Những ngày qua, thông tin về việc một học sinh lớp 10 ở Trường THPT chuyên Đại học Vinh (Nghệ An) tự vẫn tại nhà riêng khiến nhiều người đau xót, bàng hoàng.
Những ngày qua, thông tin về việc một học sinh lớp 10 ở Trường THPT chuyên Đại học Vinh (Nghệ An) tự vẫn tại nhà riêng khiến nhiều người đau xót, bàng hoàng. Dù kết luận cuối cùng về nguyên nhân khiến nữ sinh tự vẫn chưa được đưa ra song qua câu chuyện từ phía gia đình và nhà trường kể lại, cho thấy có rất nhiều điều cần phải quan tâm, suy ngẫm.
Theo những thông tin được báo chí đăng tải, gia đình nữ sinh cho biết, có thể con tự vẫn do bị bạn bè cô lập, xa lánh, thậm chí là bạo lực học đường. Vì sợ đến lớp, nữ sinh này đã nhiều lần nghỉ học đồng thời bày tỏ nguyện vọng với mẹ và cô giáo chủ nhiệm về mong muốn được chuyển lớp của mình. Cô giáo chủ nhiệm khi biết chuyện thì cho rằng chuyện bạn bè chơi với nhau, hợp tan là chuyện bình thường nên cũng không để ý lắm đến nỗi sợ hãi của học sinh. Do việc chuyển lớp cũng phải tuân theo những quy định của nhà trường nên cô ghi nhận rồi để đó mà chưa tìm hiểu thêm nguyên nhân vì sao học sinh muốn chuyển lớp.
Theo các chuyên gia tâm lý, tâm lý lứa tuổi học sinh bậc THPT khá phức tạp và nhạy cảm. Không ít em do quá áp lực với việc học đâm ra chán nản, mệt mỏi. Đặc biệt, khi trong gia đình thiếu sự quan tâm, chia sẻ; trên lớp học khó hòa nhập được với bạn bè, xa cách với thầy cô, các em dễ rơi vào trầm cảm. Dễ nhận thấy là các em sẽ thu mình lại, ngại giao tiếp, không tham gia các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Khi về nhà thường đóng cửa phòng, làm bạn với điện thoại, iPad… Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, tình trạng này kéo dài dễ dẫn đến những hành động bồng bột, thiếu kiểm soát rất nguy hiểm đến tính mạng.
Ngày càng nhiều những vụ tự tử trong lứa tuổi học sinh dẫn tới những cái chết thương tâm có nguyên nhân từ chính gia đình và môi trường học đường. Vì không chịu được sức ép bởi điểm số cùng những kỳ vọng quá lớn từ phía gia đình hay mâu thuẫn với bạn bè chưa thể giải quyết, các em lựa chọn kết liễu đời mình. Với trường hợp của nữ sinh ở Nghệ An, nếu giáo viên chủ nhiệm và nhà trường quan tâm, lắng nghe hơn nguyện vọng của em, cùng em và các bạn giải quyết những bất hòa thì có lẽ em đã tìm được niềm vui tới lớp. Hay về phía gia đình, khi biết con có mong muốn chuyển lớp do mâu thuẫn với bạn, cần cùng con chuyện trò, khuyên bảo để tâm lý con vững vàng hơn trước những sang chấn tuổi mới lớn. Thế nhưng mọi nếu như đều đã quá muộn…
Để không còn xảy ra những vụ tự tử trong lứa tuổi học trò, cần hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục học sinh, nhất là giáo dục những kỹ năng giúp các em vượt qua khó khăn, áp lực trong học tập, cuộc sống. Tránh thái độ thờ ơ, vô cảm với những vấn đề nảy sinh trong quá trình học tập, sinh hoạt của các em ở trường, ở nhà để khi phát hiện dấu hiệu bất thường, có giải pháp giải quyết kịp thời. Đừng để các em rơi vào trạng thái bơ vơ, cô độc, không biết tâm sự, tin tưởng, nhờ cậy ai để rồi tự giải thoát bằng cái chết!
Minh Ngọc