Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành dệt may tìm cách 'lội ngược dòng'

21:18, 19/04/2023

Năm 2023, ngành dệt may Việt Nam kỳ vọng xuất khẩu có thể thu về 48 tỷ USD. Tuy nhiên, mục tiêu này đang gặp nhiều thách thức, do tình hình kinh tế thế giới vẫn bất ổn.

Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may, thiết bị, nguyên phụ liệu và vải (Saigontex 2023). Ảnh: V.Gia
Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may, thiết bị, nguyên phụ liệu và vải (Saigontex 2023). Ảnh: V.Gia

Trong bối cảnh khó khăn, ngành dệt may cả nước, trong đó có Đồng Nai, vừa nỗ lực để tìm kiếm thêm đơn hàng mới, đồng thời doanh nghiệp (DN) cũng buộc phải cải tổ lại sản xuất theo xu hướng tiêu dùng toàn cầu.

* Tồn kho của các nhãn hàng lớn ở mức cao

Theo đánh giá của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ngành dệt may Việt Nam chủ yếu làm hàng xuất khẩu nên bị ảnh hưởng lớn bởi tổng cầu của thế giới. Do khó khăn chung, người dân thắt chặt chi tiêu, giảm sức mua đối với các mặt hàng không thiết yếu, trong đó có dệt may. Những vấn đề đó dẫn đến tồn kho của các nhãn hàng lớn của các tập đoàn thời trang thế giới vẫn ở mức cao. Doanh thu tăng nhẹ nhưng lợi nhuận giảm sâu.

Tồn kho của Nike đến hết quý I-2023 tăng 16% so với cùng kỳ năm 2022, doanh thu thuần tăng 14% nhưng lợi nhuận ròng giảm 11% so với cùng kỳ. Adidas tính đến hết tháng 12-2022, tồn kho tăng 49%, lợi nhuận ròng năm 2022 giảm 83% so với năm 2021. Inditex tồn kho tăng 4,9% tính đến hết tháng 1-2023. Hanes tồn kho năm 2022 tăng 24,9% so với năm trước đó.

Theo Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Vương Đức Anh, lạm phát tại Hoa Kỳ và EU (Liên minh châu Âu), 2 thị trường lớn của hàng dệt may tăng lên ngưỡng cao trong vòng 40 năm qua, đây là bất lợi đối với ngành. Hiện tại, giá gia công giảm rất sâu, nhiều DN chỉ có đơn hàng đến hết tháng 3, tháng 4-2023. Trong khi mọi năm, thời điểm này đã có đơn hàng làm hết tháng 6 hoặc hết năm.

Các chuyên gia dự báo tình hình kinh tế, thị trường khó khăn còn kéo dài đến hết năm 2023. Tổng cầu thế giới tiếp tục giảm, cầu ở mức thấp và thấp hơn tổng cầu năm 2020 khi có dịch bệnh Covid-19. Xu thế giảm việc làm, giảm lao động là tất yếu trong thời gian tới. Trong quý
II-2023, tình hình đơn hàng có thể cải thiện về số lượng nhưng tiếp tục khó khăn về đơn giá khi áp lực chi phí cao, lợi nhuận của DN chưa được cải thiện; dư địa phát triển ngành may chỉ là đơn hàng nhỏ, phức tạp. Ngành sợi sẽ có cải thiện hơn nếu DN mua được giá bông mới, xuất khẩu đến các thị trường ngoài Trung Quốc…

* Thay đổi để phù hợp xu hướng tiêu dùng thế giới

Không chỉ khó khăn do nhu cầu sụt giảm mà Việt Nam còn phải cạnh tranh gay gắt với các cường quốc dệt may khác như: Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ...

Đặc biệt, ngành may mặc Bangladesh đã đẩy Việt Nam xuống vị trí quốc gia thứ 3 xuất khẩu hàng dệt may. Nước này hiện có khoảng 4 ngàn nhà máy đang hoạt động, chiếm gần 29% của GDP, là ngành chính của công nghiệp. Điều quan trọng, Bangladesh đã thay đổi nhanh chóng bộ mặt ngành dệt may theo hướng xanh hóa. Có tới 9/10 nhà máy hiện đại của thế giới đang nằm ở đây và có khoảng 188 nhà máy của Bangladesh đã đạt chứng chỉ Leed Platinium của Hoa Kỳ.

“Câu chuyện xanh hóa của Bangladesh có thể là một trong các lý do khiến các đơn hàng đang chảy về đó. Thị phần miếng bánh tổng cầu giảm, nhưng đối thủ cạnh tranh lại tăng lên” - ông Vương Đức Anh chia sẻ.

Bài học của Bangladesh đòi hỏi các DN phải nỗ lực để tái cấu trúc lại, tối ưu hóa quy trình sản xuất, tiết kiệm tối đa chi phí, tinh gọn bộ máy bằng các công nghệ hiện đại. Với xu hướng tiêu dùng có trách nhiệm của thế giới, các nhãn hàng lớn sẽ chú trọng hợp tác với những đơn vị có chương trình phát triển bền vững, xanh hóa, quản trị số, kinh tế tuần hoàn...

Là DN chuyên các sản phẩm may xuất khẩu, theo Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Việt Đức (H.Xuân Lộc) Lê Văn Quang, việc nhà nhập khẩu đặt ra các tiêu chuẩn cao như trên cũng chính là động lực để công ty tái cấu trúc, hoạt động theo mô hình chuyên nghiệp hơn, từ đó nâng chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của mình.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng nhận định, dệt may có vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, an sinh xã hội, đóng góp nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước. Đối mặt với những khó khăn, ngành này phải có sự thay đổi. Do đó, DN cần tìm cách tiếp cận và đầu tư những công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại. Đồng thời, thúc đẩy mối quan hệ giao thương, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, chủ động đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng trong và ngoài nước.

Văn Gia

Tin xem nhiều