Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ vững vai trò 'đầu tàu' kinh tế

08:04, 28/04/2023

Tuy trải qua nhiều thời điểm khó khăn nhưng vùng Đông Nam bộ (ĐNB) vẫn luôn giữ được vai trò "đầu tàu" trong phát triển kinh tế của Việt Nam. ĐNB là khu vực đóng góp khoảng 32% GDP của cả nước. Đây là khu vực có xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất.

Tuy trải qua nhiều thời điểm khó khăn nhưng vùng Đông Nam bộ (ĐNB) vẫn luôn giữ được vai trò “đầu tàu” trong phát triển kinh tế của Việt Nam. ĐNB là khu vực đóng góp khoảng 32% GDP của cả nước. Đây là khu vực có xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất.

TP.HCM dẫn đầu vùng Đông Nam bộ trong phát triển kinh tế. Ảnh: K.Minh
TP.HCM dẫn đầu vùng Đông Nam bộ trong phát triển kinh tế. Ảnh: K.Minh

Vùng ĐNB gồm 6 tỉnh, thành: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh. Vùng ĐNB cũng là nơi đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước. Năm 2022, dù bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng thu ngân sách của vùng ĐNB vẫn đạt gần 732,6 ngàn tỷ đồng, bằng 41% tổng thu ngân sách của cả nước.

* Dẫn đầu trong phát triển kinh tế

Sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975, ĐNB từ vùng bị chiến tranh tàn phá đã khép lại những đau thương, dồn tâm và lực cho phát triển kinh tế để góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Với quyết tâm đó, các tỉnh, thành ĐNB đã trở thành vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người dân cả nước.

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, năm 2020, GRDP của ĐNB tăng gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra. Do đó, vùng ĐNB đóng góp 32% GDP của cả nước. ĐNB cũng là nơi có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước. Trong những năm qua, cơ cấu kinh tế của vùng được chuyển dịch đúng hướng, tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ tăng cao.

Đến năm 2045 trở thành trung tâm tài chính quốc tế

Theo Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐNB, đến năm 2045, ĐNB trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại. ĐNB cũng là trung tâm KH-CN và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới. ĐNB sẽ phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh, có trình độ y tế, giáo dục thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á.

ĐNB là khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước. Đồng thời, ĐNB có thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm 41% tổng vốn FDI của cả nước. Vì thế, ĐNB cũng là trung tâm công nghiệp và có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước.

Vào đầu tháng 3-2023, tại hội thảo Động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐNB: tiềm năng và thách thức, GS-TS Sử Đình Thành, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP.HCM đánh giá, dù chỉ chiếm 20% dân số và 9% diện tích, nhưng năm 2021, ĐNB đã đóng góp 32% GDP và 45% tổng thu ngân sách nhà nước. ĐNB là nơi có công nghiệp phát triển thu hút nhiều lao động các nơi về sinh sống và làm việc nên tốc độ đô thị hóa nhanh. Bên cạnh những kết quả đạt được, ĐNB cũng chịu một số thách thức về hạ tầng đô thị và hạ tầng xã hội.

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu ĐNB được ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là các tuyến giao thông nhiều hơn nữa để kết nối vùng ĐNB với các vùng lân cận thì kinh tế khu vực này sẽ có những bước tăng trưởng đột phá. Như vậy, sẽ đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.

Ông Keijo Norvanto, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Phần Lan tại Việt Nam cho biết: “Có nhiều doanh nghiệp Phần Lan đang muốn tìm cơ hội đầu tư vào ĐNB, vì đây là khu vực kinh tế năng động, công nghiệp, thương mại dịch vụ phát triển nhất Việt Nam. Do đó, đầu tư vào khu vực này các doanh nghiệp có nhiều cơ hội thành công hơn. Lĩnh vực các doanh nghiệp Phần Lan muốn đầu tư vào Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác trong vùng là thương mại, năng lượng tái tạo”.

Trải qua nhiều thập niên, ĐNB vẫn là vùng đất hấp dẫn nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, vì đây là vùng đất có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics, bất động sản, hạ tầng kỹ thuật, du lịch…

Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc, thời gian qua, thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, xung đột giữa Nga - Ukraine khiến kinh tế toàn cầu suy thoái, giá cả vật liệu đầu vào cho sản xuất, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao. Việt Nam có sự linh hoạt trong điều hành và kiểm soát dịch bệnh nên vẫn giữ mức tăng GDP cao so với nhiều nước trong khu vực. Trong đó, ĐNB luôn giữ vai trò “đầu tàu” trong phục hồi và phát triển kinh tế. TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đóng góp rất lớn cho sự phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam.

* Phát triển nhanh, bền vững

Cuối năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐNB. Trong  đó, nêu rõ ĐNB có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Trong tương lai, ĐNB phải là vùng phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, GD-ĐT, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, KH-CN, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, đi đầu trong chuyển đổi số của cả nước, khu vực Đông Nam Á và giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác.

Kế hoạch của vùng ĐNB là giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân từ 8-8,5%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70-75% và 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tại hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành đầu năm 2023, để giao nhiệm vụ phát triển kinh tế -
xã hội cho cả năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ĐNB phải giữ vững vai trò “đầu tàu” trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, xây dựng các giải pháp phục hồi kinh tế để phát triển nhanh, bền vững, tạo bước đột phá, lan tỏa trong vùng, liên vùng.

Trong đại dịch Covid-19, ĐNB chịu thiệt hại lớn nhất so với cả nước. Tuy nhiên, hậu Covid-19, ĐNB đã đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng hiện đại, lấy KH-CN, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh làm trọng tâm để phục hồi và phát triển. TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu luôn đi đầu trong ứng dụng công nghệ, khai thác các tiềm năng, lợi thế để phát tiển kinh tế bền vững.

Mục tiêu của Đồng Nai hướng đến là nền kinh tế xanh, phát triển bền vững. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết: “Với các lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu, trung tâm giao thông vùng, Đồng Nai sẽ trở thành trung tâm phát triển trọng điểm mới của quốc gia và khu vực ĐNB. Các DN đầu tư vào tỉnh rất thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa trong vùng và các khu vực lân cận. Tỉnh đã quy hoạch đất đai, xây dựng cho nhiều dự án trên lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch, bất động sản… để mời gọi nhà đầu tư”.

Uyển Nhi

Tin xem nhiều