Báo Đồng Nai điện tử
En

Theo dấu chân người tìm ra cao nguyên Lâm Viên

09:04, 21/04/2023

Từ thành phố hoa Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đến thành phố biển Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), chúng tôi có dịp đến thăm viếng mộ phần của bác sĩ Alexandre John Emile Yersin, người không chỉ có công tìm ra cao nguyên Lâm Viên, giúp thiết lập nên TP.Đà Lạt nổi tiếng ngày nay mà còn có nhiều đóng góp to lớn cho nền y học thế giới nói chung cũng như của Việt Nam nói riêng.

Từ thành phố hoa Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đến thành phố biển Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), chúng tôi có dịp đến thăm viếng mộ phần của bác sĩ Alexandre John Emile Yersin, người không chỉ có công tìm ra cao nguyên Lâm Viên, giúp thiết lập nên TP.Đà Lạt nổi tiếng ngày nay mà còn có nhiều đóng góp to lớn cho nền y học thế giới nói chung cũng như của Việt Nam nói riêng.

Tượng bác sĩ Alexandre John Emile Yersin được đặt tại vị trí trang trọng ở công viên Yersin - ngay trung tâm TP.Đà Lạt. Ảnh: L.VIÊN
Tượng bác sĩ Alexandre John Emile Yersin được đặt tại vị trí trang trọng ở công viên Yersin - ngay trung tâm TP.Đà Lạt. Ảnh: L.VIÊN

Cũng như chúng tôi, nhiều du khách trong và ngoài nước đến các di tích liên quan về vị bác sĩ tài hoa này để tham quan, tìm hiểu và bày tỏ sự ngưỡng mộ về một con người đã cống hiến cả đời mình cho khoa học, thám hiểm cùng các hoạt động nhân đạo.

* Từ lòng biết ơn, ngưỡng mộ

Vốn là người con của thành phố hoa, tuổi thơ tôi là những ngày tháng được người thân trong gia đình và thầy cô kể về những câu chuyện khai phá vùng đất Đà Lạt xưa. Theo thời gian, tôi lớn hơn một chút, thì cũng là lúc tình yêu quê hương, yêu vùng đất yên bình được bao bọc bởi những cánh rừng thông càng được vun bồi, nảy nở như một lẽ tự nhiên.

Theo thông tin của Trường đại học Yersin ở Đà lạt: Năm 1893, Yersin thực hiện nhiệm vụ thám hiểm vùng núi nằm giữa bờ biển miền Trung và sông Mekong, vùng thượng nguồn sông Đồng Nai và Sêbangcan mà trước nay ít người biết đến. Rời Sài Gòn, ông vượt qua thác Trị An đến Tánh Linh, vượt qua sông La Ngà đến Di Linh, men theo đường mòn gần giống như quốc lộ 20 hiện nay. Ngày 21-6-1893, ông đến thác Prenn và sau đó đặt chân lên Lang Biang.

Một số tài liệu có ghi lại cảm xúc của Yersin khi đến với vùng đất mới khai phá này: "Trên đường đi, cao nguyên nhấp nhô cao từ 900-1200m khoảng từ 15-20km trước khi đến chân núi. Tôi đứng trên một vùng hoàn toàn trơ trụi và cây cỏ. Đất đồi mấp mô khiến tôi cảm giác như đang đi trên một đại dương xao động vì những ngọn sóng khổng lồ. Núi Lang Biang đứng sừng sững ở giữa như một hòn đảo và hình như ngày càng xa dần khi tôi đến gần. Dưới chỗ trũng, đất màu đen và đầy than bùn. Những đàn nai lớn để yên cho chúng tôi đến gần vài trăm mét. Đàn nai vụt chạy ra xa rồi ngoái cổ lại tò mò nhìn chúng tôi".

Ngày 28-6-1935, trở về Đà Lạt lần cuối cùng nhân dịp Trường trung học Yersin được khánh thành, Yersin chia sẻ: “Không khí mát mẻ đã làm tôi quên đi mệt nhọc và tôi nhớ lại niềm vui được chạy hết tốc lực lên xuống những ngọn đồi như một học sinh trung học trẻ tuổi”.

Những thông tin, kiến thức có được cùng với tình yêu với Đà Lạt khiến nhiều lần tôi mong muốn đến tham quan, thăm viếng mộ phần của người đã khai phá ra vùng đất xinh đẹp này - bác sĩ Alexandre John Emile Yersin.

* Gần 20 năm cho một chuyến đi

Dù vậy, những kế hoạch và dự định cứ kéo tôi lần lữa quên đi những ấp ủ tuổi thơ. Mãi đến 20 năm về sau có lẽ, mùa xuân 2023, tôi có dịp đến viếng thăm mộ phần của bác sĩ Alexandre John Emile Yersin tại TP.Nha Trang.

Với từ khóa “mộ phần của bác sĩ Yersin” chúng tôi khá thuận lợi khi đi theo hướng dẫn của Google Maps và Navi trên xe. Trên quốc lộ 1, đến đoạn qua xã Suối Cát, H.Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa), phía bắc khu vực Suối Dầu, Google Maps và Navi báo đã đến điểm đến nhưng khổ nỗi xe cứ phải chạy vòng nhiều lần từ quốc lộ vào các nhánh rẽ khác nhau do không đúng vị trí cần đến. Lúc này, phải nhờ đến sự trợ giúp từ người dân địa phương thì chúng tôi mới hay nhiều du khách khi đến viếng thăm mộ phần của bác sĩ Yersin cũng gặp phải tình trạng tương tự vì định vị điểm đến không chính xác.

Nếu tính năm 1893, bác sĩ Yersin thám sát lần đầu cao nguyên Lâm Viên, thì TP.Đà Lạt nay tròn 130 năm tuổi.

Theo hướng dẫn của người dân, chúng tôi từ quốc lộ 1 rẽ vào một nhánh đường nhỏ có lót đá, bên ngoài có bảng “Khu mộ bác sĩ A.Yersin” kèm mũi tên hướng vào 800m. Đó là khu vực phía chân núi Một, nằm trong khu trại chăn nuôi vật thí nghiệm do chính bác sĩ tạo lập ra. Khi di chuyển qua một cổng sắt được dựng lên để bảo vệ địa điểm này, xe còn phải di chuyển khoảng 1km đường lót đá với khung cảnh xung quanh một bên là đồi núi, một bên là hoa màu được người dân địa phương gieo trồng.

Trong khung cảnh yên tĩnh đến lạ, chỉ thấy rừng cây cùng tiếng chim hót líu ríu, lòng tôi thoáng lên nghi hoặc có khi nào lại nhầm đường, lúc này mà nhầm đường thì sẽ khó trở ra vì đường đá nhỏ, không đủ chỗ quay đầu xe. Nhưng những mệt mỏi, mơ hồ sau chặng đường xa và quanh quẩn tìm điểm đến chẳng mấy chốc tan biến bởi niềm vui khi xe đến khu vực thoáng rộng, lót đá chỉn chu, hướng lên là cổng có ghi: “Khu mộ Bác sĩ A.Yersin”, hai bên cổng đề: “Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa” và “Bộ Y tế Viện Pasteur NT”.

* “Ân nhân và nhà nhân đạo được nhân dân Việt Nam tôn kính”

Bước qua cổng được xây kiên cố là một dãy bậc cấp bằng đá nối dài, uốn lượn hướng lên mộ phần. Bao quanh khuôn viên khu mộ luôn rợp bóng cây nên không gian mát mẻ, yên tĩnh, kèm theo một số loại cây, hoa trang trí.

Theo lời người dân địa phương, trước kia ngôi mộ được xây dựng theo hình quan tài, có hình cây thập giá đúc trên mộ. Sau đó, mộ được xây hình chữ nhật như ngày nay, đúc xi măng màu trắng, có thiết kế khá đơn giản với phần chữ “ALEXANDRE YERSIN 1863-1943” đắp nổi trên mộ.

Tại phần đầu phía ngôi mộ có dựng một tấm bia với hình của bác sĩ cùng nội dung ngắn gọn, đầy đủ về tiểu sử thân thế, sự nghiệp và đóng góp của ông bằng chữ viết tiếng Việt và Pháp.

Mộ bác sĩ Yersin tại TP.Nha Trang
Mộ bác sĩ Yersin tại TP.Nha Trang

Bên cạnh mộ có một miếu nhỏ đặt bàn thờ cùng di ảnh của ông để người tham quan thắp hương.

Trong hành trình 80 năm của cuộc đời, bác sĩ Yersin dành phần lớn thời gian cho nghiên cứu khoa học, thám hiểm cùng các hoạt động nhân đạo. Ông đã gắn bó gần như cả cuộc đời tại TP.Nha Trang và quyết định yên nghỉ vĩnh viễn tại đây.

Tại TP.Nha Trang, ngoài khu mộ Yersin, nhiều du khách trong và ngoài nước còn đến thăm Bảo tàng A.Yersin, nằm ngay trong khuôn viên Viện Pasteur Nha Trang trên đường Trần Phú, dọc bờ biển Nha Trang. Trước kia, đây là Thư viện A.Yersin, sau đó, được Bảo tàng Pasteur Pháp và Viện Lịch sử Y học Lausanne Thụy Sĩ viện trợ xây dựng thành Bảo tàng A.Yersin ngày nay. Bảo tàng có diện tích khoảng 100m2, là dãy nhà 2 tầng, tập hợp, lưu giữ và trưng bày một phần rất nhỏ sách báo, tài liệu, bút tích, hình ảnh, hiện vật trong suốt quá trình nghiên cứu, cống hiến cho sự nghiệp khoa học của bác sĩ Yersin tại Việt Nam và trên thế giới.

Tại Khánh Hòa, khu mộ bác sĩ Yersin, cùng bảo tàng, chùa Linh Sơn Cam Lâm (nơi thờ tự ông) là cụm di tích của bác sĩ Yersin được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1990. Mới đây nhất, ngày 20-3-2023, Bộ VH-TTDL bổ sung nhà làm việc của bác sĩ A.Yersin ở H.Cam Lâm vào cụm di tích lịch sử cấp quốc gia.

Tại TP.Đà Lạt, để tưởng nhớ người đã khám phá ra cao nguyên Lâm Viên, tên ông được đặt cho các trường học, địa điểm tham quan nổi tiếng như: Trường đại học Yersin, đường Yersin, công viên Yersin…

Nội dung ghi trên bia mộ của bác sĩ Alexandre John Emile Yersin như sau:

“Alexandre John Emile Yersin

sinh ngày 22 tháng 9 năm 1863

tại làng Lavaux (hạt Vaud) Thụy Sĩ

Tổ tiên ông vốn là người Pháp, năm 1885 di cư sang Thụy Sĩ.

Năm 1889 Alexandre Yersin được phục hồi quốc tịch Pháp.

Tạ thế tại Nha Trang ngày 1 tháng 3 năm 1943.

Bắc đẩu bội tinh Việt Nam Long bội tinh

Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học, Viện Hàn lâm y học, Viện hàn lâm khoa học các thuộc địa

Thành viên Hội Bệnh học hải ngoại, Hội Y học Nhiệt đới, Hội Thiên văn Pháp quốc.

Phát hiện độc tố bệnh bạch hầu năm 1888.

Thám sát lần đầu cao nguyên Lâm Viên năm 1893 giúp thiết lập nên thành phố nghỉ mát Đà Lạt.

Tìm ra vi trùng bệnh dịch hạch năm 1894 và điều chế huyết thanh chữa trị.

Sáng lập Viện Pasteur Nha Trang năm 1895.

Di thực vào Việt Nam cây cao su năm 1897 và cây canh kina năm 1917.

ÂN NHÂN VÀ NHÀ NHÂN ĐẠO

được nhân dân Việt Nam tôn kính”.

Lâm Viên

Tin xem nhiều