Trung tâm Công nghệ sinh học TP.Hồ Chí Minh (TP.HCM) có vốn đầu tư gần 2 ngàn tỷ đồng, khi hoàn thành vào 2015 sẽ thu hút khoảng 200 nhà khoa học chuyên ngành công nghệ sinh học đến làm việc. Đây là nỗ lực tăng tỉ trọng khoa học - công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực phía Nam.
Trung tâm Công nghệ sinh học TP.Hồ Chí Minh (TP.HCM) có vốn đầu tư gần 2 ngàn tỷ đồng, khi hoàn thành vào 2015 sẽ thu hút khoảng 200 nhà khoa học chuyên ngành công nghệ sinh học đến làm việc. Đây là nỗ lực tăng tỉ trọng khoa học - công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực phía Nam.
Hiện đội ngũ cán bộ của đơn vị này phải làm việc trong điều kiện còn thiếu thốn… Con người thiếu, phòng thí nghiệm và máy móc còn lạc hậu, nhưng với lòng yêu nghề, nhiều năm qua, đội ngũ cán bộ khoa học thuộc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM đã cho ra đời những sản phẩm mang lại hiệu quả cao.
* Từ câu chuyện của... người trồng lan
Gia đình ông Nguyễn Văn Lanh ở xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi mấy năm qua đã có một cuộc sống no ấm nhờ nguồn thu bình quân 28 triệu đồng mỗi tháng từ khu vườn trồng hoa lan cắt cành 2.500m2. Thành công của ông Lanh có được nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM mà cụ thể là nhờ sự tư vấn kỹ thuật của ThS. Phan Diễm Quỳnh. Ông Lanh cho biết: “Nhờ các nhà khoa học chuyển giao cách trồng lan theo công nghệ sinh học, bà con chúng tôi mới có được thu nhập cao như hôm nay. Bà con ở đây gọi ThS. Quỳnh là ngôi sao hộ mệnh đó”. Đến nay, ông Nguyễn Văn Lanh không chỉ trồng lan để bán, mà còn là nhà phân phối giống lan cho các cơ sở khác và cung ứng giống trở lại cho vườn lan nghiên cứu của ThS. Phan Diễm Quỳnh.
Ông Nguyễn Văn Lanh và ThS. Phạm Diễm Quỳnh bên vườn lan của ông. Ảnh: N.Việt |
Nhưng ông Lanh không phải là trường hợp cá biệt ở Củ Chi. Gia đình của ông Nguyễn Văn Được, ở ấp Hậu, xã Tân Thông Hội cũng là một cơ sở trồng lan thành công nhờ hướng dẫn của cán bộ khoa học. Chỉ sau 2 năm gầy dựng, vườn lan của ông đã thu về gần 170 triệu đồng mỗi năm. Vườn lan của ông Được hiện có nhiều giống lan được ưa chuộng nhất và có giá trị thương mại cao hiện nay. Ông Được cho biết: “Khi bắt tay vào trồng lan, gia đình đã đến Trung tâm Công nghệ sinh học để xin được hỗ trợ 600 cây giống và giúp đỡ kỹ thuật. Phải theo sự hướng dẫn của cán bộ công nghệ sinh học mới có hiệu quả cao”.
* Và chuyện nuôi trồng thủy sản
Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, sau nhiều năm nghiên cứu, vào năm 2010 vừa qua, Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM đã cho ra đời vaccine ngừa bệnh cho cá tra xuất khẩu. Tác dụng của chế phẩm sinh học này đã tạo được lòng tin của các doanh nghiệp và bà con nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu loại cá tra nổi tiếng của Việt Nam.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh cá da trơn xuất khẩu tuy đã có đủ khả năng khép kín hệ thống, từ khâu nuôi trồng, chế biến, bảo quản kho lạnh, xuất khẩu… đến chế biến thức ăn cho cá; nhưng điều quan trọng nhất, đáng lo nhất của các doanh nghiệp vẫn là chưa thể chủ động về nguồn cá giống.
Các doanh nghiệp phải lấy cá giống từ các nguồn trôi nổi, không kiểm soát được nguồn gốc, không kiểm soát được dư lượng kháng sinh, tỷ lệ hao hụt rất lớn. Có nhiều trường hợp, khi đưa cá giống vào ao nuôi, thì tỷ lệ chết có khi lên đến 80 đến 90%. Do đó vaccine ngừa bệnh cho cá tra nếu thí nghiệm thành công và được nghiệm thu để đưa ra sử dụng rộng rãi thì sẽ tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng cho ngành xuất khẩu cá tra nhờ giảm được tỷ lệ hao hụt cá giống mỗi năm.
* ...Đến vấn đề nguồn nhân lực
Tuy đã có không ít chế phẩm sinh học phục vụ có hiệu quả cho một số lĩnh vực trong ngành nông nghiệp, nhưng trên diện rộng, ngành công nghệ sinh học của TP.HCM vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phòng trừ dịch bệnh, cải tạo môi trường, phòng bệnh cho cây giống - vật nuôi. Càng chậm xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực, vùng nông thôn càng bị thiệt thòi, tốc độ phát triển bị hạn chế.
Phòng thí nghiệm của Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh hiện còn thiếu nhiều trang thiết bị. |
Một nguyên nhân khiến cho những giải pháp hữu ích của ngành công nghệ sinh học chưa nhiều, chưa thiết thực là tình trạng chảy máu chất xám xảy ra ngay tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM. TS. Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, cho biết: “Những cán bộ trẻ được đào tạo từ nước ngoài về đã quen với điều kiện làm việc bên đó, về đây, thấy cơ sở vật chất thiếu thốn, đồng lương thấp sẽ bị dao động. Ở nước ngoài, tiến sĩ ngành công nghệ sinh học thì họ được trả lương cao gấp 100 lần so với cán bộ khoa học Việt Nam”.
Ông Lê Minh Trí, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nói rằng: “Bất cứ ai có tâm huyết, có năng lực trong cả nước muốn làm việc tại đây thì thành phố sẽ tạo điều kiện. Thậm chí những chuyên gia giỏi ở nước ngoài có nguyện vọng đến đây làm việc thì chúng tôi cũng sẽ cân nhắc, sẽ mạnh dạn thuê, sẽ mời gọi họ để tạo sự đột phá trong lĩnh vực này”.
Nam Việt