Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai tìm cách khai thác giá trị từ du lịch

08:04, 15/04/2023

Đồng Nai là nơi có diện tích cây ăn trái lớn nhất vùng Đông Nam bộ, với hơn 70 ngàn ha. Nhờ được thiên nhiên ưu đãi nên trái cây của Đồng Nai rất ngon, nổi tiếng trong vùng và cả nước, rất thuận lợi cho phát triển du lịch canh nông. Mô hình du lịch này nếu được khai thác tốt sẽ đem lại giá trị lớn về tinh thần và vật chất.

Đồng Nai là nơi có diện tích cây ăn trái lớn nhất vùng Đông Nam bộ, với hơn 70 ngàn ha. Nhờ được thiên nhiên ưu đãi nên trái cây của Đồng Nai rất ngon, nổi tiếng trong vùng và cả nước, rất thuận lợi cho phát triển du lịch canh nông. Mô hình du lịch này nếu được khai thác tốt sẽ đem lại giá trị lớn về tinh thần và vật chất. Cụ thể, du khách sẽ có những điểm đến vui chơi, giải trí, trải nghiệm trong những ngày nghỉ, được hòa mình vào thiên nhiên thanh bình ở những làng quê Đông Nam bộ. Đồng thời, du khách có thể thưởng thức các trái cây, món ngon đặc sản của Đồng Nai và mua những sản phẩm đặc sắc về làm quà cho bạn bè, người thân.

Thời gian qua, tại một số địa phương như: Xuân Lộc, Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú, Long Khánh, du lịch canh nông đang dần hình thành và tạo ấn tượng với nhiều du khách trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, để khai thác hết giá trị của du lịch canh nông cần có quy hoạch bài bản của từng địa phương, của tỉnh, tháo gỡ những vướng mắc về đất đai, xây dựng, đầu tư. Bên cạnh đó, mỗi địa phương cần có mục tiêu, kế hoạch để hỗ trợ liên kết các mô hình du lịch canh nông với những làng nghề, cơ sở thương mại dịch vụ trong tỉnh để tạo ra điểm, khu giữ chân được du khách trong và ngoài tỉnh. Kết hợp tốt các yếu tố trên, du lịch canh nông có thể đem lại giá trị lớn về tinh thần cho du khách, còn các nhà vườn sẽ tăng nguồn thu gấp 2-5 lần so với sản xuất nông nghiệp thuần túy.

Mô hình du lịch canh nông phát triển tốt sẽ góp phần đưa các làng nghề, thương mại dịch vụ của địa phương “tăng tốc” theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, du lịch canh nông còn là kênh để nông dân, các làng nghề truyền thống trong tỉnh giới thiệu, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đến du khách trong và ngoài nước.

Theo UBND tỉnh, hiện du khách đến Đồng Nai du lịch đa số đi trong ngày và mức chi phí bình quân gần 500 ngàn đồng/người. Tuy nhiên, nếu kết hợp được các dịch vụ để giữ chân du khách ở qua đêm, mức chi tiêu của du khách sẽ tăng gấp 2-3 lần. Việc này sẽ giúp cho doanh thu của ngành du lịch trong tỉnh tăng cao, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.

Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều làng nghề với những sản phẩm nổi tiếng ở khu vực phía Nam như: gỗ mỹ nghệ, gốm, trầm, nấm, bột sắn dây, chuối sấy khô, rượu bưởi… nhưng việc đưa vào các khu điểm du lịch còn ít. Bởi khâu liên kết giữa các nhà vườn, khu, điểm du lịch với những làng nghề còn yếu. Sản phẩm làng nghề làm ra vẫn còn theo xu hướng bán những gì đang có, chứ không phải là nghiên cứu sản xuất ra những mặt hàng đặc sắc đáp ứng nhu cầu của thị trường và du khách. Vì vậy, các làng nghề tại Đồng Nai chưa khai thác được kênh bán hàng đầy tiềm năng này.

Từ nay đến năm 2030, Đồng Nai là nơi thu hút thêm vài triệu người dân trên cả nước đến sinh sống, làm việc trong các khu công nghiệp, khu đô thị. Xu hướng của người dân sống trong các đô thị là muốn cuối tuần, ngày nghỉ lễ tìm đến những nơi có không gian yên tĩnh, không khí trong lành để nghỉ ngơi, thư giãn tái tạo sức lao động. Số lượng người dân có điều kiện đi du lịch xa không nhiều, đa phần vẫn chọn những điểm đến ở gần. Đây là cơ hội cho Đồng Nai để phát triển mô hình du lịch canh nông, du lịch sinh thái sông, hồ, rừng, thác. Đồng Nai có sẵn tiềm năng, cơ hội phát triển các loại hình du lịch trên, vấn đề còn lại nằm ở khâu quy hoạch, giải quyết các hồ sơ, thủ tục, vướng mắc về đất đai, xây dựng để các nhà vườn, doanh nghiệp có thể thuận lợi triển khai các mô hình du lịch.

Hương Giang

Tin xem nhiều