Trong tiến trình phát triển kinh tế, Việt Nam đã xác định và đưa ra các giải pháp để tăng trưởng nhanh, bền vững và bảo vệ tốt môi trường. Theo xu hướng tất yếu của toàn cầu, Việt Nam đã ưu tiên đẩy mạnh tăng trưởng xanh trên hầu hết các lĩnh vực, từ sản xuất, kinh doanh đến đầu tư hạ tầng kỹ thuật… Các bộ, ngành, địa phương trên cả nước đều xây dựng kế hoạch cho phát triển bền vững, giảm phát thải.
Năm 2021, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của LHQ (COP26), Việt Nam đã cam kết theo lộ trình giảm phát thải và sẽ đạt Net Zero (phát thải bằng 0) vào năm 2050. Đây đã trở thành một dấu mốc quan trọng để Chính phủ Việt Nam phải ưu tiên các nguồn lực trong nước và mời gọi các nước cùng hợp tác để xây dựng một nền kinh tế xanh, bền vững. Bước đầu, Việt Nam đã đạt được một số kết quả là nhiều doanh nghiệp (DN) đã chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế, đưa ra lộ trình tham gia vào sản xuất tuần hoàn. Mục đích giảm dần phát thải, hướng đến sản xuất xanh để góp phần bảo vệ môi trường và chậm lại tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
DN tham gia vào tiến trình Net Zero sẽ chịu nhiều thách thức vì phải có vốn lớn để chuyển đổi máy móc thiết bị hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực… Bù lại, DN cũng sẽ có thêm các cơ hội hợp tác với các nhãn hàng quốc tế để mở rộng sản xuất, kinh doanh, vì đa số các tập đoàn lớn trên toàn cầu đều có cam kết giảm dần phát thải theo từng giai đoạn. Do đó, những DN đi đầu trong sản xuất xanh sẽ được ưu tiên nhiều đơn đặt hàng hơn.
Theo TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, trong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh tiến đến Net Zero, Việt Nam không thể đi một mình mà phải có sự đồng hành của các quốc gia khác trên thế giới. Để giảm khí thải, DN phải tập trung chuyển đổi quy trình sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo. Muốn có nguồn năng lượng tái tạo phục vụ cho sản xuất, kinh doanh thì từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần 14-15 tỷ USD/năm để bổ sung cho ngành này.
Hiện có nhiều tập đoàn đa quốc gia sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam trên lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, Việt Nam phải có chính sách rõ ràng và cam kết đảm bảo ổn định lâu dài thì các tập đoàn mới mạnh dạn đưa nguồn vốn lớn vào các dự án năng lượng tái tạo.
Uyển Nhi
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin