Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Hành trình dài, khó khăn

Bình Nguyên
08:10, 25/08/2023

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, năm 2023 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) một cách thực chất, hiệu quả, tiết kiệm, gắn với kêu gọi sự hỗ trợ, tư vấn của các doanh nghiệp, hiệp hội công nghệ thông tin chuyên nghiệp.

Nông dân H.Cẩm Mỹ dùng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật cho vườn sầu riêng. Ảnh: B.Nguyên
Nông dân H.Cẩm Mỹ dùng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật cho vườn sầu riêng. Ảnh: B.Nguyên

Chủ trì hội nghị tham vấn ý kiến về triển khai nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc vừa tổ chức tại TP.Biên Hòa, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định, CĐS là quá trình xuyên suốt và liền mạch, có bắt đầu và không kết thúc nên cần có cách nghĩ và cách làm khác mới thành công được. Trong đó, Đồng Nai là tỉnh tiên phong CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp.

* Ngành Nông nghiệp Đồng Nai đi đầu trong CĐS

Ủy ban CĐS quốc gia chọn năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia và xác định tập trung vào thực hiện một số chỉ tiêu quan trọng để các bộ, ngành, địa phương dồn lực thực hiện. Đồng Nai cùng với 7 tỉnh: Bến Tre, Đồng Tháp, Quảng Nam, Sơn La, Thái Bình, Hưng Yên và Phú Thọ được phân công tiên phong chỉ đạo triển khai nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc.

Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh, bám sát những chủ trương trên, ngành Nông nghiệp Đồng Nai rất tích cực triển khai CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp, từ việc nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đến xây dựng cơ sở dữ liệu toàn ngành. Đặc biệt, năm 2020, tỉnh đi tiên phong triển khai 2 dự án Quản lý trang trại chăn nuôi thông qua phần mềm Te-food và Truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ động vật; đồng thời, xây dựng Danh mục các dự án đầu tư công phục vụ CĐS giai đoạn 2021-2025.

Về dự án Truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ động vật đặt ra mục tiêu truy xuất nguồn gốc khoảng 200 con heo/ngày đêm vào năm 2021 sẽ tăng lên khoảng 1,5 ngàn con heo/ngày đêm vào năm 2025. Kết quả đến nay, toàn tỉnh có gần 1,2 ngàn cá nhân, tổ chức tham gia gồm: siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ, cơ sở giết mổ heo, thương nhân mua heo, cơ sở chăn nuôi, bếp ăn tập thể khu công nghiệp, bếp ăn trường học... Lũy kế đến cuối tháng 6-2023, toàn tỉnh có hơn 47,5 ngàn con heo được truy xuất nguồn gốc.

Đến nay, dự án Quản lý trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn Đồng Nai đã có gần 1,8 ngàn trang trại chăn nuôi đăng ký, khai báo, xác nhận trên phần mềm. Mục tiêu đến năm 2025, có 100% trang trại chăn nuôi của tỉnh đăng ký và báo cáo trên phần mềm; toàn bộ các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ tham gia các chuỗi đăng ký và báo cáo trên phần mềm; công tác quản lý chăn nuôi gắn với công tác phòng, chống dịch bệnh; kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và truy xuất nguồn gốc, gắn với các chính sách hỗ trợ chăn nuôi, thú y.

* Còn nhiều thách thức

Trong quá trình triển khai, ngành Nông nghiệp Đồng Nai cũng gặp rất nhiều thử thách, khó khăn.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT NGUYỄN HOÀNG HIỆP, nếu như ở các ngành khác CĐS khó khăn một thì ở lĩnh vực nông nghiệp khó khăn gấp nhiều lần. Phần mềm, máy tính, đám mây chỉ là công cụ; người nông dân sẽ không tham gia nếu như không có quyền lợi trong đó.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai Nguyễn Trường Giang dẫn chứng, tỷ lệ trang trại chăn nuôi đăng ký, khai báo, xác nhận trên phần mềm truy xuất nguồn gốc đạt gần 85,5% trên tổng số trang trại. Nhưng trong tháng 7-2023, toàn tỉnh chỉ có 243 trang trại duy trì báo cáo định kỳ, đạt khoảng 13,8% so với số trang trại đã đăng ký. Khó khăn là do công tác khai báo trên phần mềm chưa được luật hóa, chủ yếu là vận động, tuyên truyền thực hiện nên đạt tỷ lệ chưa cao khi người chăn nuôi chưa tạo thành thói quen trong việc khai báo. Các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi chưa thấy hết lợi ích của việc ứng dụng phần mềm khai báo đàn vật nuôi…

Doanh nghiệp, người dân chưa tích cực tham gia hoặc chỉ đăng ký để ứng phó cũng là khó khăn lớn của dự án Truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ động vật. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, hạn chế về nguồn nhân lực, phần mềm chưa được cập nhật dữ liệu thường xuyên… cũng là những vấn đề còn vướng mắc khi thực hiện CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi kiến nghị, để thuận lợi xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu tại địa phương, đảm bảo không chồng chéo, kết nối liên thông được hệ thống dữ liệu của Bộ NN-PTNT và giữa các tỉnh, thành; Bộ NN-PTNT cần xây dựng cơ sở quản lý dữ liệu sử dụng chung cho 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố là 1 phân hệ, từ đó tỉnh sẽ xây dựng phân hệ từ tỉnh đến huyện, xã để kết nối vào phần mềm cơ sở dữ liệu chung của Bộ.

Bộ NN-PTNT cần sớm xây dựng và triển khai phần mềm chuyển đổi trong lĩnh vực chăn nuôi để các địa phương có thể tích hợp số liệu khai báo vào hệ thống thông tin dữ liệu chăn nuôi quốc gia; gắn công tác kê khai chăn nuôi với công tác kiểm dịch, quản lý vận chuyển động vật và công tác phòng, chống dịch bệnh trên ứng dụng điện tử. Xây dựng định mức kinh phí thực hiện việc điều tra, cập nhật dữ liệu ngành Nông nghiệp để duy trì hoạt động của các phần mềm cơ sở dữ liệu ngành Nông nghiệp. Xây dựng văn bản quy định, hướng dẫn cho các hộ sản xuất, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm cung cấp, cập nhật dữ liệu về sản xuất lên hệ thống dữ liệu ngành nông nghiệp…

Bình Nguyên

Tin xem nhiều