Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo vệ sông Đồng Nai để phát triển bền vững

08:04, 22/04/2023

Sông Đồng Nai là sông nội địa dài nhất cả nước. Đây là nơi khai thác nước phục vụ cho phần lớn các hoạt động sinh hoạt và sản xuất; đồng thời cũng là kênh giao thông thủy quan trọng của vùng Đông Nam bộ.

Sông Đồng Nai là sông nội địa dài nhất cả nước. Đây là nơi khai thác nước phục vụ cho phần lớn các hoạt động sinh hoạt và sản xuất; đồng thời cũng là kênh giao thông thủy quan trọng của vùng Đông Nam bộ (ĐNB).

Sông Đồng Nai đoạn qua địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Lộc
Sông Đồng Nai đoạn qua địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Lộc

Kết quả quan trắc nước sông Đồng Nai cho thấy, chất lượng môi trường nước mặt thay đổi tích cực từng năm. Đây là tín hiệu đáng mừng sau nhiều nỗ lực kiểm soát ô nhiễm.

* Đem lại giá trị kinh tế cao

Sông Đồng Nai là một trong 4 sông thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Sông có giá trị lớn về môi trường, xã hội và kinh tế.

Đây là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, tưới tiêu cho nhiều tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, nhờ nguồn nước dồi dào từ sông Đồng Nai đã hình thành các vùng chuyên canh cây trồng, vùng nuôi trồng thủy sản, góp phần ổn định đời sống cư dân; đồng thời còn là tuyến giao thông thủy, điểm du lịch sinh thái.

Chia sẻ về vai trò của sông Đồng Nai đối với nguồn nước cấp sinh hoạt, Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đồng Nai Phạm Thị Hồng cho rằng, phần lớn nước thô khai thác phục vụ sinh hoạt và sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều lấy từ sông Đồng Nai. Vị trí lấy nước là phía sau hồ Trị An. Những năm gần đây, lưu lượng nước và chất lượng nước tương đối ổn định. Do đó, chi phí xử lý giảm, chất lượng nước đảm bảo hơn.

Sông Đồng Nai là một trong 4 sông lớn thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Sông có chiều dài hơn 580km, chảy qua các tỉnh, thành: Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM. Sông có giá trị lớn về kinh tế, xã hội, lịch sử và môi trường.

Sông Đồng Nai đoạn địa bàn tỉnh có hàng chục nhà máy nước của 3 tỉnh, thành: Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM.

Về thủy điện, trên lưu vực sông có nhiều dự án thủy điện, trong đó có Nhà máy Thủy điện Trị An tại H.Vĩnh Cửu. Đây là dự án thủy điện lớn nhất khu vực phía Nam tính đến thời điểm hiện tại. Năm 2022, nhà máy cung ứng khoảng 2 tỷ kWh điện cho khu vực. Bên cạnh đó, việc đầu tư công trình thủy điện trên sông tạo nên hồ nước nhân tạo lớn để khai thác nước phục vụ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt.

Ông Phạm Hồng Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, những năm qua, thủy văn thuận lợi, lưu lượng nước về hồ tốt nên đơn vị luôn hoàn thành kế hoạch sản xuất. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang triển khai dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Trị An, hoàn thành sẽ bổ sung cho phụ tải điện khoảng 130 triệu kWh/năm.

Hiện nay, các địa phương trong lưu vực đang đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế sông Đồng Nai để giảm tải cho giao thông đường bộ, kiến tạo không gian kiến trúc đặc trưng cho đô thị. Riêng Đồng Nai, ngoài các dự án đường, cầu kết nối với Bình Dương, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh đặc biệt quan tâm, xúc tiến dự án Cảng biển nước sâu Phước An (H.Nhơn Trạch) và khu vực dịch vụ hậu cần cảng tạo đột phá cho ngành logistics.

* Cần sự chung tay của toàn xã hội

Những năm qua, nhờ sự chung tay, nỗ lực của các địa phương trong thực hiện đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020 của Chính phủ mà tình trạng ô nhiễm nguồn nước vượt mức cảnh báo đã giảm.

Kết quả quan trắc chất lượng nước mặt các năm 2021, 2022 và quý I-2023 cho thấy, nước mặt tại các khu vực khai thác nước cấp sinh hoạt (chủ yếu đoạn qua TP.Biên Hòa, H.Vĩnh Cửu) đều đạt chất lượng, chỉ một số thời điểm ghi nhận có ô nhiễm, cần có biện pháp xử lý đối với nhóm thông số vi sinh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, những nỗ lực của tỉnh trong kiểm soát chất lượng nguồn nước đang mang lại tín hiệu tích cực. Kết quả quan trắc môi trường nước mặt cho thấy, chất lượng nguồn nước ở các khu vực cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản ổn định, hầu hết đều đạt quy chuẩn của Bộ TN-MT. Một số khu vực ghi nhận ô nhiễm trước đây đã tốt hơn. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nước mặt chưa ổn định, nhiều thời điểm ghi nhận chất lượng nước không tốt. Do đó, các ngành: môi trường, nông nghiệp và địa phương cần tăng cường kiểm soát nguồn nước thải, chất thải thải ra sông, suối, hồ.

Tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường kiểm soát nguồn nước thải từ sản xuất công nghiệp, chế biến nông sản; đầu tư hệ thống mạng lưới quan trắc nước nhằm nâng kịp thời cảnh báo, phòng ngừa sự cố. Tới đây, tỉnh triển khai các dự án xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị. Đẩy nhanh tiến độ di dời, chấm dứt hoạt động cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi có nguy cơ gây ô nhiễm cao, không phù hợp quy hoạch. Đồng thời, hợp tác chặt chẽ với các địa phương thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai thực hiện các quy chế, chương trình phối hợp nhằm bảo vệ nguồn nước và tài nguyên khoáng sản.

TP.HCM đã có kế hoạch nghiên cứu phân vùng chất lượng nước theo các chỉ số để sử dụng hợp lý. Thực hiện thống kê nước thải công nghiệp và đánh giá sơ bộ mức độ ảnh hưởng đến nguồn nước để đưa ra kế hoạch bảo vệ. Ngoài ra, thành phố tổ chức điều tra, thống kê các điểm, nguồn xả thải trực tiếp để lập bản đồ quản lý, giám sát kết hợp với giải pháp nạo vét dòng chảy để cải thiện chất lượng môi trường nước kênh, rạch. 

Tại tỉnh Bình Phước, ngoài việc tham gia ký kết, thực hiện các quy chế, đề án, chương trình phối hợp với các địa phương trong lưu vực, tỉnh cũng đề xuất nhiều giải pháp để các tỉnh, thành cùng thực hiện. Đó là phát triển diện tích rừng đầu nguồn, phòng hộ; xây dựng công trình thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt; di dời các cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm… Bên cạnh đó, triển khai các dự án phòng ngừa ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp và có hiệu quả tích cực song ô nhiễm và suy thoái nguồn nước vẫn là thách thức đối với các địa phương. Để giải quyết bài toán này, đòi hỏi phải có đề án, có chính sách từ Trung ương, sự tích cực, chủ động của các địa phương và ý thức trách nhiệm của toàn xã hội. Có như vậy, các tiềm năng, giá trị của dòng sông mới phát huy hết hiệu quả.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều