩu muốn Chính phủ bỏ quy định xuất hóa đơn giá trị gia tăng sau khi xuất hàng hóa. Bởi theo họ, Nhà nước vẫn còn những công cụ khác trong quản lý thuế”.

* Đề xuất các nhóm sửa đổi, bổ sung

Bà Trần Thị Thu Hương, kế toán một công ty sản xuất thực phẩm cho biết, từ khi áp dụng HĐĐT, năng suất công việc của bà tốt hơn. Tuy nhiên, bà Hương cho rằng, Chính phủ nên điều chỉnh những quy định liên quan đến vấn đề ghi sai nội dung hóa đơn, hoặc hỗ trợ DN điều chỉnh hóa đơn trong trường hợp thay đổi giao dịch so với thời điểm ký kết ban đầu… Bà Hương cho rằng, tình trạng sai sót chi tiết trong xuất hóa đơn khá nhiều nên các kế toán đều mong muốn sớm có điều chỉnh, tạo thuận lợi cho NNT.

Trưởng phòng Tuyên truyền, hỗ trợ NNT (Cục Thuế Đồng Nai) Trần Quảng Ninh cho hay, Cục Thuế Đồng Nai đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh đề xuất một số giải pháp như: điều chỉnh một số quy định về hóa đơn giá trị gia tăng; đề nghị bổ sung hướng dẫn thống nhất HĐĐT và HĐĐT từng lần phát sinh…

Theo ông Ninh, thời gian qua, Đồng Nai luôn đồng hành với các DN, Đặc biệt là vấn đề chuyển đổi số vào ứng dụng HĐĐT. Do đó, tất cả những tham mưu trong vấn đề giải quyết HĐĐT đều dựa trên những phát sinh vướng mắc thực tế. Ông Ninh kỳ vọng rằng, sau đợt điều chỉnh, bổ sung vướng mắc lần này, hệ thống HĐĐT sẽ hoàn thiện hơn để người sử dụng an tâm, tránh tình trạng sai sót thường xuyên như thời gian qua.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19-10-2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ lấy ý kiến của bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân gồm 6 nhóm vấn đề: Sửa đổi, bổ sung một số quy định về HĐĐT nhằm đảm bảo minh bạch, tạo thuận lợi cho NNT…; hạn chế gian lận khi DN đăng ký sử dụng HĐĐT và trong quá trình sử dụng HĐĐT, quy định về trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT…             

Ngọc Liên

Tin xem nhiều