Báo Đồng Nai điện tử
En

Cuốn nhật ký Truyện ngắn của Phương Quỳnh

08:04, 15/04/2023

1. Làng Hinh heo hút, bốn mùa sương giăng, cái chữ đến với đồng bào ở đây còn ít lắm. Nhưng Ma Văn Báo lại được thầy chủ nhiệm khen là "văn hay, chữ tốt". Hết cấp 2 Báo nghỉ học, cha mẹ bắt lấy vợ. Cưới nhau chưa đầy bốn tuần trăng thì Báo xung phong đi bộ đội. Lạ thay, vợ chồng chưa ấm hơi nhau mà đã như muốn biệt ly? Cha nhìn con trai, trợn mắt quát:

1. Làng Hinh heo hút, bốn mùa sương giăng, cái chữ đến với đồng bào ở đây còn ít lắm. Nhưng Ma Văn Báo lại được thầy chủ nhiệm khen là “văn hay, chữ tốt”. Hết cấp 2 Báo nghỉ học, cha mẹ bắt lấy vợ. Cưới nhau chưa đầy bốn tuần trăng thì Báo xung phong đi bộ đội. Lạ thay, vợ chồng chưa ấm hơi nhau mà đã như muốn biệt ly? Cha nhìn con trai, trợn mắt quát:

Tranh minh hoạ: CÒM
Tranh minh hoạ: CÒM

- Mười bảy tuổi, cái Nhà nước nó không có bắt mày đi bộ đội!

- Luật nhà nước không cho tuổi 17 được làm  mìa phua(1), thế mà pá(2) lại bắt con phải lấy mìa(3)?

- Thì tao cho mày đi! - Người cha biết không thể can ngăn được con trai mình, nên đành đồng ý. Báo mừng rơn.

Báo lên đường nhập ngũ vào một ngày cuối đông, bỏ lại người vợ vò mình trong đơn chiếc, nhớ lại câu nói của chồng đêm cuối: “Điếp mìa”(4).

Báo được biên chế vào một trung đoàn bộ binh. Thấy Báo hiền lành ít nói, mấy lính người Kinh liền trêu chọc: “Ô, cái thằng con gái không có mồm”. Báo chẳng nói gì. Biết Báo có vợ, mọi người lại đùa: “Con chào bố Báo” ; “Chào cụ Báo ạ”; “Cái thằng Báo tí tuổi mà đã máu lấy vợ, hi hi… mùi đàn bà thế nào hả mày?”. Tức thì Báo phóng một cú đá vào người thích đùa. Từ đó mọi người cho Báo là người giỏi võ, tỏ ý bái phục.

Sau ba tháng huấn luyện, đơn vị Báo phải vào chiến trường gấp mà không kịp về phép.

Báo đi rồi, vợ ở nhà “chín tháng mười ngày” sau sinh hạ ra một công chúa, đặt tên Hoa.

Năm Hoa lên 5 tuổi thì gia đình nhận được giấy báo tử, cha mình đã hy sinh năm 1975 ở mặt trận phía Nam.

2. Sau giải phóng có một người tìm về gia đình Báo ở Bắc Kạn, tự giới thiệu là trung đội trưởng của Báo để trao cho gia đình cuốn nhật ký. Vị trung đội trưởng này tên Thông cùng tỉnh Bắc Thái với Báo nhưng ở H.Đại Từ. Vợ Báo, chị Sen khóc cạn kiệt nước mắt khi nhìn thấy cuốn nhật ký của chồng mình.

*

Chị Sen ở lại một mình thờ chồng và nuôi con gái ăn học. Hoa sau khi tốt nghiệp trung cấp sư phạm thì vào Biên Hòa nhờ cô ruột xin dạy học ở Trảng Bom. Cô của Hoa là cán bộ ngân hàng được điều động vào Nam công tác sau những năm giải phóng.

Rồi năm tháng qua đi, Hoa lấy chồng. Chồng Hoa người Tân Uyên làm nghề điện ở Biên Hòa, có cha trước kia là lính địa phương quân thời Việt Nam Cộng hòa. Ổng vui tánh lắm, hai vợ chồng thương con dâu như con gái ruột. Hè này vợ chồng Hoa cùng con trai về thăm quê ngoại ngoài Bắc, “để chồng con tận mắt thấy cảnh núi rừng Việt Bắc, nghe làn điệu then Tày xao xuyến, dặt dìu, thân thương”. Trên tuyến xe khách Biên Hòa - Bắc Kạn. Hoa nói với chồng mình: “Tuyến đường này ngày xưa bố cùng đồng đội đã xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”...

Rồi Hoa chợt nhớ lại những gì cha của mình ghi trong cuốn nhật ký mà bác Thông trao lại. Cuốn nhật ký, chỗ còn chỗ mất, chỗ mờ nhạt, tuy nhiên mắt tinh vẫn dịch ra được.

Đọc cuốn nhật ký của Báo người xem có thể hình dung ra phần nào chặng đường hành quân của những người chiến sĩ đi giải phóng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Trước khi hành quân Nam tiến, chính trị viên Thọ nói với các chiến sĩ:”Không nhanh chân Mỹ nó cút hết, chỉ còn ống bơ rỉ”. Tới Khe Hó nơi khởi đầu của đường dây 559 thì máy bay địch từ đâu lao tới dội bom, sáu người hy sinh. Báo bỗng thấy nhớ thương vợ hơn bao giờ hết. Khi đến binh trạm R, thấy nhiều nữ thanh niên xung phong khóc thương đồng đội vừa hy sinh. Một chị liền ôm Báo khóc: “Em ơi gian khổ quá”.

Pháo sáng địch thả thâu đêm. Qua ngầm Nậm Cối, nghỉ ăn cơm trưa, rồi vượt đèo Phu Luông, lính mệt như không thể đi nổi, nhưng Báo phải cố, vì đã hứa với cha mẹ đem vinh quang về cho dòng họ Ma. Đi mười cây số, vừa đặt ba lô xuống Báo đã nhắm mắt ngủ như chết, tỉnh dậy thấy người mẩn đỏ vì lũ muỗi rừng đói khát hút máu. Đơn vị dừng chân ở binh trạm Z để đợi mở thêm tuyến đường tránh điểm nguy hiểm. Ngày nào Mỹ cũng thả bom. Ngày nào cũng có người chết và bị thương. Quân ra quân vào liên tục. Bộ đội đói khát, kiếm lá rừng làm thức ăn. Đơn vị rời binh trạm Z hành quân tiếp tới km140 thì gặp đường 128, không thể đi tiếp vì bom địch tưới xuống ngày đêm, quân ta phải vòng qua đường 23, đi được hơn mười cây số lại trúng B52, lại phải quay lại đi theo đường cũ. Cả buổi sáng chỉ đi được sáu, bảy cây số, ăn vội bánh lương khô, đi tiếp, vượt qua đường 9, rồi qua đường 36 về sông Sê Băng Hiêng. Nước sông lớn, ba lính suýt bị nước cuốn đi. Đến Binh trạm 44, nghỉ một ngày rồi đi tiếp vào km 110, cuối đường B46, bắt đầu vào Quân khu 5. Lính vừa chợp mắt thì bị địch thả bom, bốn chiến sĩ hy sinh. Những chiếc ô tô vận tải bị cháy tan…

Nghỉ ở Binh trạm 44 thì trời đổ mưa to như muốn vùi lấp núi rừng. Lũ vắt chết tiệt “búng” mình bay lên chân, lên tay, lên cổ người mà hút máu. Báo tranh thủ viết hai bức thư về cho pá mé và mìa. Ngóng xem có ai ra để gửi. Đêm đang ngủ thì máy bay địch tới dội bom, năm người chết, bị thương đến hơn mười người. Báo bị một mảnh bom vào đùi, vết thương nhẹ nhưng vẫn hành quân được. Tới Binh trạm 258 thì hai đồng đội lên cơn sốt rét ác tính đã tử vong. Báo thiếp đi, rồi thấy vương vướng trên mép, đưa tay lên sờ thấy con vắt đã no nê máu. Báo để ý quân ra thấy toàn người lạ. Trời vẫn mưa, vắt vẫn ngập rừng. Hai ống chân đầy nốt vắt cắn. Bất ngờ B52 dội bom, trúng ngay một đoàn xe vận tải. Những đám cháy, cùng tiếng nổ lớn như một sự hủy diệt. Ôi, lại những đồng đội ra đi. Đơn vị dừng chân đợi sửa đường cho xe qua. Chính trị viên động viên, dù đói khổ, ác liệt đến đâu chiến sĩ ta vẫn phải anh dũng kiên trung…

Lính vui mừng khi công binh đã san lấp kịp thời đoạn đường bị B52 phá, đoàn xe vừa qua thì máy bay địch lại dội bom, mà may chẳng có ai bị trúng. Đêm bỗng Báo nhớ thương vợ… Mìa ơi ở nhà yên tâm nhé phua đi đánh giặc ngày mai phua về…

Từ Trạm 1 đến Trạm 3 toàn rừng già, ba lô thì nặng, đường dài, trời nóng nắng, ăn uống thì thiếu thốn. Từ Trạm 3 đến Trạm 6 qua tả ngạn sông Tranh thì B52 lao tới đánh bom, chín nữ thanh niên xung phong hy sinh. Qua ngã ba Lùm Bùm thuộc đất Lào, rất nhiều thương binh được cáng ra ngoài. Một người ở binh trạm kể, chỗ này mặt đường trộn máu xương của bao chiến sĩ ta. 

Rồi tiểu đoàn của Báo đã vào tới B2, miền Đông Nam bộ biên chế vào Quân đoàn 4.

3. Quân ta mở chiến dịch phá “cánh cửa thép Xuân Lộc” của địch làm bàn đạp tấn công giải phóng Sài Gòn. Từ tướng đến quân ai ai cũng chuẩn bị cho chiến dịch quan trọng này…

Bác Thông kể, Báo chiến đấu hăng say lắm, chỗ nào ác liệt là xung phong, khi quân ta giải phóng Xuân Lộc thì đơn vị của bác tiếp tục đánh chiếm Trảng Bom trên đường tiến về Sài Gòn. Báo bị thương và bị giặc bắt sống cùng một số người khác. Một trong số những người ấy may mắn thoát đã kể lại: Địch hỏi câu gì Báo cũng lắc đầu, hỏi mày quê đâu, cũng lắc đầu, hỏi chỉ huy của mày là ai, cũng lắc đầu. Hỏi biết phụ nữ thế nào không, Báo lặng im, làm bọn địch cười hô hố. Thấy thế, Báo liền chửi: Bố chúng mày cười cái đầu vầy tao ấy! Tên chỉ huy tức giận rút khẩu colt 45 ra khỏi bao thì đúng lúc quân giải phóng tiến tới gần, tên chỉ huy lo triển khai tác chiến mà viên đạn súng lục đã bay trượt mang tai Báo. Báo trở ra tìm đồng đội thì trúng cối 60 của địch…

Căn cứ Trảng Bom của địch bị thất thủ. Trung đội trưởng Thông lục ba lô của Báo để ở tuyến sau lấy ra một cuốn sổ nhật ký và dặn đồng đội, nếu ai còn sống thì khi trở về nhớ đem những kỷ vật của đồng đội giao cho gia đình họ. Không ngờ chính anh lại là người chuyển kỷ vật ấy…

*

Trảng Bom như là quê hương thứ hai của Hoa, cô đã cùng học trò của mình vào rừng cao su để tưởng tượng lại chiến trường năm xưa mà cha cô đã cùng đồng đội chiến đấu và anh dũng hy sinh. Rừng cao su giờ xanh tốt lắm, có xương thịt của những chiến sĩ giải phóng quân. Hoa kể cho học trò nghe về cuốn nhật ký của cha mình với bao cung bậc cảm xúc…

Biên Hòa, tháng 3-2023

(1) mìa phua (tiếng Tày là vợ, chồng)

(2) pá: bố

(3) mìa: vợ

(4) điếp mìa ( tiếng Tày là yêu vợ)

Tin xem nhiều