Báo Đồng Nai điện tử
En

"Chữ tình" trong sáng tác của Đỗ Anh Nhạ

07:04, 15/04/2023

Tuổi xuân chuyện lính (tập truyện ký) và Sáng nức hương xuân (tập thơ) là 2 tác phẩm mới nhất của tác giả Đỗ Anh Nhạ (sinh năm 1947, ngụ tại P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) do NXB Hội Nhà văn ấn hành.

Tuổi xuân chuyện lính (tập truyện ký) và Sáng nức hương xuân (tập thơ) là 2 tác phẩm mới nhất của tác giả Đỗ Anh Nhạ (sinh năm 1947, ngụ tại P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) do NXB Hội Nhà văn ấn hành.

Các tác phẩm mới của tác giả Đỗ Anh Nhạ, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai
Các tác phẩm mới của tác giả Đỗ Anh Nhạ, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai

Chọn “lối về” hoài niệm, những câu chuyện, những vần thơ trong sáng tác của Đỗ Anh Nhạ khá hiền lành, chất phác, đọng lại trong lòng người đọc một “chữ tình” dung dị, nồng ấm.

Tình đất, tình người…

Yêu thích văn chương từ nhỏ, tác giả Đỗ Anh Nhạ tích cực sáng tác thơ văn, ra mắt bạn đọc trong và ngoài tỉnh nhiều tác phẩm mới, trong đó chủ yếu là thơ ca. Đặc biệt, sau khi nghỉ hưu, ông dành nhiều thời gian đi thực tế sáng tác, ghi lại cuộc sống của con người và vùng đất Đồng Nai. Ông nói rằng, thơ văn với ông là niềm đam mê. Nhờ thơ văn, ông có thể chia sẻ, trải lòng mình qua những trang viết về quê hương, về kỷ niệm tuổi thơ, về tình yêu, hạnh phúc, hay về đời lính trong và sau chiến tranh…

Ngoài các tập in chung, tác giả Đỗ Anh Nhạ (hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) đã xuất bản 9 tác phẩm in riêng. Trong đó phải kể đến các tập thơ Ân tình đồng đội (NXB Văn học), Tiết xuân thu (NXB Văn học), Khoảnh khắc (NXB Đồng Nai), Tuổi xuân chuyện lính (NXB Hội Nhà văn), Sáng nức hương xuân (NXB Hội Nhà văn)…

“Tôi sáng tác khá nhiều. Phần lớn đó là những dòng xúc cảm về con người, sự vật, sự việc mà tôi chứng kiến. Ở đó, có những câu chuyện đẹp về tình đất, tình người. Tôi không lựa chọn bất cứ đề tài nào, hiện thực xã hội, những mảnh đời, số phận đi vào từng trang văn, bài thơ của tôi một cách tự nhiên” - tác giả Đỗ Anh Nhạ bộc bạch.

Tập Sáng nức hương xuân với 111 bài thơ, mang âm hưởng chung là tiếng lòng người yêu thơ đối với quê hương, xứ sở. Mỗi bài thơ được viết bằng cảm xúc chân thật, tứ thơ sâu thẳm, trữ tình. Một số câu thơ trong tác phẩm không trau chuốt nhưng vẫn đi vào lòng người một cách tự nhiên, mang lại niềm tin về tương lai phía trước. Có lẽ với người làm thơ, cái mộc mạc và sự chân thực của cảm xúc là “nhân tố” quyết định đến việc tạo ra những vần thơ đẹp, tinh khôi.

Với đề tài về người lính, tác giả Đỗ Anh Nhạ viết cả thơ và truyện. Trong tập truyện ký Tuổi xuân chuyện lính, ông đã kể lại những chuyện hàng ngày của người lính để cùng đọc, ôn lại đôi ba kỷ niệm vui buồn, có lúc tươi như hoa nở ban mai, có lúc bi ai sâu thẳm. Những người lính trong chiến tranh trên trang viết của ông không quản dặm trường, từ Bắc vào Nam, kiên cường vượt qua khó khăn, gian khổ, giành lại sự sống và thắng lợi. Mỗi tấc đất, mỗi gốc cây, mỗi góc phố đều thấm đẫm mồ hôi, xương máu của tuổi xuân nhưng những người lính vẫn hồn nhiên, yêu đời.

Mỗi trang văn của tác giả Đỗ Anh Nhạ như một thước phim quay chậm giúp người đọc nhớ về những hồi ức quá khứ, chiêm nghiệm những năm tháng đi qua. Như tác giả Đào Trọng Thử, hội viên Ban Văn học Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai chia sẻ: “Đọc Tuổi xuân chuyện lính, tập truyện chỉ vỏn vẹn 100 trang nhưng đầy ắp hỷ nộ ái ố. Có chiến đấu, có hy sinh, chân thực, tang thương, mất mát… tất cả hiện lên một cách sinh động. Tác phẩm đã giúp tôi nhớ lại những tháng năm hy sinh gian khổ trên chiến trường. Gần 8 năm trời, tôi đã lăn lộn trên chiến trường miền Đông gian lao mà anh dũng”.

Viết để tri ân cuộc đời

Xuất thân là người lính trong kháng chiến chống Mỹ, nhưng tác giả Đỗ Anh Nhạ được biết đến là bác sĩ giỏi trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình. Sau giải phóng, mang trên mình vết thương chiến tranh, ông vừa điều trị vết thương vừa đi học tại Trường đại học Y dược Thái Bình. Ra trường năm 1981, ông về Thanh Hóa công tác.

Năm 1988, ông cùng gia đình chuyển vào Đồng Nai sinh sống, sau đó ông về TP.HCM làm việc tại Trung tâm Chỉnh hình và phục hồi chức năng, cho đến khi nghỉ hưu. Năm 2003, ông vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân.

Chia sẻ về duyên với nghiệp cầm bút, tác giả Đỗ Anh Nhạ cho biết: “Văn chương đối với tôi giống như một mối lương duyên. Trót “phải lòng” nên càng muốn thử sức và khám phá. Thơ ca giúp tôi tìm được chìa khóa mở cánh cửa tâm hồn để thấu hiểu cuộc đời. Đây cũng là một trong những “phương thuốc tinh thần” tôi cho là hữu hiệu để giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống. Bởi vậy, tôi luôn cố gắng để tạo ra cái riêng của mình, mang đến những bài thơ hay, câu chuyện đẹp phục vụ bạn đọc gần xa”.

Ở tuổi 76, tác giả Đỗ Anh Nhạ nói rằng ông vẫn đang tiếp tục sáng tạo, lao động nghệ thuật, tham gia tích cực các hoạt động của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai. Với ông, người viết văn cũng như người thợ tần tảo góp nhặt những bụi vàng trong cuộc sống để tạo nên bông hồng vàng dâng hiến cho đời. Dù làm thơ hay viết truyện, ông đều muốn tri ân cuộc đời, góp thêm tiếng nói để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ly Na

Tin xem nhiều