Lấy cảm hứng từ mô hình Happy School của UNESCO, từ năm 2019 đến nay, mô hình Trường học hạnh phúc được Bộ GD-ĐT triển khai tại nhiều cơ sở giáo dục trong cả nước và nhận được sự quan tâm lớn của xã hội.
Lấy cảm hứng từ mô hình Happy School của UNESCO, từ năm 2019 đến nay, mô hình Trường học hạnh phúc được Bộ GD-ĐT triển khai tại nhiều cơ sở giáo dục trong cả nước và nhận được sự quan tâm lớn của xã hội.
Không gian thư viện ấm áp. (ảnh minh họa) |
Từ những tiêu chí gợi ý ban đầu, tùy theo điều kiện, các trường có thể đưa ra những bộ tiêu chí riêng nhằm triển khai một cách hiệu quả, phù hợp với môi trường giáo dục của mình. Tuy nhiên, có 3 tiêu chí cốt lõi vẫn phải đảm bảo, đó là yêu thương, an toàn và tôn trọng.
Cụ thể, về tiêu chí yêu thương đó là sự quan tâm, chia sẻ, tin tưởng, hỗ trợ, bao dung. Tiêu chí này đặc biệt đề cao vai trò của người thầy trong việc trao yêu thương đến với học trò, tạo sự kết nối, lan tỏa để mối quan hệ thầy - trò, trò - trò luôn vui vẻ, gắn kết.
Về tiêu chí an toàn, trường học phải là nơi an toàn cho cả giáo viên và học sinh cả về thể chất lẫn tinh thần. Trong trường học, giáo viên, học sinh phải được bảo vệ, không có sự xúc phạm hay gặp nguy hiểm, để thực sự mỗi ngày đến trường thật sự là mỗi ngày vui.
Đối với tiêu chí tôn trọng, cần tôn trọng sự khác biệt bởi chính sự khác biệt ấy mới tạo nên sự đa dạng về văn hóa và đổi mới. Tôn trọng sự khác biệt, trước hết là không áp đặt, đem giá trị của một vài cá nhân, áp đặt cho cái chung. Tất nhiên, mỗi nhà trường sẽ có những quy định chung nhằm đảm bảo “tôn ti trật tự” nhưng phải là môi trường để không ai cảm thấy mình bị miệt thị hay xa lánh. Từng cá nhân khác biệt nhưng phải tôn trọng và chấp hành nghiêm túc những quy định chung…
Những tiêu chí này, nghe thì có vẻ đơn giản nhưng để thực hiện hiệu quả ở giai đoạn hiện nay lại không hề dễ dàng bởi môi trường học đường hiện tồn tại khá nhiều vấn đề cần quan tâm. Trong đó, chỉ tính riêng về tiêu chí an toàn, có thể thấy không phải trường học nào cũng thực hiện được do tình trạng bạo hành học đường đang có xu hướng gia tăng. Không chỉ học trò đánh, mắng nhau mà cả giáo viên cũng để xảy ra những vụ việc xúc phạm học trò và có những hành xử nóng giận không đúng chuẩn mực của người thầy.
Ngày càng nhiều các vụ việc không hay được tung lên mạng xã hội liên quan đến môi trường học đường. Mới đây nhất là việc cô giáo ở Vĩnh Phúc cắt tóc một nữ sinh trong giờ học. Không cần biết lý do dẫn đến hành động này là gì, nhưng việc cô giáo cắt tóc của học sinh ngay giữa lớp học bị đánh giá là phản giáo dục, xúc phạm học sinh. Kể cả khi học sinh đã sai, đây cũng không phải là cách giải quyết tốt nhất.
Để trường học hạnh phúc, tất nhiên sẽ không có những hình ảnh xấu xí như vậy xảy ra. Thầy cô và học sinh đều phải được tôn trọng và cảm thấy hạnh phúc khi được dạy và học trong ngôi trường mà hạnh phúc có sự lan tỏa rộng khắp.
Minh Ngọc