Báo Đồng Nai điện tử
En

Chăn bò thuê mưu sinh

10:04, 08/04/2023

Nghề chăn bò thuê có tại làng dân tộc Chơro (tổ 23, KP.Ruộng Lớn, P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh) đến nay đã trên 40 năm. Nghề này tuy cực khổ nhưng đã giúp cho nhiều người có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định để vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Nghề chăn bò thuê có tại làng dân tộc Chơro (tổ 23, KP.Ruộng Lớn, P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh) đến nay đã trên 40 năm. Nghề này tuy cực khổ nhưng đã giúp cho nhiều người có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định để vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Ông Thổ Xương (tổ 23, KP.Ruộng Lớn, P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh) đi chăn bò thuê. Ảnh: T.Nhân
Ông Thổ Xương (tổ 23, KP.Ruộng Lớn, P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh) đi chăn bò thuê. Ảnh: T.Nhân

* Lấy công làm lời

Ông Thổ Xương (ngụ tổ 23, KP.Ruộng Lớn) năm nay 56 tuổi nhưng đã có thâm niên chăn bò thuê 42 năm. Ông là một trong những người chăn bò thuê lâu năm nhất và có nhiều kinh nghiệm tại địa phương. “Tôi chăn bò từ thời trai trẻ đến giờ nhưng chưa lần nào để bò đi lạc mất hoặc ăn lúa, hoa màu của dân rồi phải đền bù” - ông Thổ Xương bộc bạch.

8 giờ sáng hàng ngày, sau khi phụ vợ chu toàn việc nhà cửa và chăm lo cho cháu ngoại xong, ông Thổ Xương bắt đầu lùa bò đi chăn với số lượng 15 con lớn nhỏ; trong đó, 9 con của gia đình và 6 con nhận chăn thuê cho người khác. Công việc chăn bò diễn ra cả ngày ở ngoài đồng nên ông phải mang theo vài thứ đồ nghề cần thiết như: roi chăn bò, cơm hộp, chai nước uống…

“Hôm nay tôi sẽ lùa đàn bò đi chặng đường hơn 10km để sang tận địa bàn xã Xuân Thọ (H.Xuân Lộc) vì cánh đồng bên đó mới vừa cắt lúa xong và có nhiều cỏ xanh, rơm tươi cho đàn bò ăn no” - ông Thổ Xương cho hay.

Già làng MAI VĂN LƯỢNG cho biết, trước đây, làng đồng bào dân tộc Chơro ở KP.Ruộng Lớn có hơn 40 hộ nuôi bò và chăn thả bò thuê nhưng vì nhiều nguyên nhân mà nhiều người đã bỏ nghề để chuyển sang công việc khác. Hiện trong làng còn hơn 25 hộ nuôi bò và nhận chăn bò thuê với tổng số lượng khoảng 200 con bò.

Theo ông Thổ Xương, nghề chăn bò thuê chủ yếu lấy công làm lời, rất vất vả, phải dãi nắng, dầm mưa nhiều giờ ở ngoài trời. Hàng ngày mưa cũng như nắng cứ khoảng 8 giờ sáng là những người chăn thuê phải lùa đàn bò đi xa từ 5-7 km đến những cánh đồng lúa vừa thu hoạch xong hoặc ở những khu đồi đất bỏ hoang để bò tìm kiếm thức ăn. Thậm chí mùa khô người chăn thuê phải đi xa hơn 10km để tìm nơi thả và cho đàn bò ăn đến khoảng 15 giờ thì lùa chúng về chuồng.

“Mùa mưa, nguồn thức ăn nhiều nên đàn bò thường dừng lại một khu vực để ăn cỏ, lá cây nhưng người chăn thuê rất cực vì phải dầm mưa lạnh lẽo suốt cả ngày ngoài đồng cùng đàn bò. Còn mùa khô thiếu cỏ, bò không chịu đứng một chỗ mà luôn lùng sục kiếm ăn nên người chăn thuê rất vất vả điều khiển đàn bò với số lượng lớn. Nếu để bò ăn lúa, phá hoa màu của dân thì người chăn thuê phải đền bằng tiền, đặc biệt khi để bò mất không có lý do phải đền 100% cho người chủ. Vì vậy, bò đi đến đâu, người chăn thuê phải đi đến đấy và theo dõi chúng thường xuyên” - ông Thổ Xương chia sẻ.

Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông Thổ Xương phải nghỉ học sớm và gắn bó với nghề chăn bò thuê từ năm 14 tuổi. Ông siêng năng, làm giỏi nên được bà con trong làng yêu thương, giúp đỡ bằng cách tạo công việc làm ổn định. Đến khi lập gia đình, ông được chính quyền địa phương giới thiệu vay nguồn vốn chính sách ưu đãi để mua 1 con bò giống về nuôi nhằm giúp ông có điều kiện làm ăn vươn lên.

Nhờ chăm sóc kỹ lưỡng, con bò giống của ông Thổ Xương phát triển khỏe mạnh và sinh sản nhiều, giúp số lượng đàn bò ngày càng đông hơn. Gia đình đã bán bớt vài con bò để có tiền trang trải cuộc sống và hiện đàn bò còn 9 con lớn nhỏ với tổng giá trị hơn 100 triệu đồng. Ngoài nuôi bò nhà, ông còn nhận chăm sóc trung bình từ 5-10 con bò khác để có thêm thu nhập. “Nghề nuôi bò và chăn bò thuê đã giúp gia đình tôi có cuộc sống ổn định và có điều kiện dựng vợ gả chồng cho các con. Tôi cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại mà mình đang có” - ông Thổ Xương chia sẻ.

Chăn bò thuê chung nhiều năm với ông Thổ Xương còn có 2 ông: Thổ Quẻn và Thổ Tài (cùng ngụ KP.Ruộng Lớn). Ông Thổ Tài là một trong những nông dân tiêu biểu trong làng đồng bào dân tộc Chơro bởi sự siêng năng, vượt khó. Dù xuất thân từ gia đình nghèo khổ, bản thân bị bệnh điếc từ nhỏ nhưng ông vẫn không mặc cảm, tự ti mà luôn phấn đấu tìm mọi cách để vươn lên.

Ông Thổ Tài đã gắn bó với nghề chăn bò thuê đến nay khoảng 40 năm. Nhờ nghề này đã giúp ông dành dụm tiền đầu tư mua bò nuôi để tăng đàn. Hiện đàn bò của gia đình ông có hơn 10 con lớn nhỏ với tổng trị giá khoảng 150 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn nhận chăn bò thuê từ 5-10 con để có thêm thu nhập. Gia đình ông cũng nhờ nghề nuôi bò nhà và chăm sóc bò thuê cho người khác mà cuộc sống ngày càng ổn định hơn và có điều kiện lo cho các con được đầy đủ.

* Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Già làng Mai Văn Lượng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chơro tại  tổ 23, KP.Ruộng Lớn cho biết, đồng bào dân tộc Chơro ở KP.Ruộng Lớn có 125 hộ với 527 nhân khẩu. Nghề nuôi bò và chăn bò thuê đã hình thành trong làng khoảng 40 năm nay. Trước đây, người chăn bò thuê không được nhận tiền công mà lấy bê con.

Nghề chăn bò thuê tuy vất vả nhưng đã giúp cho nhiều người ở KP.Ruộng Lớn (P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh) có thu nhập ổn định để vươn lên thoát nghèo
Nghề chăn bò thuê tuy vất vả nhưng đã giúp cho nhiều người ở KP.Ruộng Lớn (P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh) có thu nhập ổn định để vươn lên thoát nghèo

“Ví dụ như bò mẹ sinh sản ra lứa bê con đầu tiên thì người chăn thuê được nhận trước, đến khi bò mẹ sinh sản ra bê con thứ 2 thì mới tới lượt người chủ và cứ thế bê con sau khi sinh ra sẽ được chia đều cho cả chủ và người chăn. Cách thỏa thuận trên chỉ áp dụng một thời gian rồi ngưng vì cho rằng không phù hợp và chỉ có lời cho người chăn thuê chứ không có lời đối với chủ. Do vậy, người chăn thuê sau đó được trả tiền công khoảng từ 10 ngàn đồng/con bò/ngày, tùy theo thỏa thuận giữa chủ và người chăn thuê” - già làng Mai Văn Lượng giải thích.

Cũng theo già làng Mai Văn Lượng, trước đây, người dân sản xuất nông nghiệp, trồng lúa chỉ làm 1 vụ/năm, thời gian còn lại để đất trống cho cây, cỏ mọc um tùm. Nhờ vậy, nghề chăn thả bò diễn ra khá thuận lợi.

Khoảng 10 năm nay, bà con nông dân đã biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào trong sản xuất, hầu hết diện tích ruộng đều được trồng 3 vụ lúa/năm, vườn, rẫy đều tận dụng triệt để vào việc trồng cây ăn trái, hoa màu và cho thu hoạch quanh năm. Cho nên, các khu đất trống dùng để chăn thả bò bị thu hẹp dần khiến việc chăn bò gặp nhiều khó khăn hơn, nhiều người phải lùa bò đi xa khá vất vả. “Ngoài chăn thả để bò tìm kiếm thức ăn, người dân còn phải chuẩn bị nguồn thức ăn dự trữ ở nhà như: rơm khô hay đi cắt cỏ, lá cây… Có như vậy, con bò mới ăn đủ no để sinh trưởng, phát triển tốt” - già làng Mai Văn Lượng cho hay.

Nghề nuôi bò và chăn bò thuê tuy nhọc nhằn và trải qua những lúc thăng - trầm nhưng đã giúp cho nhiều người có công ăn việc làm ổn định, thu nhập đảm bảo. Nhiều gia đình nhờ nghề này đã vươn lên thoát nghèo bền vững, đời sống ngày càng nâng lên và tích cực góp phần vào mục tiêu giảm nghèo tại địa phương.

Ông THỔ QUẺN (66 tuổi, ngụ tổ 23, KP.Ruộng Lớn, P.Bảo Vinh) tâm sự: “Khi nhận chăn bò thuê cho chủ, tôi phải có trách nhiệm, chăm sóc chu đáo như bò của mình; luôn để mắt trông nom để không cho bò tách đàn đi lạc mất hoặc ăn phá hóa màu của dân. Có như vậy, mối quan hệ làm ăn giữa chủ với người chăn thuê được lâu dài”.

Thành Nhân

Tin xem nhiều