Báo Đồng Nai điện tử
En

Giảm năm đóng bảo hiểm xã hội: Cần lắng nghe ý kiến người lao động

10:03, 25/03/2023

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 tới. Bộ LĐ-TBXH đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm.

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 tới. Bộ LĐ-TBXH đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm.

Lao động lớn tuổi Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa trong giờ làm việc. Ảnh: T.MY
Lao động lớn tuổi Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa trong giờ làm việc. Ảnh: T.MY

Đề xuất này đang được nhiều người lao động (NLĐ) trực tiếp sản xuất quan tâm. Theo nhiều lao động, giảm năm đóng BHXH là cần thiết song cần tính đến giảm cả tuổi nghỉ hưu bởi với đặc thù công việc, NLĐ sẽ không đủ sức khỏe để làm việc khi ngoài độ tuổi 50.

* NLĐ mong giảm tuổi nghỉ hưu

Năm nay, chị Lê Thị Mây (quê tỉnh Hà Giang) đã có 19 năm làm công nhân tại Đồng Nai. Chị Mây cho biết, khi nghe thông tin về giảm năm đóng BHXH xuống 15 năm, đa số công nhân rất quan tâm. Theo chị Mây, nếu giảm năm nóng BHXH thì NLĐ vẫn phải chờ đợi đến 60 tuổi mới được nhận lương hưu, trong khi lao động trực tiếp sản xuất tại DN khó duy trì công việc khi sức khỏe giảm.

“Lao động trực tiếp ngoài 45 tuổi mắt đã mờ, tay yếu, khó có thể làm việc năng suất. Chưa kể ngồi làm việc liên tục trong nhà máy, sức khỏe giảm sút do tiếp xúc với hóa chất, tiếng ồn và mắc các bệnh nghề nghiệp. Vì vậy, tôi hy vọng Nhà nước cần nghiên cứu, tập hợp ý kiến của NLĐ để có sự điều chỉnh hợp lý giữa thời gian đóng BHXH và thời gian hưởng lương hưu” - chị Mây chia sẻ.

Theo các cán bộ Công đoàn, rút ngắn thời gian đóng BHXH xuống 15 năm nhằm mục đích tạo thuận lợi cho NLĐ, hạn chế tình trạng rút BHXH 1 lần. Tuy nhiên, khi sửa đổi chính sách, cần hài hòa và đảm bảo quyền lợi NLĐ.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Thọ đang làm việc trong DN sản xuất hóa chất tại H.Long Thành cho biết, ông 49 tuổi và đã có 15 năm đóng BHXH. Đặc thù công việc làm theo ca và liên tục đứng máy vận hành sản xuất nên sau giờ tan ca, người lúc nào cũng mệt mỏi. Ông Thọ đang lo lắng, nếu làm việc đến 62 tuổi mới nghỉ hưu thì sức khỏe sẽ không đáp ứng yêu cầu công việc. Trong khi DN ngày càng đổi mới và cần đội ngũ lao động trẻ, năng động, tiếp nhận công việc nhanh. Vì vậy, ông mong giảm tuổi nghỉ hưu để chính sách an sinh đảm bảo bền vững hơn.

Nhiều NLĐ khác lại cho rằng, nếu quy định tuổi nghỉ hưu thì phải có quy định bảo đảm được việc làm cho tất cả NLĐ tham gia đóng BHXH. Vì quy định tuổi lĩnh lương hưu nhưng lại không có pháp lý nào bảo vệ NLĐ trên 45 tuổi không bị mất việc. Bởi khi NLĐ mất việc mà chưa đến tuổi hưởng lương hưu thì việc kiếm tiền để sống là cả một vấn đề. Đó cũng là nguyên nhân khiến NLĐ buộc phải rút BHXH 1 lần khi mà tiền tích lũy không có.

Anh Trần Văn Cử, công nhân sản xuất gỗ tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa) cho hay, hiện nay, nhiều DN gặp khó khăn trong sản xuất và lao động lớn tuổi là lựa chọn đầu tiên để họ sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động. Vì vậy, dù giảm năm đóng BHXH, NLĐ khó duy trì công việc và phải đợi ngoài 60 tuổi để nhận lương hưu.

“Hiện nhiều công nhân đóng BHXH 14 năm đang có ý định nghỉ việc sau khi nghe thông tin giảm năm đóng BHXH. Vì vậy, tôi nghĩ rằng Luật BHXH sửa đổi cần dựa trên ý kiến và thực tế công việc NLĐ hiện nay. Đồng thời, tuyên truyền để NLĐ hiểu lợi ích việc tham gia BHXH và hạn chế tình trạng rút BHXH 1 lần” - anh Cử chia sẻ.

* Hài hòa, đảm bảo quyền lợi NLĐ

Chính sách giảm năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu nhằm tạo điều kiện để NLĐ thuận lợi hơn trong tiếp cận chính sách hưu trí, đảm bảo tính an sinh lâu dài. Giảm năm đóng BHXH là hướng đến lợi ích xã hội nhưng nếu chờ tuổi hưởng lương hưu lại là một quá trình quá dài đối với NLĐ, nhất là lao động trực tiếp tại nhà máy.

Chị Nguyễn Thị Phương Tiên, Quản lý nhân sự Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom) cho hay, những ngày qua, nhiều lao động khi nghe thông tin giảm năm đóng BHXH xuống còn 15 năm đã có ý định nghỉ việc sớm để rút BHXH 1 lần, nhất là những lao động đã có 14 năm đóng BHXH. Đây cũng là tổn thất lớn của nhà máy khi mà hiện nay, mặc dù đơn hàng giảm song DN vẫn nỗ lực giữ chân lao động để đảm bảo sản xuất khi đơn hàng trở lại. Hiện DN và Công đoàn đang tuyên tuyền cho NLĐ biết thông tin trên là chưa chính thức để họ tập trung làm việc.

 Tại hội nghị góp ý về dự thảo sửa đổi Luật BHXH do Liên đoàn lao động TP.HCM tổ chức mới đây, nhiều cán bộ Công đoàn cho rằng, hạ năm đóng BHXH xuống 15 năm, nhiều công nhân làm 14 năm sẽ nghỉ việc để nhận trợ cấp 1 lần do pháp luật không hạn chế rút BHXH 1 lần. Việc này gây xáo trộn lớn trong lực lượng lao động tại DN khi chu kỳ nghỉ sẽ ngắn lại. Để giữ công nhân, các cấp Công đoàn nhiều lần tuyên truyền mặt lợi, hại của việc rút BHXH 1 lần. Tuy nhiên, dù tuyên truyền nhiều, không ít công nhân vẫn nghỉ việc để rút bảo hiểm.

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách - pháp luật, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, rút ngắn thời gian đóng BHXH xuống còn 15 năm tạo thuận lợi cho NLĐ, giúp mở rộng đối tượng hưởng lương hưu cũng như giảm thiểu tình trạng rút BHXH 1 lần. Song, điều quan trọng nhất vẫn cần phải cân đối lại tỷ lệ hưởng lương hưu tương ứng 15 năm đóng, làm sao để có mức sàn nhất định đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho những người về hưu.

Ông Quảng cho rằng, ngoài việc giảm năm đóng BHXH, sẽ cần nhiều chính sách khác đi kèm, hướng tới một hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt. Thời gian tới, tổng liên đoàn sẽ nghiên cứu, lấy ý kiến NLĐ để từ đó góp ý vào đề xuất chính sách BHXH một cách phù hợp. Mục tiêu lớn nhất là đảm bảo chính sách BHXH đa dạng, hiện đại, hội nhập quốc tế và trên hết là đảm bảo quyền lợi và chính sách an sinh của NLĐ.


Chị TRẦN THỊ NGOAN, làm việc tại Công ty CP Công nghiệp Chính xác (VPIC): Giảm năm đóng BHXH cần giảm cả tuổi nghỉ hưu

Là lao động trực tiếp sản xuất tại DN, hàng ngày tiếp xúc với máy móc, sản phẩm cơ khí, tôi đã nỗ lực để đảm bảo thu nhập trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, với đặc thù lao động nữ ngành cơ khí, công việc vất vả hơn so với nhiều ngành khác thì cần giảm thời gian nghỉ hưu để nhiều NLĐ được hưởng lương hưu sớm. Bởi với đặc thù công việc như hiện nay, NLĐ lo lắng không đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc tại nhà máy đến 60 tuổi.

Chị LÊ THỊ THÙY, công nhân sản xuất giày da tại TP.Biên Hòa: Lắng nghe ý kiến NLĐ

Giảm năm đóng BHXH là thông tin khiến nhiều NLĐ quan tâm thời gian qua. Thực tế, những lao động ngoài 40 tuổi mới đi làm, được đóng BHXH thì sẽ ủng hộ. Nhưng đối với những NLĐ trẻ mới bắt đầu công việc, nếu giảm 15 năm đóng, họ phải chờ quá lâu mới có thể được nhận lương hưu. Vì vậy, khi sửa đổi Luật BHXH, cần hài hòa và lắng nghe tiếng nói, ý kiến của NLĐ, nhất là lao động trực tiếp sản xuất để có sự điều chỉnh phù hợp, và làm sao để thu hút NLĐ tham gia vào hệ thống BHXH.


Thảo My

Tin xem nhiều
Tin đăng viec lam vung tau tại Vieclam24h