Vùng Đông Nam bộ (ĐNB) có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Việt Nam. Chỉ chiếm hơn 7% diện tích, gần 20% dân số nhưng ĐNB là vùng phát triển năng động, đầu tàu trong phát triển kinh tế và có đóng góp quan trọng nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Một dự án bất động sản ven sông tại H.Nhơn Trạch. Ảnh: H.LỘC |
Tại hội nghị Hội đồng Điều phối vùng ĐNB lần thứ nhất diễn ra vào tháng 7-2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo nhiều bộ, ngành đã đưa ra các giải pháp quan trọng để vùng phát triển nhanh, bền vững. Cùng với đó, các địa phương trong vùng đang tích cực triển khai nghị quyết, chương trình, kế hoạch để giữ vững ngôi vị dẫn đầu.
* Trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước
Với mức đóng góp GDP khoảng 31%, xuất khẩu khoảng 35% và thu ngân sách khoảng 38%, ĐNB hiện là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Có được kết quả trên một phần nhờ vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của vùng, nhưng phần lớn là sự chỉ đạo điều hành, sự đoàn kết, thống nhất trong thực hiện giữa Trung ương và địa phương.
Về điều kiện tự nhiên, vùng ĐNB có hệ thống cảng, sân bay quốc tế, đường sắt, đường cao tốc, đường bộ thuận lợi phát triển công nghiệp, công nghệ thông tin, viễn thông, logistics, thương mại dịch vụ. Đây cũng là vùng năng động và có sức hút lớn về giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, công nghiệp giải trí. Sự hợp tác giữa các địa phương trong vùng ngày càng được coi trọng, đặc biệt ở các lĩnh vực: hạ tầng kết nối, xuất nhập khẩu, đào tạo nguồn nhân lực và giải quyết các vấn đề chung của vùng.
Những năm gần đây, Trung ương đã có nhiều định hướng quan trọng đối với vùng ĐNB như: Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐNB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và chương trình hành động nghị quyết; Nghị quyết số 98/2023/QH15 năm 2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và mới đây là Quyết định thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐNB của Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng ĐNB đánh giá, ĐNB là vùng phát triển năng động và có đóng góp quan trọng nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Các địa phương trong vùng cần tiếp tục phát huy lợi thế, tăng cường mối liên kết thực hiện các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động của Trung ương và vùng để đưa vùng phát triển nhanh và bền vững.
Trong Nghị quyết 24-NQ/TW cũng xác định, ĐNB phải là vùng phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á, giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác.
Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, với vai trò đầu tàu, trung tâm kết nối của cả vùng, TP.HCM đang thực hiện lập, điều chỉnh quy hoạch thành phố sao cho phù hợp với chiến lược, định hướng phát triển của toàn vùng. Thành phố cũng xác định xây dựng mô hình đô thị đa trung tâm, nhiều tiểu vùng kết nối với các tỉnh lân cận.
“TP.HCM sẽ không làm tốt mô hình đa trung tâm, nhiều tiểu vùng nếu không có sự phối hợp với các địa phương trong vùng. Thành phố sẽ tăng cường kết nối, hỗ trợ các địa phương trong vùng cùng phát triển” - ông Phan Văn Mãi cho hay.
* Cần cơ chế, giải pháp đặc thù cho vùng
Vùng ĐNB gồm TP.HCM và 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh. Đây là khu vực có thu thút đầu tư trong nước, nước ngoài lớn nhất cả nước. |
Những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của vùng ĐNB có xu hướng chậm lại do dịch bệnh, chính trị thế giới bất ổn và các dự án hạ tầng kết nối chậm. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa làm nảy sinh nhiều hệ lụy như: ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, an sinh xã hội...
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho rằng, thời gian qua, Trung ương rất quan tâm và cho triển khai nhiều dự án hạ tầng ở vùng ĐNB. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa cao trong khi một số dự án hạ tầng triển khai chậm dẫn đến quá tải giao thông.
Vì thế, Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, sớm xây dựng cầu Cát Lái. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 dự án đường sắt từ TP.HCM về Đồng Nai. Đồng thời, kiến nghị 3 địa phương: Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM nghiên cứu giải pháp phát triển vận tải hành khách đường thủy kết hợp khai thác du lịch và phát triển đô thị dọc hai bên bờ sông Đồng Nai.
TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, giao thông là yếu tố quan trọng nhất trong liên kết, nhưng lĩnh vực này vùng ĐNB đang thiếu và quá tải. TP.HCM đang thí điểm áp dụng mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng. Nếu các địa phương trong vùng cũng được áp dụng cơ chế này sẽ là cộng hưởng sức mạnh tạo ra quỹ đất đô thị, nguồn thu ngân sách lớn và nguồn vốn để thực hiện các dự án hạ tầng ở vùng.
Liên quan đến vấn đề môi trường, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh đưa ra một số giải pháp, trong đó tập trung phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn. Các địa phương chủ động kiểm soát nguồn thải lớn, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Thực hiện phân luồng các dự án đầu tư mới theo mức độ tác động đến môi trường ngay từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư. Cùng với đó, các địa phương khai thác, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên; hợp tác kiểm soát các nguồn thải, bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và sông Sài Gòn.
Về nhà ở, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, hiện nay Chính phủ đã có Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở công nhân, nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030, các địa phương phải đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở cho người dân vào kế hoạch hàng năm để thực hiện. Chuẩn bị sẵn đất đai, quy hoạch để huy động các nguồn lực tham gia đầu tư nhà ở cho người dân có thu nhập thấp.
Với vai trò Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng ĐNB, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng. Đồng thời, yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch này phải đồng bộ, thống nhất với Quy hoạch vùng ĐNB thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang thực hiện.
Hoàng Lộc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin