Nửa cuối thế kỷ XIX, vùng đất Biên Hòa trở thành nhượng địa do thực dân Pháp quản lý sau hòa ước Nhâm Tuất 1862. Phong trào đấu tranh chống Pháp của nhân dân Nam bộ thu hút người dân tham gia đông đảo, tiêu biểu là khởi nghĩa của Trương Định. Khi thực dân Pháp bình định phong trào yêu nước ở Nam bộ, người dân yêu nước tham gia các hội hoạt động bí mật.
Nửa cuối thế kỷ XIX, vùng đất Biên Hòa trở thành nhượng địa do thực dân Pháp quản lý sau hòa ước Nhâm Tuất 1862. Phong trào đấu tranh chống Pháp của nhân dân Nam bộ thu hút người dân tham gia đông đảo, tiêu biểu là khởi nghĩa của Trương Định. Khi thực dân Pháp bình định phong trào yêu nước ở Nam bộ, người dân yêu nước tham gia các hội hoạt động bí mật.
Đình Tam Hiệp – nơi thờ danh nhân Đoàn Văn Cự |
Các tổ chức hội kín tuyên truyền yêu nước, chống sưu cao, thuế nặng, chống sự bóc lột của bọn chủ điền tham lam, tập hợp lực lượng chống Pháp.
* Hoạt động của các hội kín yêu nước
Ở Đồng Nai có một số hội kín yêu nước hoạt động, để lại những dấn ấn quan trọng.
Hội kín ở Long Thành do nhà sư Huyền Vi (Trần Văn Tấn), trụ trì chùa Giác Lâm tổ chức, tiêu diệt Tri phủ Long Thành là Trần Bá Hựu vào năm 1885. Chính quyền thực dân Pháp bắt những thành viên của hội kín, xét xử tại tòa đại hình Bình Hòa (Gia Định). Nhà sư Huyền Vi bị kết án tử hình và một số thành viên bị tuyên án khổ sai, chung thân.
Hội kín của cụ Đoàn Văn Cự hoạt động với mạng lưới khá rộng từ Thủ Đức đến Biên Hòa, căn cứ tại Bưng Kiệu, Suối Linh (khu vực P.Long Bình, TP.Biên Hòa hiện nay) tổ chức chiêu mộ những người yêu nước, sắm sửa vũ khí, tập luyện võ nghệ chờ thời cơ đánh Pháp.
Các hội kín của tỉnh Biên Hòa dù bị đàn áp nhưng đã cổ vũ cho tinh thần yêu nước của người dân địa phương. Trong cuộc sống cơ cực và bị áp bức, quần chúng sẵn sàng vùng dậy khi có cơ hội. |
Năm 1905, thủ lĩnh Đoàn Văn Cự làm lễ tế và chuẩn bị cho nghĩa quân tấn công quân Pháp. Chính quyền thực dân Pháp bao vây căn cứ, đàn áp. Đoàn Văn Cự và các nghĩa quân bị lính Pháp sát hại.
Hội kín với tên gọi Lâm Trung trại được hình thành ở Gò Mọi (nay thuộc vùng Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu) do những người có chí khí, giỏi võ tập hợp lại, chiêu tập nghĩa quân, tích trữ lương thực để kháng Pháp. Đầu năm 1916, nghĩa quân tổ chức tấn công các cơ sở của Pháp (trụ sở hội tề, thành Săng Đá, khám đường). Sau cuộc nổi dậy của hội kín, chính quyền thực dân truy lùng, dùng thủ đoạn bắt người thân của các thành viên uy hiếp. Vì đại nghĩa và chữ hiếu, một số thành viên chấp nhận sự bắt bớ để người thân được giải thoát.
Theo bản án của tòa án binh ngày 27-4-1916, 66 thành viên của hội kín Biên Hòa được xét xử và bị kết án: xử tử 9 người, xử tử vắng mặt 8 người, khổ sai chung thân 11 người, 20 năm khổ sai 2 người, 10 năm tù 1 người.
Mặc dù bị đàn áp nặng nề của chính quyền thực dân nhưng tinh thần yêu nước, bất khuất của các thành viên hội kín luôn được cổ vũ. Sau này, khi tổ chức hội kín yêu nước, kháng Pháp do Phan Phát Long chủ trương được phát động mạnh mẽ ở Sài Gòn, người dân Biên Hòa ủng hộ, tham gia.
Tổ chức hội kín vùng Nhơn Trạch, Long Thành chia thành nhiều cụm hoạt động. Để tránh sự theo dõi của chính quyền thực dân, những thành viên hội kín tập trung công khai vào ngày các miễu tổ chức cúng với sự tham gia của nhiều người, qua đó nắm bắt tình hình. Việc liên lạc, xác định những thành viên trong tổ chức hoặc ngầm báo cho biết tình hình qua các ám hiệu cụ thể.
Nơi an táng thủ lĩnh hội kín Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa quân (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) |
Nhận diện thành viên trong hội, khi gặp nhau một người làm bộ bâng quơ, chỉ tay lên trời nói: “Mây vẫn nặng nề”. Nếu là thành viên của hội sẽ hiểu, chỉ tay xuống đất, trả lời: “Cơn giông sắp nổ”. Hoặc khi cần liên lạc, gặp nhau để truyền tải chủ trương thì hội viên mang theo cây dù với những ám hiệu để biết: “Dù mang bên tả, đảng viên, đi việc cơ mật nói riêng chủ nhà. Dù mang cái móc trở ra, bàn sơ chút việc ghé qua đi liền. Dù mang cái móc trở vô, phải lo cơm nước với đồ nghỉ ngơi”.
Trụ sở lúc đầu đặt tại hốc Cây Da thuộc xã Phú Hội (H.Nhơn Trạch). Sau thấy họp ở đây không được tiện, dễ bị lộ nên tổ chức quyết định xây dựng một miễu ở gò cao giáp ranh xã Long Tân và Phú Hội, dưới hình thức là miễu Bà (Ngũ Hành), người dân quen gọi là miễu Giang Lò.
Trung tuần tháng 2-1916, tổ chức hội kín ở Biên Hòa cùng với các tỉnh, thành lân cận đã kéo về Sài Gòn bí mật bố trí, tiếp cận các mục tiêu, trong đó có khám đường Sài Gòn. Tại Biên Hòa, tổ chức hội kín tấn công vào công sở Pháp, khám đường tỉnh. Chính quyền thực dân Pháp truy lùng, khủng bố mạnh mẽ các tổ chức hội kín yêu nước. Những thành viên của hội kín tại Long Thành bị Pháp bắt và một số khác phải “mai danh ẩn tích” tránh sự truy lùng.
* Người dân ghi nhớ, tôn thờ
Trong dân gian, có nơi vẫn gọi các hội kín yêu nước này là tổ chức Thiên địa hội do thấy có những nét giống với tổ chức Thiên địa hội ở miền Nam Trung Quốc. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, các hội kín ở Nam Kỳ từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX không mang tên gọi thống nhất mà có khá nhiều tên gọi khác nhau. Tổ chức hội cũng không có một hệ thống trên dưới nhất định, mà thường hoạt động riêng rẽ, có liên lạc ngang với nhau cho đến khi nào nổi lên một người hay một số người uy tín tổ chức ra một hệ thống dọc nhằm sử dụng các hội lẻ tẻ này như một lực lượng yêu nước mạnh mẽ. Đặc điểm này phản ánh những hội kín yêu nước ở Biên Hòa.
Ngôi miếu trên đồi Giang Lò (xã Phú Hội, H.Nhơn Trạch) thờ 22 vị hội kín ở Nhơn Trạch, Long Thành |
Tổ chức hội kín ở Nam bộ nói chung, Biên Hòa nói riêng không hề có đẳng cấp mang tính chất phong kiến, tôn giáo. Những thành viên tham gia hội kín thể hiện lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh và xem việc chống Pháp xâm lược là việc đại nghĩa với đất nước nên sẵn sàng chấp nhận hy sinh.
Những thủ lĩnh, nghĩa quân của các hội kín sau khi bị đàn áp được người dân ghi nhớ công lao, tôn thờ. Tại Suối Linh (P.Long Bình), người dân đã chôn cất cụ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh trong nấm mộ chung. Hiện nay, đình Tam Hiệp (Biên Hòa) thờ cụ Đoàn Văn Cự và các nghĩa binh, tổ chức lễ giỗ vào ngày 8-4 (âm lịch).
Khi các thành viên chủ chốt của hội kín Lâm Trung trại bị Pháp hành hình tại Dốc Sỏi, người dân chôn cất các thành viên, lập miếu thờ. Sau này, chùa Bửu Hưng (P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) được xây dựng thay cho ngôi miếu (dân gian gọi chùa Cô Hồn), có bài vị thờ những thủ lĩnh của hội kín này.
Hiện nay, tại miễu Bà (đồi Giang Lò) xã Phú Hội, có bàn thờ 22 vị thành viên của hội kín Long Thành hy sinh trong đấu tranh yêu nước đầu thế kỷ XX. Lễ giỗ các thủ lĩnh hội kín Long Thành tổ chức hàng năm vào ngày 15-2 (âm lịch).
Trong trang sử đấu tranh của nhân dân Biên Hòa từ nửa cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX là một giai đoạn bi hùng. Nhiều hội kín yêu nước ở Biên Hòa bị thực dân Pháp đàn áp dã man. Nhưng vượt lên trên đau thương ấy là tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh được duy trì, gieo mầm trong lịch sử chống ngoại xâm của người dân địa phương. Truyền thống tốt đẹp về nhân nghĩa được phát huy qua sự ghi nhận công lao của các bậc tiền nhân có công với làng xã, đất nước, thể hiện qua tín ngưỡng dân gian, gắn kết cộng đồng.
Phan Đình Dũng