Báo Đồng Nai điện tử
En

Vào mùa thưởng thức món ngon từ trái cây

Bình Nguyên
07:20, 27/04/2024

Vài ba năm trở về đây, rộ xu hướng ẩm thực chế biến từ trái cây. Thời gian đầu, những món ăn chế biến từ trái cây chủ yếu xuất hiện ở các khu du lịch vườn phục vụ du khách. Hiện nay, nhiều bà nội trợ mua nguyên liệu về tự chế biến.

Nhiều nhà vườn thu hoạch măng cụt xanh bán với giá cao làm nguyên liệu chế biến.
Nhiều nhà vườn thu hoạch măng cụt xanh bán với giá cao làm nguyên liệu chế biến. Trong ảnh: Vườn măng cụt tại huyện Long Thành.

Nắm bắt nhu cầu này, nhiều nhà vườn thu hoạch và bán trái cây xanh dùng làm nguyên liệu chế biến món ăn. Theo đó, những loại trái cây dân dã, bình dân ở nhà vườn trở thành đặc sản giá cao, hút hàng tại các thành phố lớn.

Tự chế biến đặc sản từ trái cây

Mùa trái cây hè năm ngoái, các món gỏi gà, gỏi hải sản chế biến từ trái măng cụt xanh trở thành “hiện tượng ẩm thực” thu hút thực khách. Theo đó, từ những quán ăn miệt vườn, các khu du lịch vườn đến một số các quán ăn, nhà hàng tại thành phố lớn đã đưa món ăn này vào thực đơn phục vụ thực khách. 

Người tiêu dùng dễ dàng đặt mua trái măng cụt xanh trên các trang bán hàng online.
Người tiêu dùng dễ dàng đặt mua trái măng cụt xanh trên các trang bán hàng online.

Nắm bắt nhu cầu ẩm thực còn khá mới mẻ này, chớm vụ trái cây hè năm nay, các trang bán hàng online tiếp tục rộ lên hoạt động rao bán trái măng cụt xanh làm nguyên liệu chế biến. Trái măng cụt xanh trở thành đặc sản bán với giá cao hơn hẳn so với giá măng cụt chín. Hiện nhiều trang bán hàng online ở thành phố Biên Hòa đang rao bán măng cụt xanh với giá cao ngất ngưỡng. Cụ thể, măng cụt chưa làm vỏ được rao bán với giá từ 90-110 ngàn đồng/kg, loại măng cụt đã gọt vỏ có giá 700 ngàn đồng/kg. Khách chỉ cần đặt hàng là được giao đến tận tay. Trong khi đó, hiện măng cụt chín được bán lẻ tại các chợ và cửa hàng trái cây chỉ ở mức từ 50-80 ngàn đồng/kg.

Điểm bán các loại trái cây vườn của chị Nguyễn Thị Hạnh trên đường Cách Mạng Tháng Tám, thành phố Biên Hòa.
Điểm bán các loại trái cây vườn của chị Nguyễn Thị Hạnh trên đường Cách Mạng Tháng Tám, thành phố Biên Hòa.

Ngoài ra, một số tiểu thương bán rau, trái cây ở thành phố Biên Hòa cũng nhập thêm trái măng cụt xanh bán cho các bà nội trợ mua về tự chế biến những món đặc sản ngon cho bữa cơm gia đình. Tuy nhiên, do đây là mặt hàng có giá bán cao, kén khách mua nên người tiêu dùng thường phải đặt hàng trước chứ khó mua ngay như các loại rau, trái thông thường khác.

Sầu riêng múi dùng để chế biến món ăn.
Sầu riêng múi dùng để chế biến món ăn.

Ngoài măng cụt, múi sầu riêng già cũng trở thành nguyên liệu dùng để chế biến nhiều món ăn ngon như: sầu riêng chiên - nướng, sầu riêng hầm gà, hầm sườn heo… Theo đó, một số nhà vườn cũng làm thêm sản phẩm múi sầu riêng già bán ra thị trường. Ông Trần Quang Hiệp, Tổ trưởng Tổ hợp tác Cây sầu riêng xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ cho biết, gần đây, trên thị trường xuất hiện xu hướng ẩm thực chế biến các món ăn từ sầu riêng. Gia đình ông tận dụng những trái sầu riêng múi đã có cơm dày nhưng chưa đủ độ già bị rụng sớm hoặc trái nhỏ, trái dạt thương lái không thu mua đem tách múi, bỏ hạt rồi cấp đông cung cấp ra thị trường. Ông cũng quan tâm dán nhãn hiệu sầu riêng Sáu Hiệp kèm địa chỉ, số điện thoại để người tiêu dùng có đầu mối đặt hàng khi cần.

Dâu tằm.
Dâu tằm.

Sản phẩm vườn nhà lên ngôi

Cùng với xu hướng đi du lịch vườn, người tiêu dùng đô thị cũng ngày càng chuộng các món ăn dân dã vốn chỉ có ở vùng quê. Nắm bắt nhu cầu này, mô hình kinh doanh các loại trái cây dân dã vốn chỉ có ở miệt vườn ngày càng xuất hiện phổ biến tại các thành phố lớn.

Món cà na ngâm đường, muối ớt.
Món cà na ngâm đường, muối ớt.

Sạp hàng của chị Nguyễn Thị Hạnh trên đường Cách Mạng Tháng Tám, thành phố Biên Hòa thường có những loại trái cây miệt vườn không đụng hàng như: trái điều, trái bình bát, trái nhàu, trái cà na, trái sấu miền Nam… Đây vốn là những cây tạp thường làm món ăn chơi của con nít vùng quê vì bán chẳng ai mua. Nhưng nay, các loại trái cây trên đều trở thành đặc sản bán được với giá cao. Chị Hạnh chia sẻ, vài năm trở lại đây, thấy người tiêu dùng đô thị chuộng những món ăn dân dã nên chị tìm thêm những trái cây này về bán. Chẳng hạn, người trồng điều vốn chỉ thu hạt còn phần trái bị vứt bỏ; bình bát là cây dại mọc trên đất hoang nhưng người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra từ 40-50 để mua 1 kg trái điều hoặc kg bình bát về ăn sống hoặc chế biến.

Theo chị Hạnh, khách mua cũng rất đa dạng, có người biết thì mua về ăn để nhớ lại món tuổi thơ, nhiều người thấy lạ muốn ăn thử. Không chỉ bán hàng, chị Hạnh còn tìm hiểu, sưu tầm thêm các món ăn chế biến từ những trái cây miệt vườn này để tư vấn cho khách. Cụ thể như trái điều, ngoài ăn tươi, các bà nội trợ có thể đem nấu canh chua tép tươi, nấu lẩu, làm các món gỏi, làm rau ghém ăn với bún mắm, kho cá…

Món lẩu điều nấu chem chép.
Món lẩu điều nấu chem chép.

Bà Hà Thị Hướng, tiểu thương chuyên bán trái dâu tằm tại chợ Biên Hòa cho biết, nguồn trái dâu tằm này được lấy từ tỉnh Lâm Đồng. Các sản phẩm chế biến từ trái dâu tằm như: mứt dâu tằm, si rô, nước cốt dâu tằm… của Đà Lạt được nhiều người biết tiếng. Theo đó, vài năm trước, bà Hướng thử lấy món trái cây không đụng hàng này về bán thử, thấy nguồn khách ổn định nên bán đến bây giờ. Bà Hướng nhận xét: “Các món chế biến từ trái dâu tằm tốt cho sức khỏe nên người tiêu dùng ngày càng quan tâm mua về sử dụng. Tuy là loại trái cây không phổ biến nhưng tôi vẫn nhập hàng đều do ngày càng có thêm nhiều mối khách quen mua số lượng lớn về ngâm rượu, làm nước dâu tằm sử dụng dần”.               

Các loại trái cây không ai mua ở nhà vườn lại có giá khá cao khi đưa về thành phố. Theo lý giải của những người bán hàng, nguyên nhân do đây là hàng đặt riêng, chi phí vận chuyển cao, tỉ lệ hao hụt lớn...
 

Bình Nguyên

Tin xem nhiều