Báo Đồng Nai điện tử
En

Còn vướng mắc trong phát triển khu công nghiệp

Văn Gia
08:52, 24/08/2023

Nhiều năm liền, Đồng Nai ít có khu công nghiệp (KCN) mới, trong khi một số KCN đã đi vào hoạt động hàng chục năm vẫn còn vướng giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó là những vấn đề về hạ tầng giao thông kết nối và các thủ tục, chính sách đang gây khó khăn cho sự phát triển của các KCN ở Đồng Nai.

Khu công nghiệp Hố Nai đã được thành lập hàng chục năm nhưng vẫn còn vướng giải phóng mặt bằng. Ảnh: V.Gia
Khu công nghiệp Hố Nai đã được thành lập hàng chục năm nhưng vẫn còn vướng giải phóng mặt bằng. Ảnh: V.Gia

Mới đây, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức gặp gỡ chủ đầu tư của tất cả các KCN trên địa bàn tỉnh để trao đổi về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất cụ thể giải pháp tháo gỡ. 

* 10 KCN còn vướng mặt bằng

Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, tỉnh có 33 KCN được thành lập với tổng diện tích đất hơn 10,5 ngàn ha; trong đó 31 KCN đang hoạt động, 1 KCN trong giai đoạn thu hồi đất và đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư (KCN Công nghệ cao Long Thành) và 1 khu vừa được thành lập trong tháng 7-2023 (KCN Long Đức 3 theo Quyết định 842/QĐ-TTg ngày 14-7-2023 của Thủ tướng Chính phủ). 32/33 KCN ở Đồng Nai đã cho thuê được hơn 6 ngàn ha, đạt 85,3% diện tích đất cho thuê.

Hiện nay, các KCN có tỷ lệ lấp đầy cao, quỹ đất công nghiệp dành cho thuê tại các KCN không còn nhiều. Do đó, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai định hướng các chủ đầu tư hạ tầng lựa chọn các dự án có suất vốn đầu tư cao, sử dụng lao động phù hợp, ngành nghề thu hút có công nghệ hiện đại.

Các KCN đã góp phần thu hút các doanh nghiệp (DN) đầu tư trong và ngoài nước, góp phần tạo lập nên vị thế công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước của Đồng Nai, nhưng có một thực tế là hàng chục năm qua, có nhiều KCN vẫn còn vướng giải phóng mặt bằng. Cụ thể, toàn tỉnh có tới 10 KCN đang vướng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với tổng diện tích đất khoảng 820ha, chủ yếu tập trung tại các KCN: Hố Nai (hơn 110ha, bao gồm cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2), Sông Mây (gần 258ha), Long Thành (hơn 2ha), Thạnh Phú (hơn 38ha), Ông Kèo (gần 205ha), An Phước (3ha), Bàu Xéo (gần 19ha), Giang Điền (gần 1ha), Công nghệ cao Long Thành (163ha), Amata (hơn 25ha). Nguyên nhân chủ yếu là do các hộ dân không đồng ý nhận tiền bồi thường vì cho rằng giá bồi thường thấp, chưa bố trí được các lô tái định cư cho các hộ dân sau khi thu hồi đất.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, tỉnh đã tổ chức gặp gỡ, thảo luận trực tiếp tại 10 KCN đang vướng mặt bằng nói trên để tìm cách giải quyết. Đồng thời, đã ban hành các văn bản kết luận liên quan, quy định trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương phối hợp với chủ đầu tư từng KCN cụ thể để thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng.

Theo đó, tỉnh đã thúc giục các địa phương xây dựng, cập nhật đơn giá bồi thường; phần diện tích vướng bồi thường, hỗ trợ diễn ra thời gian dài. Do quy định pháp luật thay đổi qua từng thời kỳ, việc xác định giá bồi thường, hỗ trợ theo từng thời điểm cần sát thực tế để người dân có thể đồng thuận. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở TN-MT phối hợp cùng UBND các huyện, thành phố có KCN còn vướng bồi thường đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo lập quỹ đất sạch giao cho công ty đầu tư hạ tầng KCN để thu hút đầu tư.

* Hạ tầng kết nối chưa đồng bộ

Tổng giám đốc Công ty CP Đô thị Amata Long Thành (chủ đầu tư KCN công nghệ cao Long Thành) Thái Hoàng Nam chia sẻ, dù mới khởi công xây dựng nhưng tại đây cũng đã thu hút sự quan tâm của nhiều DN trong và ngoài nước đến tìm hiểu thuê đất. Theo ông Nam, kinh nghiệm cho thấy, nếu tiếp nhận một đồng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp thì sẽ có 6 đến 10 đồng vốn đầu tư gián tiếp đi kèm. Đó là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc kết nối hệ thống hạ tầng trong khu vực chưa được hoàn chỉnh như: logistics, giao thông kết nối, hạ tầng xã hội… Điều này dẫn đến khi dự án hình thành, việc cung ứng, cung cấp dịch vụ đi kèm chưa tương xứng, bất cập.

Đơn cử như KCN Công nghệ cao Long Thành được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2015. Dự kiến dự án sẽ đi vào hoạt động trong quý II-2024, nhưng đến nay việc kết nối giao thông vẫn chưa được đầu tư, kết nối chắp vá. Điều này sẽ ảnh hưởng tới khả năng thu hút DN đến Đồng Nai đầu tư.

Tương tự, đi vào hoạt động từ lâu song vấn đề giao thông kết nối vẫn đang là vướng mắc của KCN Hố Nai. Theo Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP KCN Hố Nai Dương Thị Kiều Anh thì tuyến đường Điểu Xiển là tuyến huyết mạch nối từ quốc lộ 1 vào KCN Hố Nai. Trên tuyến đường này, đoạn từ ga Hố Nai tới tiếp giáp với KCN (đoạn song song với đường sắt Bắc - Nam) bị người dân lấn chiếm làm bãi tập kết vật liệu xây dựng, xây dựng cửa hàng buôn bán, tụ tập họp chợ đã gây ùn tắc giao thông, đặc biệt vào giờ cao điểm, xả rác bừa bãi gây mất mỹ quan đô thị… Ngoài ra, dù đã được nâng cấp song đường Điểu Xiển vẫn rất hẹp để các phương tiện, nhất là xe tải, xe container di chuyển ra vào.

“Chúng tôi mong tỉnh sớm có biện pháp giải tỏa và ngăn chặn việc lấn chiếm lòng, lề đường Điểu Xiển nhằm đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa ra vào KCN và đi lại của người dân thuận tiện” - bà Kiều Anh nói.

Văn Gia

Tin xem nhiều