Báo Đồng Nai điện tử
En

Xử lý chó, mèo thả rông: Cần những giải pháp mạnh

08:02, 25/02/2023

Mặc dù pháp luật quy định rõ về nuôi chó, mèo cũng như quản lý đàn chó, phòng ngừa bệnh dại trên địa bàn khu dân cư, thế nhưng thực tế nhiều nơi không áp dụng các quy định của pháp luật để quản lý chặt chẽ chó nuôi dẫn đến nhiều vụ chó thả rông ngoài đường gây tai nạn cho người tham gia giao thông, cắn gây thương tích nặng…

Mặc dù pháp luật quy định rõ về nuôi chó, mèo cũng như quản lý đàn chó, phòng ngừa bệnh dại trên địa bàn khu dân cư, thế nhưng thực tế nhiều nơi không áp dụng các quy định của pháp luật để quản lý chặt chẽ chó nuôi dẫn đến nhiều vụ chó thả rông ngoài đường gây tai nạn cho người tham gia giao thông, cắn gây thương tích nặng…

Chó thả rông trong khu dân cư ở KP.7 (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa). Ảnh: GIA AN
Chó thả rông trong khu dân cư ở KP.7 (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa). Ảnh: GIA AN

Cần phải thực hiện những biện pháp quản lý mạnh để xử lý chó mèo thả rông là kiến nghị của một số chuyên gia, nhà quản lý, người dân về vấn đề này.

Luật gia VÒNG KHIỀNG, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh): Chấp hành nghiêm các quy định pháp luật

Pháp luật hiện hành quy định rất rõ về trách nhiệm đối với chủ nuôi chó mèo (quy định tại Mục 2, Phụ lục 15, Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31-5-2016 quy định về phòng, chống dịch bệnh cho động vật trên cạn). Tuy nhiên, phương thức nuôi chó, mèo thả rông đang diễn ra tràn lan. Nhiều chủ nuôi chưa có ý thức việc phải đăng ký nuôi chó theo quy định, phải nuôi nhốt, xích chó, đeo rọ mõm, tiêm phòng cho chó, mèo… dẫn đến tình trạng vi phạm quy định là khá phổ biến. Một trong những nguyên nhân, do ý thức chấp hành của người dân chưa cao và cơ quan chức năng chưa mạnh tay trong việc xử lý vi phạm.

Chủ nuôi cần chấp hành nghiêm các quy định pháp luật liên quan đến việc nuôi chó, mèo và cơ quan chức năng cần gia tăng các biện pháp quản lý sẽ góp phần ngăn chặn các sự việc đáng tiếc có thể xảy ra. Bởi tai nạn khi xảy ra ngoài những tổn thất gây ra cho nạn nhân thì mức phạt đối với các chủ nuôi cũng không nhẹ.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017, trường hợp người nuôi chó không tuân thủ quy định dẫn đến chó cắn chết người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người, mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 5 năm tù (theo Điều 128). Trường hợp để chó thả rông nơi công cộng, nơi đông người dẫn đến hậu quả chó cắn người gây thương tích từ 61% trở lên hoặc thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên, thì chủ vật nuôi cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn nơi đông người với mức phạt là phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm (theo Điều 295). Nếu hành vi vô ý gây thương tích cho nạn nhân mà hậu quả thương tích từ 31% trở lên thì người có lỗi vô ý cũng có thể bị xử lý hình sự về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (theo Điều 138).

Bà TRẦN THỊ HUỆ, ngụ xã Hưng Lộc (H.Thống Nhất): Phạt nghiêm để răn đe

Mỗi lần xem tin tức về các vụ chó nuôi tấn công người tôi rất lo lắng. Mới nhất là vụ việc xảy ra vào ngày 18-2, nam sinh viên Hoàng Viên (Khoa Kinh tế - du lịch, Trường cao đẳng Lào Cai) đang chạy bộ tập thể dục ở khu đô thị Dragon (tỉnh Lào Cai) thì bất ngờ bị 2 con chó to lao vào tấn công, cắn xé khiến nạn nhân bị đa chấn thương, có hàng chục vết thương lớn ở khắp cơ thể. Xem clip về vụ việc mà tôi thấy hoảng quá, may mắn tại thời điểm đó người dân đã giải cứu và đưa nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu chứ không thì hậu quả sẽ rất nặng nề. Trước đó, truyền thông trong nước đã đưa rất nhiều vụ chó dữ cắn người khiến tôi không khỏi lo lắng khi tình trạng chó, mèo nuôi được thả rông vẫn còn phổ biến.

Ngoài ra, tình trạng chó thả rông chạy ngoài đường va vào đầu xe, gây tai nạn giao thông cũng rất thường xảy ra. Tuy chưa có con số thống kê cụ thể nhưng theo tôi số vụ tai nạn do tông phải chó không hề nhỏ. Dịp Tết Dương lịch vừa rồi nơi tôi sinh sống đã xảy ra 2 vụ té xe máy, nạn nhân bị chấn thương, trầy xước nhiều chỗ phải nhập viện điều trị nguyên nhân do tông phải chó thả rông bất ngờ băng sang đường. Khi vụ việc xảy ra nạn nhân không biết bắt đền ai vì không xác định được chủ của vật nuôi.

Có trường hợp người đi đường bị chó đuổi cắn, trong khi chủ vật nuôi thì thản nhiên xem như không có việc gì xảy ra. Đây là hành vi rất vô trách nhiệm của chủ nuôi khi coi thường sức khỏe, tính mạng người khác. Để không xảy ra các tai nạn đáng tiếc, theo tôi cơ quan chức năng cần phạt nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về nuôi chó để răn đe cũng như ngăn chặn các tai nạn do vật nuôi này gây ra. 

Ông LƯƠNG HẢI PHONG, Phó phòng Phòng chống bệnh dại, Chi cục Chăn nuôi - thú y tỉnh: Tăng cường công tác tuyên truyền

Để phòng, chống bệnh dại, Luật Thú y năm 2015 đã quy định rất rõ trách nhiệm của chủ vật nuôi (tại Thông tư 07 ngày 31-5-2016 của Bộ NN-PTNT). Tuy nhiên, thực tế, vẫn còn một số hộ nuôi chưa ý thức được rằng, khi nuôi chó thì phải khai báo với chính quyền địa phương cũng như thực hiện các quy định liên quan khác như: xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh; khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt; tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo… Tuy nhiên, việc xử lý các vi phạm nêu trên khó triển khai vì một số nội dung quy định chưa chi tiết.

Vì vậy, theo tôi, chính quyền cơ sở cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, tuyên truyền bằng nhiều hình thức trên báo chí, bản tin công cộng tại nơi đông người, các điểm sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của người dân, xe tuyên truyền lưu động, kết hợp treo băng rôn, phát tờ rơi, truyền thông học đường về phòng, chống bệnh dại để người dân hiểu rõ và chấp hành tốt các quy định về nuôi chó, mèo. Đồng thời, UBND cấp xã thực hiện tốt công tác rà soát, thống kê, cập nhật thông tin về đàn chó nuôi trên địa bàn theo quy định.

Hiện nay, ở một số nơi như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức (TP.HCM) đã thành lập các đội chuyên trách để bắt chó, mèo thả rông, mô hình này đang phát huy hiệu quả. Tại Đồng Nai, để phát huy hiệu quả công tác quản lý chó mèo, các địa phương cần đẩy nhanh việc xây dựng, ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh dại theo kế hoạch của UBND tỉnh và đưa vào hoạt động các đội bắt chó, mèo thả rông.

Kim Liễu (ghi)

Tin xem nhiều