Báo Đồng Nai điện tử
En

Lên núi Chứa Chan nhớ về công nữ Ngọc Vạn

08:05, 13/05/2023

Nhóm văn nghệ sĩ của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai đã nhiều lần được tạo điều kiện tham gia những cuộc trải nghiệm sáng tác tại núi Chứa Chan. Đây là ngọn núi cao thứ hai ở Nam bộ (sau núi Bà Đen ở Tây Ninh), là một quần thể thắng cảnh hữu tình tiêu biểu, có thể nói là độc nhất vô nhị ở Đồng Nai.

Nhóm văn nghệ sĩ của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai đã nhiều lần được tạo điều kiện tham gia những cuộc trải nghiệm sáng tác tại núi Chứa Chan. Đây là ngọn núi cao thứ hai ở Nam bộ (sau núi Bà Đen ở Tây Ninh), là một quần thể thắng cảnh hữu tình tiêu biểu, có thể nói là độc nhất vô nhị ở Đồng Nai.

Trên núi Chứa Chan, tôi từng được nghe rất nhiều câu chuyện huyền thoại của ngọn núi này, nó góp vào dòng chảy văn hóa dân gian của Đồng nai nói riêng và Nam bộ nói chung. Mặt khác nó thể hiện đời sống lưu dân nơi đây những ngày đầu đi mở cõi, phải chống chọi với hùm thiêng thú dữ, ước vọng chinh phục, cảm hóa và cải tạo môi trường để cùng sống với lam sơn chướng khí. Trong vô vàn những huyền thoại, những câu chuyện kể về núi Chứa Chan, tôi đặc biệt bị cảm hóa với truyền thuyết về công nữ Ngọc Vạn, con gái của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Tương truyền rằng chính công nữ Ngọc Vạn đã xây dựng nên chùa Gia Lào trong quần thể danh thắng này...

* Mở rộng bờ cõi phương Nam

Công nữ Ngọc Vạn, tên đầy đủ là  Nguyễn Phúc Ngọc Vạn, là con gái thứ hai của bà Mạc Thị Giai với chúa Sãi, bà sinh ra và lớn lên khi cha là Nguyễn Phúc Nguyên đang trấn giữ vùng đất Quảng Nam. Nhiều tài liệu trước đây thường ghi tước vị của bà là công chúa, nhưng thực sự là công nữ, vì bà chỉ là con của chúa Nguyễn.

 Năm 1613, khi ông nội của nàng là chúa Tiên Nguyễn Hoàng qua đời, cha nàng Nguyễn Phúc Nguyên nối nghiệp cha trấn nhậm cả vùng Thuận Quảng. Cũng trong thời điểm này ở phía Bắc Trịnh Tùng cũng đã xưng chúa, thậm chí còn tự phong mình làm Bình An Vương, thao túng mọi quyền hành và lấn áp vua Lê. Mâu thuẫn giữa hai họ Trịnh - Nguyễn vốn là anh em ngày càng trở nên sâu sắc. Ở đàng trong Nguyễn Phúc Nguyên ra sức củng cố thế lực ở Thuận Quảng hòng đối phó với sự tấn công của họ Trịnh ở phía Bắc mà theo ông nghĩ không thể nào tránh khỏi. Trong tình thế đó chúa Sãi luôn nghĩ đến việc mở rộng lãnh thổ về phía Nam và luôn ra sức khai thác vùng đất mới và coi nó như là chiến lược lâu dài.

Thời gian này, Chân Lạp gần như chịu sự thống trị trực tiếp của triều đình Xiêm La (Thailand). Đến đời Chay Chetta II, ngay từ khi mới lên ngôi, ông vua này đã có ý thức muốn thoát khỏi sự lệ thuộc của Xiêm nên đã cho xây dựng kinh đô mới ở Oudong để tìm kiếm chỗ dựa về chính trị và quân sự để chống lại Xiêm. Vua Chay Chetta II đã chọn và cầu thân với chúa Nguyễn vì thấy thế lực của vị chúa này đang lên. Để tỏ thiện chí, vua Chay Chetta II xin cầu hôn với con gái của Sãi Vương, mặc dù hiện tại Quốc vương Chân Lạp đã có chính cung là người Chân Lạp và nhị cung là người Lào nhưng chúa Nguyễn không ngần ngại đã đồng ý gả công nữ Ngọc Vạn cho Chay Chetta II.

Quốc vương Chân Lạp rất yêu quý Ngọc Vạn vì nàng vừa đẹp người, đẹp nết, nhờ vậy mà nhà vua đã cho một số người Việt theo bà giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình Chân Lạp. Ngọc Vạn được Chay Chetta II cho phép bà mở một xưởng thợ và các nhà buôn ở gần kinh đô Oudong cho người Việt làm ăn, sinh sống. Ngược lại chúa Nguyễn cũng đã gửi thêm quân lính, chiến thuyền và vũ khí sang giúp cho triều đình Chân Lạp để đối phó với quân Xiêm. Nhờ sự việc này mà Sãi Vương và vua Chay Chetta II đã hai lần đẩy lui được quân Xiêm xâm lược.

Thông qua cuộc hôn nhân giữa vua Chân Lạp và công nữ Ngọc Vạn, tình giao hảo giữa hai vương quốc ngày càng trở nên tốt đẹp và vua Chân Lạp đã sẵn lòng cho phép lưu dân Việt đến lập nghiệp ở vùng đất của mấy tỉnh thưa thớt dân cư ở phía đông nam của vương quốc Chân Lạp. Sau này với lời xin của Ngọc Vạn, Chay Chetta II đồng ý cho người Việt sang khai hoang sinh sống ở Mô Xoài (Bà Rịa) và Nông Nại (Đồng Nai). Đây là lần đầu tiên người Việt chính thức đặt chân lên đất Chân Lạp một cách hợp pháp và Mô Xoài là vùng đất đầu tiên mà người Việt được quyền khai phá để lập nghiệp. Tuy người Việt gần như đã làm chủ vùng đất này nhưng trên thực tế vẫn chưa có sự thỏa thuận chính đáng nào để nhượng hẳn đất này cho Phú Xuân.

Vì cuộc mưu sinh, từ vùng đất Mô Xoài người Việt cứ tiến dần xuống phía nam, đây chính là sự khởi đầu cho việc thực hiện mong muốn của chúa Nguyễn mở rộng bờ cõi về phương Nam.

3 năm sau cuộc hôn nhân của Ngọc Vạn, Sãi Vương cử một sứ bộ sang Uodong xin vua Chay Chetta II nhượng vùng đất Mô Xoài để lập khu dinh điền và việc này đã được Chay Chetta II chấp thuận. Thế là từ đó người Việt đã có một chỗ đứng vô cùng quan trọng trên vùng đất Thủy Chân Lạp để dần dần di chuyển về phía Nam. Có được Mô Xoài, công nữ Ngọc Vạn lại vận động vua Chay Chetta II cho chúa Nguyễn được thành lập hai sở thuế Prey Nokor (Sài Gòn - Chợ Lớn) và Kas Krobey (Bến Nghé tức Sài Gòn ngày nay) để thu thuế của người Việt và người Hoa qua lại buôn bán nơi đây. Đây là điểm dừng chân thứ hai của người Việt thời kỳ này, từ đó việc di dân của người Việt vào đất Chân Lạp ngày càng mạnh mẽ hơn. Để giúp Chân Lạp giữ gìn trật tự và bảo vệ lưu dân Việt, chúa Nguyễn còn phái tướng lĩnh đem quân đến đồn Prey Nokor giúp đỡ cho cư dân hai nước khai khẩn đất mới và ổn định việc làm ăn.

* Lui về ẩn tu

Năm 1628, vua Chay Chetta II, qua đời, triều đình Chân Lạp liên tục xảy ra những cuộc tranh chấp ngôi báu đẫm máu giữa các phe phái. Sau hơn 50 năm tồn tại trong chốn kinh thành Uodong, kể từ ngày chúa Nguyễn Phúc Nguyên gã công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Vạn về làm vợ của vua Chân Lạp Chay Chetta II, cuối cùng Thái hậu Ngọc Vạn đã theo Nặc Ông Nộn về Sài Côn rồi lui về sống ở Bà Rịa. Tương truyền, nơi đây bà cho lập chùa Gia Lào (còn gọi là chùa Bửu Quang ở trên núi Chứa Chan, thuộc tỉnh Đồng Nai ngày nay và ẩn tu vùng Bình Thảo và vùng lân cận ở ven sông Đồng Nai (từ Bà Rịa lên đến thác Trị An) trong một thời gian dài cho đến ngày nhắm mắt. 

Nhìn lại 50 năm ấy, công nữ Ngọc Vạn không chỉ trải qua những chuỗi ngày vàng son rực rỡ, mà còn nếm trải cả những năm tháng đầy máu lửa xuyên suốt lịch sử của vương quốc Chân Lạp. Có thể nói, công nữ Ngọc Vạn đã tạo ra những cơ sở ban đầu một cách chắc chắn cho công việc Nam tiến của chúa Nguyễn, sự nghiệp mở cõi của dân tộc ta trên vùng đất Nam bộ. Trong mối quan hệ thâm tình Miên - Việt, cả hai bên đều có lợi. Chúa Nguyễn có được vùng đất mới mà Chân Lạp từ lâu không quản lý và khai thác được, đổi lại Chân Lạp đã thoát khỏi sự khống chế của Xiêm.

Năm 1698, khi hội đủ những điều kiện cần thiết, chúa Nguyễn Phúc Chu đã cử Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược, kê biên sổ đinh và lập Phủ Gia Định, với khoảng 40 ngàn hộ dân và hơn 200 ngàn cư dân sống nơi này. Kể từ thời điểm đó vùng đất phương Nam của nước Việt được hình thành và phát triển đến ngày nay...

Với những công trạng đáng ghi nhận của công nữ Ngọc Vạn mà vùng đất Gia Định - Đồng Nai được mở rộng bờ cõi như thế, thiết nghĩ bà rất xứng đáng để được hậu thế khắc bia tưởng niệm và cúng tế hàng năm.

Hoàng Đình Nguyễn

Tin xem nhiều