Rạng sáng ngày 7-8, 13 cán bộ kiểm lâm, công an và dân quân tự vệ đã bắt được 10 lâm tặc đi trên 3 xe máy vận chuyển gỗ khai thác trái phép tại Tiểu khu 27, (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Đây là một trong số hàng trăm vụ phá rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu trong một năm qua.
Rạng sáng ngày 7-8, 13 cán bộ kiểm lâm, công an và dân quân tự vệ đã bắt được 10 lâm tặc đi trên 3 xe máy vận chuyển gỗ khai thác trái phép tại Tiểu khu 27, (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Đây là một trong số hàng trăm vụ phá rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu trong một năm qua.
Ông Chu Văn Vị, Tổ trưởng Tổ cơ động Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu- Phước Bửu, cho biết: “Chiều ngày 6-8, tôi phát hiện nhóm đối tượng trên có biểu hiện nghi vấn khi ra vào rừng nên lập tức báo cáo Ban giám đốc cho phép triển khai lực lượng phối hợp với dân quân, xã đội tiến hành mật phục. Từ đầu tháng đến giờ chủ yếu bắt được tang vật, còn đối tượng bỏ chạy nên vụ này quyết tâm phải bắt cho được đối tượng cùng tang vật”.
* Lâm tặc coi thường pháp luật
Lực lượng kiểm lâm đã nổ 4 phát súng cảnh cáo, đối tượng vẫn ngoan cố quăng dao rựa xuống đường và ném vào lực lượng truy đuổi. Sau 5km đuổi bắt, đến khu 1 xã Bình Châu, cán bộ kiểm lâm phải tiếp tục nổ 10 phát súng AK làm thủng bánh xe đối tượng, 3 người trong bọn chúng bị thương... Lực lượng kiểm lâm đã thu được 1 xe gắn máy, 1 xe lôi và khối gỗ xăng đá đường kính 60cm, dài 3m.
Tang vật của lâm tặc bị thu giữ. Ảnh: Đ.DOANH |
3 đối tượng bị thương (gồm: Phạm Minh Trí, Phạm Đình Dũng; Võ Văn Vì, ngụ tại tỉnh Bình Thuận). Theo lực lượng kiểm lâm, những đối tượng này đã cấu kết với các đối tượng chuyên phá rừng tại địa phương để thực hiện nhiều vụ trước đó. Ngay sau vụ bắt, nhiều cán bộ kiểm lâm cũng nhận được tin nhắn hù dọa của các đối tượng bên ngoài.
Từ đầu tháng 8 đến nay, lực lượng phối hợp bảo vệ rừng ở đây đã phát hiện 3 vụ phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép, thu giữ 4 lóng gỗ xăng đá, có chiều dài từ 3-6m, đường kính từ 30-35cm, và bắt giữ đối tượng Tạ Công Huệ, trú xã Bưng Riềng, khai thác gỗ trái phép trong Tiểu khu 27.
Người dân địa phương đang chờ cơ quan chức năng điều tra sâu rộng nhằm bắt giữ và truy tố nghiêm minh những đối tượng phạm tội, tránh tình trạng lực lượng kiểm lâm bắt người vi phạm, chuyển cho cơ quan công an nhưng không được xử lý triệt để, khiến những đối tượng này “nhờn luật”, coi thường, thậm chí tấn công trả thù lực lượng kiểm lâm, vốn đã và đang diễn ra suốt thời gian qua tại đây.
* Có nguy cơ “bị mất” hay thực sự đã mất?
Chỉ vào sâu bên trong từ vài trăm mét hoặc vài cây số, thực trạng rừng bị tàn phá đã hiện ra trước mắt. Nói là rừng nguyên sinh, nhưng việc di chuyển vào bên trong không quá khó khăn. Chỉ cần khoảng 30 phút đi bộ, men theo những con đường mòn vào bên trong đường WB2, giáp ranh với khu bảo tồn và Công ty lâm nghiệp MTV Xuyên Mộc sẽ thấy khoảng 10 hécta rừng nguyên sinh đã bị dọn sạch sẽ, chỉ còn lại các cây gỗ có đường kính từ 20-40cm...
Chỉ vài tháng sau khi rừng bị mất, đất rừng tự nhiên sẽ bị một số người dân ngang nhiên lấn chiếm để trồng hoa màu. Từ những diện tích trồng hoa màu nhỏ ban đầu sẽ có hàng chục hécta xung quanh những khu vực này bị khai phá từ từ trong sự bất lực của các cơ quan chức năng. |
Nếu việc phá rừng diễn ra sâu bên trong khu bảo tồn sẽ gây khó khăn cho việc tuần tra, kiểm soát, quản lý nhưng ngay tại khu vực Mả Phụng, cách Trạm kiểm soát bảo vệ rừng số 7 khoảng 500 - 600m, tình trạng phá rừng cũng diễn ra công khai dọc 2 bên đường WB2. Hàng trăm cây găng biển, sến dầu loan, dầu nước... có đường kính từ 20-30cm đã bị đốn hạ. Xung quanh khu vực này, ngoài những cây gỗ nằm trơ bên ngoài, chúng tôi còn phát hiện 2 đống gỗ sến dầu loang đã được cưa thành từng khúc, ngụy trang bằng những tán lá cây, cành cây.
Kiểm lâm, bảo vệ rừng đã phát hiện thực trạng này, nhưng không hiểu sao chưa tiến hành thu hồi những khúc gỗ còn để lại?
Nhiều người dân đặt câu hỏi về mảnh đất khoảng 2hécta của một cán bộ kiểm lâm thuộc khu bảo tồn đang nằm xen kẽ trong khu vực rừng nguyên sinh. Mảnh đất này nằm gần đường WB2 đang được trồng mì. Điều đáng nói là trên rẫy mì ấy vẫn còn nhiều gốc cây rừng bị cháy từ lâu, chứng tỏ đất này là do lấn chiếm rừng mà có. Xung quanh rẫy mì ấy, không hiểu sao nhiều cây rừng nguyên sinh lại tự nhiên khô héo lạ thường, dấu hiện của việc khai phá rừng từ từ để lấy đất canh tác.
Nếu các cơ quan chức năng không kịp thời kiểm tra, tìm giải pháp ngăn chặn thực trạng nêu thì những gì người dân sinh sống tại khu vực này lo lắng nguy cơ sẽ sớm trở thành sự thật.
Đức Doanh