Báo Đồng Nai điện tử
En

Đầu tư công nghệ cho xử lý chất thải

08:06, 20/09/2023

Đồng Nai hiện có 4 khu xử lý (KXL) rác sinh hoạt (RSH). Đặc thù của loại chất thải này là nhanh phát sinh mùi hôi và có nhiều nước rỉ rác. Nếu không quan tâm đầu tư các hạng mục, thiết bị và công nghệ, KXL sẽ trở thành điểm ô nhiễm môi trường.

Xưởng phân loại rác sinh hoạt tại khu xử lý ở xã Quang Trung (H.Thống Nhất). Ảnh: B.Mai
Xưởng phân loại rác sinh hoạt tại khu xử lý ở xã Quang Trung (H.Thống Nhất). Ảnh: B.Mai

Hiện nay, một số KXL đang có kế hoạch chuyển sang công nghệ đốt rác để giảm ảnh hưởng đến môi trường, giảm chôn lấp rác.

* Đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng

KXL chất thải tại xã Quang Trung (H.Thống Nhất) đang tiếp nhận hơn 60% RSH của tỉnh. Để hạn chế ô nhiễm môi trường từ hoạt động xử lý rác, chủ đầu tư đã chi hàng trăm tỷ đồng thực hiện các hạng mục, nhập khẩu dây chuyền và công nghệ xử lý rác.

Bà Trần Thị Thúy, Phó tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Sonadezi, Giám đốc KXL chất thải tại xã Quang Trung cho biết, từ nhiều năm trước, công ty đã hoàn thành đầu tư các hạng mục theo giấy phép môi trường. Ngoài ra, công ty còn đầu tư một số hạng mục như: hệ thống hấp thụ mùi hôi tại khu vực tiếp nhận và phân loại rác; hệ thống phun sương khử mùi tự động tại xưởng ủ; dây chuyền phân loại rác bán tự động tại trạm tái chế chất thải…

Nhờ vậy, kết quả quan trắc môi trường đất và nước dưới đất định kỳ từ năm 2016-2023 ít biến động và trong giới hạn cho phép. Phần lớn RSH được tái chế thành mùn phân hữu cơ, tỷ lệ chôn lấp chất trơ chỉ khoảng 15%; nước thải được xử lý để tái sử dụng.

Tại KXL chất thải xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) nhiều hạ tầng bảo vệ môi trường được đầu tư đáp ứng theo yêu cầu của tỉnh. Rác thải về KXL được đưa vào nhà xưởng, phun xịt khử mùi hôi, sau đó đưa lên băng chuyền phân loại. Tại đây, rác ny-lông, rác thải có khả năng tái chế được tách riêng, phần còn lại là rác hữu cơ được xử lý bằng phương pháp compost. Tỷ lệ chôn lấp rác thải trơ sau phân loại xử lý là 15%.

Bên cạnh những KXL làm tốt, cũng còn KXL đang ngừng tiếp nhận rác vì các lý do: chậm đầu tư công nghệ, chưa hoàn thành đầu tư các hạng mục theo giấy phép hoặc chưa khắc phục xong sự cố.

KXL chất thải tại xã Bàu Cạn (H.Long Thành) là một trong số đó. Do chậm đầu tư công nghệ để giảm chôn lấp rác, vi phạm xây dựng, để tràn nước rỉ rác ra môi trường, KXL đã bị xử phạt vi phạm hành chính hàng trăm triệu đồng, đồng thời bị yêu cầu ngừng tiếp nhận RSH của 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch.

KXL chất thải tại xã Xuân Mỹ (H.Cẩm Mỹ) từ năm 2020 đến nay không được tiếp nhận RSH vì chưa hoàn thành khắc phục sự cố cháy lò đốt, đầu tư nhà xưởng chứa rác. Tương tự, KXL chất thải tại xã Xuân Tâm (H.Xuân Lộc) chưa đủ điều kiện ký hợp đồng xử lý RSH vì chưa hoàn thành lắp ráp dây chuyền phân loại rác theo công nghệ xử lý mùn phân compost.

* Phải chuyển sang công nghệ đốt

Đồng Nai hiện có 4 KXL RSH và áp dụng 2 công nghệ xử lý là: chế biến thành mùn hữu cơ (compost) và đốt bằng lò đốt 2 cấp nhiệt độ cao. Theo yêu cầu của tỉnh, đến ngày 1-1-2025 các KXL phải chuyển sang các công nghệ đốt tiêu hủy.

Đặc thù của RSH là nhanh phát sinh mùi hôi và nhiều nước rỉ rác. Chất thải này nếu không được thu gom, xử lý kịp thời sẽ phát sinh ô nhiễm môi trường từ chính điểm chứa, KXL rác. Hiện nay, các giải pháp giảm mức độ ảnh hưởng như: phun xịt khử khuẩn, hấp thụ mùi hôi đang được một số KXL áp dụng nhưng chỉ hạn chế được phần nào. Thời điểm mùa mưa, nhiệt độ xuống thấp, xe vận chuyển rác về KXL nhiều mà không được che chắn cẩn thận vẫn phát sinh mùi hôi.

Do đó, ngoài việc các KXL phải đầu tư công trình, công nghệ giảm thiểu môi trường, cần kiểm soát chặt chẽ các phương tiện thu gom, vận chuyển rác. Nâng cao ý thức của người dân về phân loại rác tại nguồn để giảm rác thải cần phải xử lý; bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định.

Hiện nay, một số KXL chất thải đang có kế hoạch đầu tư lò đốt rác thu hồi năng lượng. Bên cạnh đó, các sở, ngành của tỉnh đang thực hiện các thủ tục kêu gọi đầu tư dự án đốt rác phát điện quy mô 1,2 ngàn tấn/ngày. Khi các dự án này đi vào hoạt động sẽ giảm thiểu mùi hôi phát sinh từ hoạt động xử lý rác, đồng thời giảm thêm tỷ lệ chôn lấp rác ra môi trường.

Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức cho biết, Sở đã trình UBND tỉnh đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đề án yêu cầu từ ngày 1-1-2025, các KXL phải bổ sung công nghệ đốt tiêu hủy thu hồi năng lượng. Trường hợp không áp dụng công nghệ đốt tiêu hủy, KXL sẽ không được tham gia đấu thầu xử lý RSH.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, để tăng cường công tác quản lý RSH trong thời gian tới, các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện cần tạo điều kiện cho các chủ đầu tư cải tiến công nghệ xử lý, hạn chế thấp nhất việc chôn lấp rác. Ứng dụng công nghệ để xử lý rác trơ, tro xỉ từ đốt rác thành gạch không nung, vật liệu san lấp... Sở TN-MT đề xuất bổ sung quy hoạch các cụm công nghiệp tái chế chất thải quy mô vừa và nhỏ hoặc bổ sung ngành nghề tái chế chất thải quy mô vừa và nhỏ vào một số cụm công nghiệp đã được quy hoạch.

Ban Mai

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích