Ngôi nhà trong hẻm Cây Sung (quận 8, TP.Hồ Chí Minh) của anh Nguyễn Đức Thuận vẫn được bà con gọi đùa là “nhà nóng”. Anh Thuận, chủ cơ sở thổi thú thủy tinh là một trong số rất ít những nghệ nhân bám và sống được với nghề.
Ngôi nhà trong hẻm Cây Sung (quận 8, TP.Hồ Chí Minh) của anh Nguyễn Đức Thuận vẫn được bà con gọi đùa là “nhà nóng”. Anh Thuận, chủ cơ sở thổi thú thủy tinh là một trong số rất ít những nghệ nhân bám và sống được với nghề.
Nghề thổi thủy tinh truyền thống ở Sài Gòn ra đời từ khá lâu, hình thành phường nghề với các sản phẩm, như: bóng đèn, chai, lọ, ly, cốc, phích…
* Nghề kén chọn người
Anh Thuận từng học cơ khí. Ra trường có bằng cấp nhưng lại quyết định “gác bằng” đi thổi thủy tinh. Gần 30 năm qua, với sự xuất hiện của các mặt hàng nhựa, những phường nghề thủy tinh dần mất hẳn. Không thể trụ lại với nghề theo hướng truyền thống được nữa, anh Thuận chọn hướng đi mới: Thổi thú thủy tinh.
Nghề thổi thủy tinh đòi hỏi tỉ mỉ từng chi tiết. |
Để có được những con thú thủy tinh xinh xắn, anh Thuận phải bỏ ra khá nhiều vốn từ việc mua nguyên vật liệu. “Thủy tinh để làm những con thú phải là thủy tinh tốt, trong suốt, không bị bọt và phải nhập từ nước ngoài về. Rồi đầu tư bình gas, đèn khò…” - anh Thuận tâm sự.
Anh vừa nói chuyện vừa thoăn thoắt thao tác. Thanh thủy tinh dài chừng 2 gang tay được cho vào ngọn lửa xanh, anh xoay đều tay cho thanh thủy tinh nóng chảy, tay kia anh cầm cây nhíp kéo cho phần thủy tinh nóng chảy tách rời. Bàn tay đỏ au vì nhiệt, anh lấy thêm một que thép dài nhanh chóng cuộn khối thủy tinh đã tan chảy kia tạo nên những con thú ngộ nghĩnh. Tiếp đó, anh vẽ mắt, tai và trang trí thêm cho các con thú của mình.
Nhưng hơn hết theo anh, những ai theo nghề này phải “chịu nóng tốt”. Mùa này, khi nhiệt độ ngoài trời luôn trên 30 độ, trong căn nhà nhỏ của anh Thuận, nhiệt độ còn cao hơn nhiều do sức nóng từ đèn khò, khí gas. Nóng là vậy nhưng không được bật quạt vì sẽ rất nguy hiểm.
* Sống được với nghề
Anh Thuận thường làm 12 con giáp để bán cho các cửa hàng lưu niệm. Ngày mới vào nghề, anh mất từ 10-15 phút mới cho ra lò một con thú bằng ngón tay cái. Còn bây giờ, cũng thời gian đó anh thành thạo hơn nên anh có thể làm từ 2-3 con.
Bên cạnh những con thú nhỏ, anh Thuận cũng nhận làm những con thú thủy tinh lớn, như: rồng, ngựa, kỳ lân… Những sản phẩm này chủ yếu làm cho các cá nhân đến đặt hàng trực tiếp.
Những con thú thủy tinh của anh Thuận. |
Trung bình mỗi ngày, anh Thuận làm được khoảng 250 con thú. Công việc giao hàng được vợ anh đảm nhận. Sản phẩm của anh được bán nhiều ở chợ Bình Tây. Các thương lái ở miền Tây cũng lên đặt hàng. Trong 2 năm trở lại đây, những sản phẩm thú thủy tinh của anh đã có mặt ở một số cửa hàng tại Hà Nội, Hải Phòng…
Mỗi con thú thủy tinh như vậy bán cho các cửa hàng khoảng 10 ngàn đồng. Sau khi trừ chi phí mua nguyên vật liệu, mỗi ngày thu nhập của anh cũng hơn 200 ngàn đồng. Công việc khá ổn định, ít cạnh tranh vì cả Sài Gòn giờ không nhiều người làm nghề này.
Nghề thổi thủy tinh khá kén người làm. Anh Thuận cho biết nhiều người, kể cả bạn bè anh “xin được học nghề” nhưng không theo được lâu. Nhiều lý do khiến họ bỏ cuộc giữa chừng: Nghề này cực, suốt ngày làm bạn với sức nóng, cần đam mê nên đến giờ vẫn chưa ai “nối nghiệp” anh Thuận. Tuy nhiên, anh Thuận vẫn rất sẵn lòng giúp đỡ đào tạo nghề cho những ai cùng đam mê như mình.
Đặng Đức Lộc