Báo Đồng Nai điện tử
En

TS Nguyễn Đình Long: Tự tin gây dựng ngành Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử

10:02, 10/02/2023

Từ một học sinh trường làng, sau nhiều nỗ lực học tập, nghiên cứu, anh Nguyễn Đình Long (sinh năm 1990) đã lấy được học vị tiến sĩ và đang là Trưởng bộ môn Điện - điện tử (Khoa Kỹ thuật, Trường đại học Đồng Nai).

Từ một học sinh trường làng, sau nhiều nỗ lực học tập, nghiên cứu, anh Nguyễn Đình Long (sinh năm 1990) đã lấy được học vị tiến sĩ và đang là Trưởng bộ môn Điện - điện tử (Khoa Kỹ thuật, Trường đại học Đồng Nai).

TS Nguyễn Đình Long kiểm tra hệ thống máy móc đã được trang bị tại Trường đại học Đồng Nai, chuẩn bị sẵn sàng cho ngành đào tạo mới là Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử. Ảnh: H.Yến
TS Nguyễn Đình Long kiểm tra hệ thống máy móc đã được trang bị tại Trường đại học Đồng Nai, chuẩn bị sẵn sàng cho ngành đào tạo mới là Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử. Ảnh: H.Yến

Trước yêu cầu phát triển của Trường đại học Đồng Nai, TS Long đã cùng với các đồng nghiệp xây dựng khung chương trình đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử và đã được Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh khóa đầu tiên.

* Trưởng thành từ “chương trình 2”

TS Long là cựu học sinh Trường THPT Điểu Cải (H.Định Quán), từng tham gia thi học sinh giỏi môn Vật lý cấp tỉnh. “Tôi theo học chuyên khối A và sở trường là môn Vật lý. Vì vậy, ngay từ khi học THPT, tôi đã xác định sẽ thi vào Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM). Ban đầu, tôi định hướng sẽ theo học ngành Công nghệ thông tin nhưng sau đó đã quyết định học ngành Điện - điện tử vì phù hợp với sở trường của mình” - anh Long kể.

Tốt nghiệp đại học, anh học tiếp chương trình thạc sĩ tại Trường đại học Bách khoa với chuyên ngành Kỹ thuật viễn thông. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, anh Long được biết đến Chương trình 2 - chương trình đào tạo sau đại học, thuộc chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh nên đã nộp hồ sơ, được cấp học bổng nghiên cứu sinh và du học tại Vương quốc Anh. Anh Long tiếp tục theo đuổi chuyên ngành Điện tử viễn thông và hoàn thành chương trình đào tạo, nhận bằng tiến sĩ vào năm 2018.

“Do được du học theo diện học bổng của Nhà nước nên tôi có nhiều thuận lợi trong quá trình làm các hồ sơ, thủ tục hành chính ở bên Anh. Nhờ được tỉnh cấp học bổng nên tôi có thể yên tâm để học tập, nghiên cứu và tốt nghiệp đúng theo tiến độ đề ra” - TS NGUYỄN ĐÌNH LONG cho hay.

Sau khi tốt nghiệp, anh Long được phân công về công tác tại Khoa Kỹ thuật Trường đại học Đồng Nai và bắt đầu tham gia giảng dạy, đồng thời tiếp tục công việc nghiên cứu.

Năm 2022, TS Long đã hợp tác với các nhà nghiên cứu gồm GS Dương Quang Trung (Đại học Queen’s Belfast, Vương quốc Anh, Giám đốc nghiên cứu của Viện hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh, Viện sĩ của Viện Kỹ sư điện và điện tử thế giới (Fellow of IEEE) và Hiệp hội Trí tuệ nhân tạo châu Á - Thái Bình Dương); ThS Bùi Thanh Tính (Trường đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM); GS Phạm Đại Khánh (Trưởng nhóm Nghiên cứu không quân (AFRL), thuộc Không quân Hoa Kỳ (USSF)) để thực hiện công trình nghiên cứu về Mạng tích hợp vệ tinh và mạng mặt đất 6G.

Công trình này đã được vinh danh là công trình khoa học xuất sắc nhất (Best Paper Awards) tại Hội nghị quốc tế IEEE Viễn thông toàn cầu (IEEE GLOBECOM) năm 2022. Đây là giải thưởng danh giá bởi Hội nghị IEEE GLOBECOM là hội nghị lâu đời nhất và lớn nhất của ngành Viễn thông thế giới. Mỗi năm luôn có khoảng 3 ngàn công trình nghiên cứu đăng ký tham gia. Chỉ có khoảng 35% công trình trong số này được chấp nhận công bố và trình bày tại hội nghị. Năm 2022, trong tổng số trên 1,1 ngàn bài báo được chấp nhận công bố trong kỷ yếu của hội nghị, chỉ có 16 bài được chọn làm Best Paper Awards.

* Gây dựng ngành Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử

Hiện nay, bên cạnh các nghiên cứu cá nhân, TS Long còn kết hợp với các đồng nghiệp trong trường và các nhà nghiên cứu trong nước cũng như thế giới để thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học. Một số hợp tác nghiên cứu đáng chú ý như: Hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Trường đại học Nông lâm TP.HCM, hợp tác cùng với nhóm nhiên cứu của PGS.TSKH Ngô Đăng Lưu (Công ty Minh Anh Global) để nghiên cứu về mảng năng lượng tái tạo…

Về hướng nghiên cứu của cá nhân, TS Long cho biết, anh theo đuổi hướng nghiên cứu tối ưu hóa (sử dụng các nền tảng toán giúp tối ưu hóa quy trình, hệ thống, tài nguyên nhằm cải thiện năng suất, hiệu suất, hiệu quả của hệ thống, quy trình...).

Với định hướng phát triển trường đại học đa ngành, từ cuối năm 2021, lãnh đạo Trường đại học Đồng Nai bắt đầu xúc tiến việc mở 2 mã ngành đào tạo mới gồm: Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử và Cơ khí. Là tiến sĩ chuyên ngành Điện - điện tử, được đào tạo bài bản, có chuyên môn sâu và năng lực nghiên cứu, giảng dạy tốt, TS Nguyễn Đình Long được lãnh đạo nhà trường tin tưởng “chọn mặt gửi vàng” để cùng với đội ngũ giảng viên Khoa Kỹ thuật xây dựng khung chương trình đào tạo ngành Điện - điện tử. Đầu năm 2022, TS Long được tin tưởng giao nhiệm vụ làm Trưởng bộ môn Điện - điện tử.

Với vai trò này, TS Long tham gia vào hầu hết các khâu để xây dựng, xin phép mở mã ngành đào tạo. Kết quả, cuối năm 2022, Bộ GD-ĐT đã cho phép Trường đại học Đồng Nai đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử trình độ đại học. Đây sẽ là năm đầu tiên Trường đại học Đồng Nai tuyển sinh và đào tạo ngành học này.

Tuy là ngành học non trẻ nhất của trường nhưng TS Long rất tự tin vào cơ hội cạnh tranh tuyển sinh của ngành học này. Anh cho hay: “Sinh viên học ngành này có cơ hội việc làm rất lớn bởi nhu cầu tuyển dụng nhân lực kỹ thuật thường chiếm 35% trong tổng số các ngành nghề (khoảng 80 ngàn người/năm). Đồng Nai có nhiều khu công nghiệp, sắp tới lại có cảng hàng không quốc tế Long Thành nên cơ hội việc làm càng cao. Đội ngũ giảng viên của ngành học đảm bảo đáp ứng yêu cầu giảng dạy, trường có đầy đủ trang thiết bị thực hành. Chúng tôi liên tục làm việc với doanh nghiệp để giới thiệu về ngành đào tạo này nhằm tìm kiếm đầu ra cho sinh viên. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tham khảo ý kiến doanh nghiệp để điều chỉnh chương trình đào tạo sao cho sát với thực tế nhất”.

Hải Yến

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích