Trong những năm qua, sau những tác động của đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, lĩnh vực thương mại - dịch vụ trên địa bàn Đồng Nai đã nỗ lực phục hồi và duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao.
Người tiêu dùng mua sắm tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Hải |
Nhiều đơn vị, doanh nghiệp (DN) thương mại, dịch vụ, bán lẻ đã thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, sản phẩm. Qua đó, góp phần tăng doanh thu, thu hút người tiêu dùng.
Nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19
Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng. Trong năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh đạt hơn 183 ngàn tỷ đồng thì qua năm 2021, việc tạm dừng hoạt động một số ngành dịch vụ không thiết yếu để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã dẫn đến tăng trưởng của các ngành dịch vụ suy giảm nghiêm trọng, từ đó làm giảm mức tăng chung của lĩnh vực này. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2021 của tỉnh đạt 188,7 ngàn tỷ đồng, chỉ tăng gần 2,9% so với năm 2020.
Từ năm 2022 đến nay, hoạt động thương mại, dịch vụ đã trở lại hoạt động bình thường sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới suy thoái làm cho giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu, vận chuyển, hàng hóa đầu vào tăng cao đã tác động đến giá thành bán ra của hàng hóa. Trong bối cảnh đó, ngành thương mại - dịch vụ vẫn nỗ lực phục hồi và tăng trưởng trong gần 2 năm qua.
Theo Sở Công thương, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2022 đối với ngành thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt gần 13%. Trong đó, năm 2022, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ của tỉnh đạt gần 234,2 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 24% so với năm 2021, vượt mục tiêu kế hoạch của năm 2022. Trong 8 tháng của năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 170,7 ngàn tỷ đồng, tăng khoảng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Sở Công thương, tính đến nay, toàn tỉnh có 6 trung tâm thương mại, 13 siêu thị, 287 cửa hàng tiện lợi thuộc chuỗi của các thương hiệu lớn và 138 chợ đang hoạt động trong quy hoạch.
Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa Hoàng Thị Tố Uyên chia sẻ, trong những năm qua, nhất là vào dịp nghỉ lễ lớn, Tết Nguyên đán, siêu thị thường xuyên triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng. Nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi lớn đã góp phần thu hút người tiêu dùng, đẩy mạnh các chương trình kích cầu hàng Việt, tăng doanh thu cho siêu thị…
Bên cạnh đó, để kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh bán lẻ trong tỉnh phục hồi, tăng trưởng sau đại dịch Covid-19, những năm gần đây, bên cạnh chương trình khuyến mãi tập trung quốc gia, tỉnh còn triển khai riêng Tháng khuyến mãi tập trung trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần thúc đẩy tiêu dùng, tăng cường quảng bá, tiếp thị sản phẩm, nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, khẳng định uy tín thương hiệu các DN trong nước và DN địa phương… Đồng thời, tỉnh cũng triển khai, hỗ trợ các DN, HTX trong tỉnh tham gia nhiều hoạt động kết nối cung - cầu trong và ngoài tỉnh để tiếp cận, mở rộng thị trường trong bối cảnh hội nhập, tình hình thị trường nhiều biến động.
Gia tăng các tiện ích, dịch vụ
Tổng giám đốc Công ty TNHH FamilyMart Việt Nam Kirimura Akira chia sẻ, Đồng Nai là một thị trường mới, rộng lớn với nhiều tiềm năng phát triển. Việc đầu tư vào Đồng Nai không những khẳng định thương hiệu FamilyMart, mà còn góp phần tạo thêm sự phong phú trong mô hình bán lẻ hiện đại tại địa phương, cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Đồ họa thể hiện sự tăng trưởng về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của Đồng Nai từ năm 2020 đến nay. (Nguồn: Cục Thống kê Đồng Nai và Sở Công thương - Đồ họa: Hải Hà) |
Bà Đỗ Thị Ngọc Thúy, chủ cửa hàng thời trang Gia Huy (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho hay, do tình hình kinh tế khó khăn nên bà phải mở rộng kênh bán hàng, đưa các sản phẩm lên các nền tảng kinh doanh online, đồng thời ứng dụng hình thức livestream (phát trực tiếp) để khách hàng dễ tương tác, tiếp cận các sản phẩm mới.
“Việc tận dụng các kênh online để bán hàng không chỉ giúp người bán lẻ mở rộng kinh doanh, vận hành hiệu quả mà còn giúp người tiêu dùng được trải nghiệm, mua sắm nhanh chóng, tiện lợi hơn. Từ khi kết hợp bán hàng qua livestream, doanh thu của cửa hàng tăng gần 30% so với trước. Đặc biệt, tôi kết nối với nhiều đơn vị vận chuyển, hỗ trợ nhiều phương thức thanh toán nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng ở hầu hết các tỉnh, thành” - bà Thúy chia sẻ.
Trong thời gian qua, Đồng Nai đã có những bước tiến trên con đường chuyển đổi số, trong đó tập trung phát triển nhiều mô hình kinh tế số, phát triển hạ tầng thương mại - dịch vụ, đa dạng các tiện ích về thanh toán, tiêu dùng để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân, DN.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng chia sẻ, trong thời gian tới, ngành Công thương Đồng Nai và các địa phương cần phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát các chỉ tiêu phát triển hạ tầng thương mại, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ đột phá trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, phát triển logistics… trên địa bàn một cách phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Hoàng Hải
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin