Vào giữa tháng 8-2023, Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT) đã đưa ra báo cáo về Khung định hướng quy hoạch vùng Đông Nam bộ (ĐNB) với dự báo 3 kịch bản tăng trưởng cho vùng trong thời kỳ 2021-2030. Trong đó có kịch bản tăng trưởng thấp là GRDP của vùng ĐNB sẽ tăng 6,04%/năm; trung bình 7,06%/năm và cao là 8,07%/năm.
Vùng ĐNB là đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước nên có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Vì thế, ĐNB phấn đấu đạt được mức tăng trưởng cao hoặc trung bình sẽ góp phần rất lớn cho nền kinh tế của Việt Nam.
ĐNB gồm 6 tỉnh, thành: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và Bình Phước. Trong năm 2022, GRDP của ĐNB chiếm khoảng 31% cả nước, thu ngân sách chiếm khoảng 38% cả nước, kim ngạch xuất khẩu khoảng 35%, thu nhập bình quân đầu người của vùng gấp 1,64 lần cả nước…
Mục tiêu của Chính phủ là sẽ phát triển ĐNB thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, GD-ĐT, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, ĐNB là nơi sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn làm động lực phát triển…
Tuy nhiên, trong gần 3 năm qua, dịch bệnh Covid-19, căng thẳng giữa Nga - Ukraine đã khiến cho kinh tế toàn cầu suy thoái và Việt Nam là quốc gia có độ mở nền kinh tế lớn cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Theo đó, vùng ĐNB gặp tác động tiêu cực đầu tiêu, cụ thể là sản xuất gặp khó khăn do thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài bị chậm lại. Tăng trưởng kinh tế của đa số các tỉnh, thành trong vùng ĐNB đều không đạt kế hoạch đề ra. Hiện khả năng phục hồi sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp rất chậm, khó khăn còn tiếp diễn.
Trong thực trạng trên, vùng ĐNB ưu tiên đầu tư hạ tầng kết nối tạo thuận lợi trong luân chuyển hàng hóa trong vùng, các vùng lân cận. Đồng thời, tạo thêm cơ hội thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài vào các lĩnh vực: công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, thương mại dịch vụ, du lịch, nông nghiệp… Thế nhưng, để ĐNB có thể bứt phá trong phát triển kinh tế cần những chính sách kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho từng địa phương, doanh nghiệp. Như vậy, vùng ĐNB mới có thể tăng tốc để phát triển.
Khánh Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin