Báo Đồng Nai điện tử
En

Tây Ninh: Xóa quy hoạch cho dân bớt khổ

09:06, 18/06/2013

Hơn 10 năm trước, chuyện quy hoạch phát triển công nghiệp hình thành như một phong trào. Địa phương nào cũng xem quy hoạch cụm, khu công nghiệp là chiếc đũa thần cho phát triển kinh tế, ít tính đến lợi thế so sánh.

Hơn 10 năm trước, chuyện quy hoạch phát triển công nghiệp hình thành như một phong trào. Địa phương nào cũng xem quy hoạch cụm, khu công nghiệp là chiếc đũa thần cho phát triển kinh tế, ít tính đến lợi thế so sánh. Những năm gần đây, chuyện môi trường sinh thái bị hủy hoại, chuyện đất đai bị bỏ hoang, và sức thu hút đầu tư kém... đã làm nhiều địa phương xem xét lại bài toán quy hoạch. Tây Ninh là một ví dụ…

Nhờ liều trồng cao su trên đất quy hoạch, nay ông Đặng Xuân Hoàng được lợi sau khi xóa quy hoạch.
Nhờ liều trồng cao su trên đất quy hoạch, nay ông Đặng Xuân Hoàng được lợi sau khi xóa quy hoạch.

Năm 2004, hàng chục hộ dân tại ấp Giồng Cà, xã Bình Minh, TX. Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh) mất ăn mất ngủ khi tỉnh công bố quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp Bình Minh với diện tích trên 100 hécta. Bởi điều này đồng nghĩa với việc số diện tích hoa màu, mà chủ yếu là cây cao su,  của bà con phải chặt bỏ khi dự án này đưa vào thực hiện. Nhưng rồi 1 năm, 2 năm, 3 năm trôi qua, người dân vẫn không thấy dự án xây Cụm công nghiệp Bình Minh khởi động.

* Khổ vì quy hoạch

Theo quy định, từ ngày công bố quy hoạch, đất đai trong vùng quy hoạch không được xây dựng nhà cửa hay trồng mới bất kỳ loại cây trồng nào.

Không thể ngồi yên, bỏ đất trống hoặc chăm sóc cầm chừng hoa màu, cây trồng trong vùng quy hoạch, một số hộ dân quyết định vẫn tiếp tục trồng cây cao su theo kiểu “được ăn cả ngã về không”. Nhưng ngoài một số hộ dân táo bạo vẫn đầu tư trồng cây trong vùng đất đã công bố quy hoạch, đa số hộ dân tại ấp Giồng Cà chịu thiệt thòi khi nhất nhất tuân thủ theo quy định. Người thì bỏ đất trống, người thì chăm sóc cầm chừng hoa màu, người thì mạnh dạn lắm, cũng chỉ trồng hoa màu ngắn ngày như mì, bắp, đậu phộng trên vùng đất đã quy hoạch, chứ không dám trồng cao su, vì sợ chưa đến kỳ thu hoạch, mà dự án Cụm công nghiệp Bình Minh triển khai, thì mất cả chì lẫn chài.

* Gỡ vòng kim cô

Câu chuyện đất quy hoạch treo, bà con thì không sản xuất được, đầu tư nước ngoài không có… đã được phản ánh trong các cuộc họp HĐND, cuộc tiếp xúc cử tri. Từ kiến nghị của bà con, năm 2012, tỉnh Tây Ninh đã quyết định chính thức xóa bỏ quy hoạch Cụm công nghiệp Bình Minh. Ông Đặng Xuân Hoàng, một trong số những hộ dân dám “phá rào” trồng mới thêm 1 hécta cao su, cho hay: “Quy hoạch treo 7 - 8 năm, bà con chịu nhiều thiệt thòi. Thời gian đó, chuyện trồng cao su trong đất đã quy hoạch là liều, một số không dám trồng. Tôi cũng lo nhưng sau khi xóa quy hoạch thì bà con mừng lắm”. Tuy nhiên, ông Hoàng chỉ là trường hợp cá biệt. Đa số bà con chấp hành tốt, 7 năm sống trong quy hoạch, không dám đầu tư sản xuất nông nghiệp, hiện nay, khi tỉnh xóa quy hoạch, họ phải bắt đầu làm lại từ đầu…

* Bài ca quy hoạch

Tình trạng quy hoạch cụm công nghiệp, khu công nghiệp tràn lan nhưng không khả thi trên địa bàn Tây Ninh khá nhiều do nôn nóng phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, rất nhiều khu, cụm công nghiệp được quy hoạch như thế kéo dài nhiều năm không thực hiện, chưa thực hiện hoặc cuối cùng phải xóa bỏ.

Ngay trong số 20 cụm công nghiệp đã được quy hoạch hiện nay ở Tây Ninh, tiến độ thu hút các nhà đầu tư chậm do địa thế không thuận lợi về giao thông, cũng như tiềm năng phát triển. Theo thống kê, 7 năm qua, có trên 2.000 hécta đất nông nghiệp bị quy hoạch làm cụm công nghiệp tại Tây Ninh chưa được khai thác hiệu quả.

Trước sự bức xúc của người dân, những kiến nghị từ các huyện, thị và qua khảo sát, đánh giá lại tính khả thi của các dự án xây dựng cụm công nghiệp, tỉnh Tây Ninh đã quyết định điều chỉnh giảm diện tích và xóa bỏ 7 dự án trước đây quy hoạch để xây dựng cụm công nghiệp. Quyết định này đã làm nức lòng người dân trong vùng quy hoạch, từ đây bà con có thể yên tâm sống và lao động sản xuất mà không thấp thỏm âu lo chờ ngày trả đất nông nghiệp cho Nhà nước để xây dựng cụm công nghiệp.

Nguyên Vũ

 

 

Tin xem nhiều