Núi Bromo (tiếng Indonesia là Gunung Bromo) - ngọn núi lửa đang hoạt động và là một phần của dãy núi Tengger thuộc đảo Đông Java, Surabaya, Indonesia từ hàng ngàn năm về trước. Với độ cao 2.329m, tuy không phải là đỉnh cao nhất của dãy núi nhưng lại là khối núi lửa nổi tiếng và thu hút khách du lịch nhất ở Indonesia.
Dòng người nối chân nhau từ chân núi lên đến miệng núi để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Bromo |
Ngọn núi lửa Bromo có diện tích khoảng 800km2 thuộc Vườn quốc gia Bromo Tengger Semeru. Tính chất không ổn định của các mảng địa chất trên vành đai lửa Thái Bình Dương ở đây đã tạo nên những kiệt tác thiên nhiên độc đáo.
* Trải nghiệm bình minh siêu thực
Với những tín đồ yêu thích du lịch trải nghiệm, chinh phục hoặc muốn ngắm nhìn vẻ đẹp đích thực của thiên nhiên, Bromo là điểm đến nhất định phải ghé một lần trong đời. Đây là một trong 10 ngọn núi lửa đẹp nhất trên thế giới đang còn hoạt động. Trung bình núi lửa sẽ hoạt động lại sau vài năm, dung nham luôn trong trạng thái sẵn sàng phun trào với nhiệt lượng và khói lưu huỳnh xuyên suốt. Do đó ở một vài thời điểm, tùy tình hình điều kiện an toàn, thời tiết mà trung tâm giám sát hoạt động địa chất sẽ cảnh báo có thể cho phép khách du lịch tham quan hay không.
Với người dân Indonesia, Bromo không chỉ là biểu tượng du lịch mà còn là ngọn núi lửa thiêng. Chính vì thế, dọc hai bên đường có rất nhiều sạp hàng bán các bó hoa nhỏ để người dân bản địa và du khách có thể mua hoa thả vào miệng núi cầu nguyện sự may mắn, bình an. |
Thông thường trước khi đến Bromo, du khách sẽ trải nghiệm ngắm bình minh ở đồi King Kong (đỉnh Gunung Penanjakan) đối diện với độ cao 2.770m, nơi có thể nhìn toàn cảnh về phía núi lửa Bromo ngoạn mục. Để đón được khoảnh khắc bình minh này, mọi người phải bắt đầu hành trình từ khoảng 2-3 giờ sáng khi vạn vật còn chìm trong bóng đêm. Ở đây, có thể lựa chọn nhiều phương thức di chuyển bằng xe jeep chuyên dụng, xe máy hoặc thử thách trekking (đi bộ) đường dài chinh phục đỉnh Gunung Penanjakan.
Biên độ nhiệt tại khu vực này có sự chênh lệch rất lớn giữa ngày và đêm. Ban ngày có thể lên đến 35-370C, còn về khuya gần sáng nhiệt độ trên các dãy núi khá thấp chỉ từ 5-100C, gió rít buốt.
Vào khoảnh khắc mặt trời dần ló rạng, khung cảnh chuyển từ màu vàng cam sang tím và tiếp theo đó bầu trời xanh ngắt hiện ra “đánh thức” một khoảng không rộng lớn, kỳ vĩ. Phía bên kia đồi, những ngọn núi thấp thoáng ẩn hiện nhả khói ngùn ngụt giữa biển sương mù; bên dưới là sa mạc được tạo ra từ tàn tro núi lửa của ngọn Bromo đang hoạt động và phía dưới là ngôi làng Cemoro Lawang lấp ló trong mây mờ.
Lúc này, một vài tiếng hò reo, trầm trồ cùng vô số những âm thanh tí tách của máy ảnh, điện thoại, flycam reo vang tới tấp sau sự mãn nhãn, phấn khích của những lữ khách săn bình minh. Có lẽ bất cứ ai được trải nghiệm khoảnh khắc này cũng sẽ ngây người trước vẻ đẹp siêu thực ngỡ chỉ có trong tưởng tượng hoặc qua tranh vẽ, vẻ đẹp mà đôi khi chỉ được tận mắt ngắm nhìn một lần trong đời…
* Thử thách lòng dũng cảm trước thiên nhiên kỳ vĩ
Sau khi khởi đầu ngày mới bằng một bình minh tuyệt đẹp, du khách tiếp tục di chuyển xuống thung lũng để đi đến núi lửa Bromo. Khoảng hơn 95% du khách đến đây đều lựa chọn di chuyển bằng xe jeep chuyên dụng. Trên cả cung đường, từng đoàn xe đủ màu sắc cứ nối đuôi nhau trông vô cùng đẹp mắt.
Xe jeep chỉ có thể đưa du khách đến bãi hoang mạc, việc di chuyển đến chân núi phải trekking 2km qua biển cát hoặc thuê ngựa cưỡi (nếu không biết cưỡi sẽ có người địa phương hỗ trợ dẫn dắt) băng băng qua những lớp bụi mờ ảo oai hùng như những bộ phim cổ trang để đi đến miệng núi.
Du khách thích thú tạo dáng cùng xe jeep chuyên dụng dưới bãi hoang mạc tro bụi núi lửa Bromo |
Bromo không phải là vùng đất dành cho những người “yếu tim” bởi đoạn đường trekking qua sa mạc tàn tro, cát khói từ núi lửa mờ mịt cùng những con dốc khó nhằn sẽ dễ làm lữ khách nản lòng. Thời điểm thuận lợi nhất để đến Bromo là vào mùa khô của Indonesia, kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10, lúc này trời không mưa, mây xanh trong nhẹ nhàng. Càng lên cao, không khí càng loãng. Thế nhưng từng dòng người vẫn nối chân nhau như đi hành hương từ chân núi lên đến miệng núi.
Gần 1 giờ vượt qua hành trình trekking dài và 250 bậc thang thẳng đứng, những lữ khách yêu thiên nhiên lúc này sẽ được “khai nhãn” bằng khung cảnh miệng núi lửa Bromo đang hoạt động qua những làn khói bốc lên nghi ngút cùng lúc với tiếng gầm rú âm ỉ của dung nham từ đáy sâu. Ngập trong mắt lữ khách là vực sâu hun hút hình tròn dốc thẳng đứng, cheo leo với đường kính gần 10km. Bên dưới lòng núi lửa còn có những khối màu vàng nhạt của lưu huỳnh, người dân địa phương vẫn đang khai thác lưu huỳnh dạng rắn tại một số khu vực bên trong núi lửa.
Từ trên cao nhìn xuống, khung cảnh hùng vĩ, không gian rộng lớn với trùng điệp núi đồi, sa mạc cùng những ngôi làng ẩn hiện, cảm giác mỗi người đều là nhân vật chính đang tự do tự tại ở phim trường hoành tráng của riêng mình. Choáng ngợp, trầm trồ, một chút lo sợ là những cảm giác khi chênh vênh trên miệng núi lửa Bromo.
Trekking Bromo là hành trình đầy ngoạn mục và thú vị trên suốt chặng đường đi qua. Tham quan núi lửa không phải đơn giản chỉ đi và đến, nó còn đòi hỏi sự kỳ công nhất định, đôi khi còn cần chút mạo hiểm. Tựu trung lại, đó là cảm giác thỏa mãn đến tuyệt vời của những đôi chân đam mê xê dịch. Bởi chinh phục hành trình này không chỉ để khám phá sự kỳ diệu của thiên nhiên, tạo hóa mà còn để minh chứng cho sự bền bỉ, phá vỡ những giới hạn mà trước đây bản thân mỗi chúng ta nghĩ rằng mình không thể chạm đến!
Hà Lê
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin