Báo Đồng Nai điện tử
En

Bình Dương: Nguy cơ đóng cửa 107 lò gạch

10:08, 14/08/2012

Trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có 107 cơ sở sản xuất gạch theo công nghệ Hoffman. Các doanh nghiệp này thời gian qua đã cung cấp 34 - 40% số lượng gạch cho thị trường Bình Dương và miền Đông Nam bộ. Nhưng các nhà sản xuất đang lao đao trước nguy cơ phải đóng cửa...

Trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có 107 cơ sở sản xuất gạch theo công nghệ Hoffman. Các doanh nghiệp này thời gian qua đã cung cấp 34 - 40% số lượng gạch cho thị trường Bình Dương và miền Đông Nam bộ. Nhưng các nhà sản xuất đang lao đao trước nguy cơ phải đóng cửa...

* Tiền hậu bất nhất

Cách nay 12 năm, theo Quyết định số 15/2000/QĐ-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đến năm 2010 phải xóa bỏ hoàn toàn sản xuất gạch đất sét nung thủ công trên cả nước. Khi thời điểm 2010 đến gần, các lò gạch ở Bình Dương đã chuyển đổi từ lò thủ công sang Hoffman và Tuynel, nhưng đa phần các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ chọn công nghệ Hoffman. Sở dĩ như vậy vì công nghệ này vốn đầu tư thấp so với Tuynel, khoảng 5 - 7 tỷ đồng dù chất lượng ngang nhau.

Sản xuất gạch theo công nghệ cũ gây ô nhiễm môi trường.
Sản xuất gạch theo công nghệ cũ gây ô nhiễm môi trường.

Quá trình chuyển đổi ấy đều được các ban, ngành chức năng của Bình Dương giám sát mà cụ thể là cho thí điểm làm lò Hoffman cải tiến tại Công ty Việt Linh. Tại công văn số 573/SKHCN-TTUD ngày 4-11-2010 của Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Bình Dương, công nghệ Hoffman được đánh giá là đạt yêu cầu về môi trường, hiệu quả đầu tư phù hợp với DN nhỏ và vừa. Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cũng đã trình UBND tỉnh này công văn số 2124 ngày 3-12-2010, đề nghị cho tiếp tục xây dựng lò Hoffman trên địa bàn tỉnh.

Nhưng, cách đây 6 tháng, vào ngày 14-2-2012, UBND tỉnh Bình Dương lại ban hành công văn số 328/UBND-KTN, yêu cầu đến ngày 30-6-2012 sẽ chấm dứt hoạt động các lò sản xuất theo công nghệ Hoffman.

Lý do chính của việc cấm này là vì sản xuất gạch bằng lò Hoffman dùng phế phẩm nông nghiệp như: vỏ trấu, mùn cưa, vỏ hạt điều... để đốt, tạo ra nhiều khói bụi. Mặc dù khói bụi đã được xử lý qua hệ thống lọc bằng nước, nhưng do ống khói thấp nên không bảo đảm các yếu tố bảo vệ môi trường. Mặt khác, việc vận chuyển gạch ra vào hoàn toàn thủ công, không bảo đảm sức khỏe cho người lao động.

* Lộ trình nào cho doanh nghiệp?

Tuy nhiên, ở góc độ DN, việc dùng lò Hoffman, giá thành sản phẩm thấp (450 - 480 đồng/viên), hoạt động khoảng 5 năm là thu hồi vốn và có lãi, đảm bảo lộ trình của Chính phủ khi chuyển sang sản xuất vật liệu không nung. Trong khi đó, đầu tư công nghệ tuynel vốn cao, thời gian thu hồi vốn dài, chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm cao, khả năng cạnh tranh thấp, nguồn nhiên liệu cho sản xuất phải nhập khẩu, không phù hợp với các tỉnh phía Nam.

Nếu đóng cửa các lò Hoffman, hàng ngàn tỷ đồng đầu tư của doanh nghiệp sẽ bị mất trắng, nợ ngân hàng không trả được và doanh nghiệp phải phá sản. Vì thế, các DN đang sản xuất theo công nghệ Hoffman mong muốn được tiếp tục hoạt động trong một thời gian nhất định để thu hồi vốn.

Quan điểm của tỉnh Bình Dương vẫn là cấm lò Hoffman, song để giảm bớt thiệt hại đối với các chủ DN, Bình Dương đang rà soát để đưa ra lộ trình chấm dứt đối với từng lò cụ thể.

Minh Nhân

 

 

Tin xem nhiều