Báo Đồng Nai điện tử
En

Ứng phó linh hoạt, doanh nghiệp bớt rủi ro

07:02, 04/02/2023

Năm 2023, doanh nghiệp (DN) sẽ tiếp tục gặp khó khăn về vốn, đơn hàng, lao động, ứng phó linh hoạt giúp DN giảm bớt rủi ro. Đó là chia sẻ của TS CẤN VĂN LỰC, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia với Báo Đồng Nai cuối tuần.

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực

Năm 2023, doanh nghiệp (DN) sẽ tiếp tục gặp khó khăn về vốn, đơn hàng, lao động, ứng phó linh hoạt giúp DN giảm bớt rủi ro. Đó là chia sẻ của TS CẤN VĂN LỰC, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia với Báo Đồng Nai cuối tuần.

Theo dự báo, kinh tế toàn cầu năm 2023 sẽ tăng trưởng khoảng 2%, giảm đáng kể so với năm 2022. Tuy nhiên, châu Á sẽ có mức tăng trưởng cao hơn so với những khu vực khác, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế toàn cầu. Việt Nam là một trong số ít nước vẫn giữ GDP tăng trưởng cao trong tình hình bất ổn chung của thế giới. Kết quả trên là do Chính phủ có những chính sách điều hành kịp thời và các DN đã nỗ lực tận dụng các cơ hội từ trong thách thức để vượt qua.

Đỉnh lạm phát đã qua

 Thưa ông, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đỉnh điểm của lạm phát toàn cầu đã qua, nhưng năm 2023, nền kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi suy giảm. Bên cạnh đó, Trung Quốc mở cửa trở lại kinh tế của Việt Nam khó giữ mức tăng trưởng cao như năm 2022. Về vấn đề trên, ông có đánh giá như thế nào?

- Trong năm 2023, Quốc hội đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khoảng 6%, nhưng Chính phủ yêu cầu cao hơn là GDP tăng 6,5%. Như vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2023 sẽ thấp hơn năm trước. Trong 3 năm qua, dịch bệnh Covid-19, cuộc chiến Nga - Ukraine đã khiến cho nền kinh tế Việt Nam phải trải qua những biến động lớn do tác động bất lợi từ bên ngoài. Tuy nhiên, Chính phủ đã kịp thời đưa ra các chính sách để nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, giảm phụ thuộc, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Dự tính, khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau một thời gian thực thi chính sách “Zero Covid” sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và lạm phát có thể tăng lên. Trong bối cảnh phức tạp, nhiều rủi ro thì khả năng thích ứng là yếu tố quan trọng để bảo vệ nền kinh tế - tài chính, DN và thị trường trong nước. Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách phù hợp để nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế gắn với hội nhập sâu rộng, ứng dụng công nghệ 4.0 tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cộng đồng DN đóng vai trò quan trọng trong việc giữ ổn định và phát triển kinh tế bền vững.

Năm 2023, DN tiếp tục đứng trước nhiều khó khăn khi lạm phát gia tăng, áp lực lãi suất, biến động tỷ giá. Dự báo lãi suất cao sẽ còn kéo dài trong quý I hoặc đến cuối quý II-2023. Để kiềm chế lạm phát Ngân hàng Nhà nước sẽ thận trọng hơn trong chính sách về tín dụng. Do đó, DN cần thích ứng, linh hoạt trong quản lý, sản xuất để duy trì sản xuất kinh doanh hướng đến tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn.

 Ông có thể cho biết rõ hơn về thách thức của DN Việt Nam trong năm 2023?

- Trong năm 2023, nhất là nửa đầu năm, DN sẽ chịu tác động nặng nề từ suy thoái của kinh tế toàn cầu. Người tiêu dùng tiếp tục hạn chế chi tiêu dẫn đến sức mua của nhiều mặt hàng sẽ giảm, các nhãn hàng sẽ cắt giảm đơn hàng. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của DN Việt Nam cũng như các nước. DN khó khăn hơn trong tìm thị trường tiêu thụ hàng hóa; có thể đến quý III-2023, mới phục hồi và tăng trưởng trở lại. Các DN cần nguồn vốn lớn để duy trì hoạt động, tái cơ cấu đợi qua giai đoạn suy thoái sẽ khôi phục và tăng tốc. Đầu tháng 12-2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có chính sách nới “room” thêm 1,5-2% cho toàn hệ thống tín dụng và ưu tiên vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa. Như vậy sẽ có gần 200 ngàn tỷ đồng tiếp sức cho DN để phục hồi, duy trì sản xuất kinh doanh.

Hiện nay, nhiều nước trong khối ASEAN đang đầu tư lớn cho công nghệ, họ đã đuổi kịp và vượt Việt Nam về năng suất của lao động. Đồng thời, Việt Nam dần mất đi lợi thế về lao động giá rẻ nên các DN phải có giải pháp để không bị chậm lại trong cuộc đua tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và giữ thị phần tại các thị trường lớn.

 Vậy đâu là cơ hội cho DN Việt Nam tận dụng và khai thác?

- Dù xảy ra dịch bệnh Covid-19, song Việt Nam vẫn là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực ASEAN và có quy mô, độ mở nền kinh tế ở mức khá tốt. Cuối năm 2022, Việt Nam có chỉ số phục hồi sau dịch bệnh Covid-19 đứng thứ 4 thế giới, tăng 86 bậc so với tháng 1-2022. Điều này chứng tỏ, Chính phủ đã có những nỗ lực, giải pháp kịp thời, hiệu quả trong phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế. Đây chính là lợi thế cho DN yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, tận dụng cơ hội từ hiệp định thương mại tự do đã ký kết, mở rộng thị trường xuất khẩu. Dịch bệnh Covid-19 khống chế tốt, chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng khá giúp cho đối tác nước ngoài tin tưởng hơn khi dịch chuyển, tăng các đơn hàng với DN Việt Nam. Tuy nhiên, DN cần chủ động, linh hoạt trong xúc tiến thương mại, nắm bắt nhanh nhu cầu của thị trường thế giới để có điều chỉnh sản xuất, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, tăng thêm thị phần ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.

Để vượt qua khó khăn, DN nên khai thác tối đa nội lực, kết nối với DN nước ngoài, tận dụng mọi cơ hội tham gia sâu, rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu để khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam với quốc tế

Sản xuất xanh để giữ thế chủ động

 Trong các cuộc trao đổi, ông hay nhắc nhở DN phải nhanh chân tham gia vào sản xuất xanh để giữ thế chủ động. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

- Hiện nay, các nước có công nghiệp phát triển đều hướng đến sản xuất xanh để góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế diễn biến tiêu cực của biến đổi khí hậu. Hầu hết, các nhãn hàng quốc tế của từng ngành hàng đều có cam kết theo lộ trình cắt giảm khí thải, sử dụng nguyên liệu tái chế, năng lượng tái tạo… hình thành sản phẩm thân thiện với môi trường. Vì thế, những nhà máy có công nghệ tiên tiến, sản xuất xanh sẽ được khuyến khích, ưu ái về đơn hàng hơn. Thực tế cho thấy, cùng ngành hàng nhưng cũng có nhà máy đơn hàng giảm 40-50% hoặc không có đơn hàng phải tạm dừng sản xuất, song cũng có nhà máy vẫn có đơn hàng ổn định. Do đó, xanh hóa sản xuất là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu của DN trong cuộc chạy đua tìm kiếm đơn hàng.

DN đi trước trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất xanh sẽ giữ được thế chủ động và có nhiều cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

 Theo ông, những giải pháp nào giúp DN trụ vững và vượt qua khó khăn của năm 2023?

- Theo tôi có 5 giải pháp chính giúp DN có thể nâng cao được khả năng chịu đựng, nắm bắt thời cơ để phục hồi là cơ cấu lại mô hình sản xuất kinh doanh cho phù hợp với yêu cầu phát triển của thị trường sau dịch bệnh Covid-19. Chính phủ thường xuyên ban hành những chính sách mới để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nên các DN hãy chủ động tìm hiểu, chuẩn bị hồ sơ để tiếp cận được. Kinh tế thế giới sẽ còn những biến động khó lường, DN phải tìm cách thích ứng, linh hoạt. Chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng giảm áp lực thiếu nguồn nhân lực là giải pháp giúp nhiều DN phát triển bền vững trong và sau đại dịch Covid-19 và tiến đến sản xuất xanh, tăng trưởng xanh.

 Nhiều DN đang lo lắng là trong năm 2023 khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các hệ thống tín dụng, lãi suất sẽ tăng ảnh hưởng trực tiếp đến phục hồi sản xuất. Là chuyên gia, thành viên trong Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, ông có đánh giá như thế nào?

- Tôi nghĩ trong năm 2023, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, kinh tế của Việt Nam khó thoát khỏi guồng quay trên nên sẽ có những thuận lợi và thách thức đan xen. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Dòng vốn của hệ thống tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như: sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, nông nghiệp để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Dự kiến lãi suất vốn vay có thể tăng nhẹ ở quý I-2023, sau đó kinh tế ổn định, lãi suất sẽ chững lại và giảm nhẹ.  

  Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

Tin xem nhiều