Các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ (ĐNB) nhìn nhận, việc quy hoạch ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai có ý nghĩa quan trọng nhằm khai thác tiềm lực về kinh tế ven sông, cảng, du lịch, giao thông thủy, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước của các địa phương.
Sông Đồng Nai đoạn qua địa bàn tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển đô thị sinh thái, đô thị ven sông. Ảnh: P.Tùng |
Chính vì vậy, các địa phương thống nhất đề xuất định hướng quy hoạch ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai.
* Định hướng quy hoạch chung vùng ven sông
Đầu tháng 7 vừa qua, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị trao đổi, hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh vùng ĐNB. Đây là lần thứ 2 hội nghị này được tổ chức. Một trong những nội dung được các địa phương thảo luận là đề xuất định hướng quy hoạch ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai nhằm khai thác tiềm lực về kinh tế ven sông.
Theo Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM, đối với công tác quy hoạch ven sông Đồng Nai được nghiên cứu tại đồ án quy hoạch chung TP.Thủ Đức đến năm 2040, dải không gian đô thị sinh thái - du lịch sẽ được phát triển hướng ra sông Đồng Nai. Dải không gian đô thị này sẽ được tổ chức bao gồm dải công viên, bến du thuyền, bến thủy nội địa gắn với không gian công cộng và một số điểm trung tâm đô thị ven sông, đan xen với các khu đô thị và du lịch sinh thái.
Các địa phương vùng ĐNB đã thống nhất tiếp tục duy trì tổ chức hội nghị vùng mỗi quý/lần, luân phiên giữa các địa phương. Lần thứ 3 sắp tới sẽ diễn ra tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Từ việc nghiên cứu quy hoạch nói trên, mới đây Văn phòng UBND TP.HCM đã có thông báo kết luận của lãnh đạo các địa phương tại hội nghị trao đổi, hợp tác giữa TP.HCM với các tỉnh vùng ĐNB lần thứ 2. Trong đó, đối với nội dung đề xuất định hướng quy hoạch ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp đơn vị tư vấn và các địa phương trong vùng nghiên cứu quy hoạch phát triển hành lang sông Sài Gòn kết nối đồng bộ, toàn diện hệ thống hạ tầng kỹ thuật gồm: cầu vượt sông, đường, bến thủy nội địa, cảng hàng hóa… với tỉnh Bình Dương và các tỉnh ở thượng nguồn. Sau đó báo cáo, đề xuất UBND TP.HCM xem xét chỉ đạo cập nhật vào đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Đơn vị này cũng được giao nhiệm vụ phối hợp với Sở Xây dựng các địa phương ĐNB tham mưu triển khai các nội dung nói trên; đồng thời, gửi các địa phương góp ý định hướng quy hoạch chung vùng ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai trong tháng 8-2023, chuẩn bị cho hội nghị lần 3 sắp diễn ra.
* Khai thác đồng bộ, hài hòa
Sông Đồng Nai chảy qua địa bàn tỉnh có chiều dài khoảng 200km. Giữa TP.HCM và Đồng Nai, sông Đồng Nai là một phần ranh giới tự nhiên có chiều dài khoảng 40km. Do đó, việc 2 địa phương cùng thống nhất nghiên cứu để quy hoạch khai thác các tiềm năng của sông Đồng Nai trên các lĩnh vực phát triển đô thị sinh thái, đô thị cao cấp ven sông là rất cần thiết.
Theo UBND tỉnh, Đồng Nai và TP.HCM đang có các đề xuất về khả năng kết nối và tổ chức, khai thác không gian kiến trúc cảnh quan hai bên bờ sông Đồng Nai một cách đồng bộ, hài hòa.
Trong định hướng quy hoạch đường ven sông Đồng Nai, TP.HCM đã đặt tiêu chí đảm bảo tính khả thi, đồng bộ và tính liên tục theo tuyến để hình thành cảnh quan ven sông. Đồng thời, phát triển mạnh các hoạt động kinh tế ven sông; trong đó, nổi bật là hoạt động khai thác cảng và một số địa điểm du lịch, khu tâm linh kết hợp ẩm thực như khu cảng Long Bình, cảng Cát Lái - Bến Nghé Phú Hữu, Khu đô thị Vinhomes Grand Park, miếu Ông, cù lao Bà Sang; chùa Hội Sơn; Khu du lịch sinh thái Long Phước. Cùng với đó, TP.HCM cũng đang nghiên cứu khai thác các tuyến du lịch đường sông như Bạch Đằng - Cát Lái - chùa Hội Sơn - cù lao phố.
Về phía Đồng Nai, trong định hướng quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, việc hình thành các đô thị - dịch vụ - du lịch sinh thái và các quần thể vui chơi giải trí đẳng cấp được xác định là một trong những đột phá chiến lược của tỉnh.
Sông Đồng Nai đoạn qua địa bàn tỉnh với nhiều tiềm năng có thể quy hoạch khai thác để phát huy tiềm lực kinh tế ven sông |
Tại H.Nhơn Trạch, địa phương được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển đô thị ven sông, quy hoạch cảng biển trên địa bàn đã được “tinh gọn” để dành không gian cho phát triển đô thị.
Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, tỉnh sẽ nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện mạng lưới giao thông kết nối các đô thị ven sông.
Theo kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đồng Nai, quá trình phối hợp, xây dựng quy hoạch chung vùng ven sông Đồng Nai, 2 địa phương cần nghiên cứu khai thác giá trị mặt nước cùng yếu tố văn hóa, lịch sử, du lịch. Cần có giải pháp kè mềm để nâng giá trị mặt nước, cảnh quan, bản sắc, điểm nhấn kiến trúc. Cùng với đó, các dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng phương tiện đường thủy cần gắn kết với bến bãi đường bộ, hàng không để người dân thấy thuận tiện sử dụng.
Phạm Tùng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin