Báo Đồng Nai điện tử
En

Bà Bùi Vân Kiều, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Addicon Logistics Management:
Giải pháp nâng cao chuỗi cung ứng xuất khẩu trái cây tươi

Bình Nguyên
07:30, 23/03/2024

Công ty TNHH Addicon Logistics Management (Thành phố Hồ Chí Minh, trụ sở chính ở Singapore) cung cấp các dịch vụ logistics trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, nhất là trái cây tươi.

Bà Bùi Vân Kiều, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Addicon Logistics Management.

Bà Bùi Vân Kiều, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Addicon Logistics Management chia sẻ những giải pháp nâng cao chuỗi cung ứng trái cây tươi Việt Nam ra thế giới.

Chưa có lợi thế cạnh tranh

 Theo bà, bài toán khó trong xuất khẩu trái cây tươi Việt Nam là gì?

- Trái cây của Việt Nam khi tham gia xuất khẩu bị hư hao lớn. Nguyên nhân  là do nguồn nguyên liệu đầu vào chưa được đảm bảo, tiếp theo, có thể mình đã có vùng nguyên liệu tốt, sản phẩm tốt nhưng quá trình triển khai việc đóng gói hàng hóa lại không tốt sẽ tiếp tục gây ra sự hư hỏng cho sản phẩm. Vì thế, phải tìm cách giao hàng đi với thời gian nhanh nhất để sản phẩm giao đến nơi vẫn còn nguyên vẹn, đạt chất lượng.

Đa số những vùng trồng của chúng ta ở vùng sâu, vùng xa, đường giao thông chưa thuận tiện nên phải sử dụng nhiều phương tiện vận chuyển như xe máy, xe ba gác. Trái cây từ vựa tiếp tục được chuyển qua nhiều phương tiện vận tải khác nhau khiến độ hao hụt của trái cây rất cao. Trong khâu đóng gói, bảo quản tại kho cũng xảy ra tình trạng quăng thùng, quăng trái, gây hao hụt.

Do đó, cần hướng dẫn cho người thu hoạch hiểu là phải cắt những trái đủ độ già, độ chín; cố gắng đóng trái cây vào thùng một cách nhẹ nhàng nhất; khi về kho cần có quy trình hướng dẫn để nhân công thực hiện tốt nhất... Đặc biệt, đa số trái cây tươi đều cần bảo quản ở nhiệt độ phù hợp. Chúng ta phải quản trị được nhiệt độ của hệ thống bảo quản từ kho bãi đến vận chuyển.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp (DN) không xin được giấy phép, không xử lý tốt các khâu khai báo hải quan, khâu chứng từ hoặc hàng bị lỡ chuyến tàu gây kéo dài thời gian, gây hao hụt.

Tính tất cả các khâu, tỷ lệ trái cây xuất khẩu bị hao hụt rất cao. Vì thế, phải hình thành chuỗi quản trị tốt từ vùng nguyên liệu đến khâu đóng gói và cuối cùng là vận chuyển... thì hiệu quả mới tăng cao. Phải quản lý được toàn bộ chuỗi để trái cây được bảo quản trong thời gian dài và tốt nhất.

 Sự bất lợi trong cạnh tranh của dịch vụ logistics tại Việt Nam so với thế giới là gì, thưa bà?

 - Tại sao trái cây Việt Nam hay thua Thái Lan và những nước bạn khác; bởi vì tỷ trọng chi phí logistisc tính trên đơn vị trái cây cao, chiếm khoảng 20-30% tổng chi phí. Trong khi Thái Lan chỉ 12% và trên thế giới chỉ khoảng 10-14%.

Một trong những thách thức ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam là chi phí logistisc của Việt Nam rất cao. Bởi chi phí vận tải của Việt Nam rất cao vì chưa có kết nối hạ tầng buộc lòng phải vận chuyển bằng đường bộ. Việc kéo các container trái cây bằng đường bộ rồi chuyển bằng đường biển chi phí cao với thời gian vận chuyển dài hơn. Trong khi vận chuyển bằng tàu lửa có nhiều lợi thế với chi phí rẻ hơn. Việt Nam đã có đường tàu từ Việt Nam đi Trung Quốc và hàng có thể từ nước này tiếp tục xuất sang châu Âu và các nước khác với thời gian ngắn và chi phí thấp hơn so với đường bộ.

 Giải pháp cho khó khăn trên là gì, thưa bà?

- Cần giải pháp tích hợp quản trị trên cả chuỗi để trái cây xuất khẩu có chất lượng tốt nhất, có thời gian bán hàng lâu nhất với giá thành cạnh tranh nhất.

Để làm được 1 chuỗi cung ứng hoàn thiện, cần trải qua các bước quản trị từng phân đoạn. Cụ thể, phải quản trị được vùng trồng, quản trị được ngay từ nguyên liệu đầu vào là sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đáp ứng được tiêu chuẩn của tất cả các nước nhập khẩu. Tiếp theo là quản trị tốt ở khâu phân loại, đóng gói hàng hóa đạt yêu cầu. Khâu cuối cùng là việc giao hàng đi. Khâu cực kỳ quan trọng là làm thủ tục hải quan, thời gian lưu trong kho bãi phải được đảm bảo nhiệt độ phù hợp.

Bà Bùi Vân Kiều, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Addicon Logistics Management đánh giá, Đồng Nai tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại xuất khẩu các mặt hàng trái cây tươi rất tốt. Hiện DN xuất khẩu, chế biến đều theo hướng liên kết các vùng để tận dụng, khai thác hết thế mạnh của từng vùng, từng khu vực để cùng thắng.

Ngoài ra, DN chúng tôi sẽ đi kết nối với người mua hàng là những trung tâm phân phối, công ty thương mại, nhà bán sỉ, nhà bán lẻ ở nước ngoài. Chúng tôi không chỉ làm kết nối mà còn chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng thay cho khách hàng quốc tế tại Việt Nam. DN còn giúp đưa ra các giải pháp phân loại sản phẩm gắn với kết nối đầu ra. Vì thực tế, trái cây đạt chuẩn xuất khẩu thường chỉ từ 30-40% sản lượng trái cây thu hoạch. Sản lượng còn lại sẽ tổ chức tiêu thụ nội địa, đưa vào chế biến và phần còn lại có thể tận dụng làm phân hữu cơ.

Tìm “quốc quả” cho thị trường xuất khẩu

 Thưa bà, hiện những loại trái cây nào của Việt Nam đang có thế mạnh xuất khẩu?

- Chúng tôi đã hỗ trợ xuất khẩu rất nhiều loại trái cây là thế mạnh và đặc trưng riêng của Việt Nam. Ví dụ, trái bưởi đang tạo được tiếng vang trên cộng đồng thế giới. Điều đặc biệt là loại trái cây này trữ được rất lâu, đi xa và nhiều nước trên thế giới đã nhập khẩu trái bưởi Việt Nam. Trái bưởi đã được cấp chính ngạch đi vào thị trường Hoa Kỳ và sức tiêu thụ của trái bưởi da xanh ở thị trường này rất lớn.

Trước đây, trái cây Việt Nam không xuất được đi nhiều nước, không vươn xa trên thị trường thế giới là bởi chúng ta không cam kết được về chất lượng.

Ngày nay, rất nhiều công nghệ ra đời để hỗ trợ làm ra làm ra sản phẩm chất lượng đáp ứng được yêu cầu theo đúng chuẩn của nhiều nước nhập khẩu. Hiện một số nước châu Âu và nhiều nước khác bắt đầu ăn thử trái cây đạt chất lượng của Việt Nam.

 Bà có thể chia sẻ thêm gì về câu chuyện xuất khẩu trái cây trong giai đoạn hiện nay?

- Chúng tôi đang tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu trái cây tươi cho bà con nông dân ở các tỉnh miền Tây, miền Đông. Với trái xoài, tôi cực kỳ tâm huyết để xuất khẩu trái xoài cát Hòa Lộc vì rất thơm, ngon và đẹp, hương vị cũng đặc sắc hơn so với xoài của tất cả các nước khác. Nhưng Việt Nam chúng ta vẫn thiếu nhiều yếu tố để biến trái xoài đó thành một sản phẩm riêng biệt, đặc trưng.

 Kỳ vọng của DN chúng tôi là lựa chọn những trái trở thành “quốc quả” của Việt Nam. Ví dụ hoa sen là quốc hoa của Việt Nam thì cũng nên có những trái “quốc quả” để người tiêu dùng thế giới ăn và sẽ nhớ đó là trái của Việt Nam. Chúng tôi đang đồng hành với các nông trại, hợp tác xã, các công ty xuất nhập khẩu tìm ra và cùng nhau làm. Nhiệm vụ của chúng tôi sẽ đẩy những trái này ra thị trường thế giới với chất lượng tốt nhất.

 Theo bà, giải pháp gì để trái cây xuất khẩu của Việt Nam không bị phụ thuộc quá vào một thị trường?

- Ngoài trái xoài, thanh long Việt Nam có những vùng trồng rất lớn nhưng đến nay vẫn chưa tạo được dấu ấn trên thị trường thế giới. Thị trường tiêu thụ nhiều nhất vẫn là Trung Quốc.

Chúng ta phải đặt câu hỏi là tại sao chưa xuất thanh long đi xa được, chưa được nhiều nước biết đến dù đây là loại trái cây rất tốt. Vì chúng ta rất thiếu những câu chuyện kể cho người tiêu dùng thế giới. Thế giới họ rất cần những câu chuyện là trái thanh long tốt như thế nào, đầu vào có đảm bảo an toàn cho sức khỏe hay không… Rất nhiều câu chuyện cần phải được xây dựng và chúng ta phải kết nối để kể câu chuyện này.

Tương tự, trái vải, trái nhãn và nhiều loại trái khác của Việt Nam cũng rất ngon, rất đặc trưng và rất ít nước có những loại trái cây này. Ví dụ như trái vải là một đặc sản rất ngon nhưng khi xuất đi các nước thì không ai biết trái vải là của Việt Nam vì chủ yếu do Trung Quốc xuất đi với nhãn mác, nguồn gốc của họ. Thực tế thì Việt Nam chỉ đi bán nguyên liệu thô cho họ. Trung Quốc có công nghệ bảo quản rất tốt nên họ nhập rồi bán ra với giá cao gấp rất nhiều lần. Làm sao chúng ta đưa được trái tươi đó đến người tiêu dùng là giải pháp của cả chuỗi logistics.

Câu chuyện trái cây Việt Nam được mùa mất giá, được giá mất mùa vì lệ thuộc vào 1-2 người mua và khi họ không mua nữa thì sẽ bị dội chợ. Chúng ta phải làm cho càng nhiều bạn hàng thế giới biết đến trái cây Việt Nam. Càng nhiều người mua thì không còn phụ thuộc ở 1 sân chơi. Và khi không còn phụ thuộc nữa thì giá trái cây của chúng ta sẽ tăng, hình ảnh cũng tăng cao và vươn tầm ra thế giới.

 Xin cảm ơn bà!

Bình Nguyên (thực hiện)

Tin xem nhiều