Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ bên cạnh mang lại những yếu tố tích cực về thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân cũng đã có những tác động đến cảnh quan, kiến trúc các vùng nông thôn.
Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ bên cạnh mang lại những yếu tố tích cực về thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân cũng đã có những tác động đến cảnh quan, kiến trúc các vùng nông thôn.
Kiến trúc nông thôn đang chịu tác động ngày càng lớn quá quá trình đô thị hóa (một góc ấp Tân Triều, xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu). Ảnh: P.Tùng |
Những hình ảnh, bản sắc truyền thống của các vùng nông thôn vì vậy có nguy cơ ngày càng cao bị đánh mất.
* Xu hướng bê tông hóa
Những năm qua, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ đã tạo ra những chuyển biến tích cực đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Các khu, cụm công nghiệp hình thành ngày càng nhiều đã tạo ra những cấu trúc không gian mới gắn liền với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa.
Minh chứng rõ nhất cho quá trình này là việc chuyển đổi nhanh chóng và đồng loạt mục đích sử dụng đất đai từ đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, dịch vụ, công cộng, đất ở và đất hạ tầng kỹ thuật. Nhiều khu đô thị mới được xây dựng trên đất sản xuất nông nghiệp.
Theo Kế hoạch số 11400/KH-UBND (ngày 20-9-2021) của UBND tỉnh về triển khai Quyết định số 1246/QĐ-TTG ngày 19-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh. |
Quá trình tăng dân số cơ học đi kèm với quá trình đô thị hóa cũng khiến nhu cầu về nhà ở ngày càng tăng. Kéo theo đó, diện tích đất nông nghiệp, đất cây xanh… dần nhường chỗ cho nhà ở.
Tại các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh, tình trạng phân lô nhà ở với diện tích nhỏ dẫn tới không đáp ứng tiêu chuẩn đất ở. Quỹ đất dành cho cây xanh, mặt nước ao hồ vì vậy cũng dần bị thu hẹp đi cùng với quá trình bê tông hóa ngày càng tăng.
Trong khi đó, hoạt động xây dựng nhà ở, cải tạo công trình kiến trúc tại các vùng nông thôn hiện chưa có những định hướng rõ rệt. Người dân tự do chuyển đổi tổ chức không gian, kiến trúc theo nhu cầu thực tế mà thiếu vai trò định hướng của các cơ quan chuyên môn.
Kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh cho rằng, nhiều vùng nông thôn hiện nay đang xây dựng nông thôn mới với cơ sở vật chất về hạ tầng xã hội và đời sống văn hóa được nâng cao giúp người dân nông thôn gần với đô thị hơn, giảm đi sự cách biệt về nhiều mặt. Tuy nhiên, hiện nay trong nước nói chung và từng địa phương nói riêng chưa xây dựng được quy chế cho việc xây dựng kiến trúc có bản sắc.
“Kiến trúc nông thôn mới chỉ thực hiện được những hạn chế về vệ sinh môi trường hoặc cảnh quan hạ tầng nhưng mang tính tự phát, chưa thống nhất vì chưa theo quy tắc nào cụ thể” - kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương chia sẻ.
* Tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống
Trước những tồn tại từ thực tế, việc đánh giá đúng thực trạng, dự báo trước sự phát triển để đưa ra những giải pháp quy hoạch và định hướng cho tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan thích ứng với những điều kiện mới đối với khu vực nông thôn là hết sức cần thiết.
Ngày 7-2-2023, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống.
Chương trình nông thôn mới hướng đến mục tiêu xây dựng các điểm dân cư nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp. Trong ảnh: Một góc khu dân cư tại xã Xuân Thiện (H.Thống Nhất) |
Chỉ thị nêu rõ, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy thay đổi nông thôn trên nhiều mặt, trong đó có lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc nông thôn. Với nhiều giải pháp thiết thực được triển khai đã tạo được sự chuyển biến rõ nét và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác lập, quản lý quy hoạch kiến trúc nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn.
Tuy nhiên, tại các địa phương việc triển khai quy hoạch còn hạn chế, đặc biệt việc bảo vệ phát huy không gian kiến trúc truyền thống, bảo vệ di tích văn hóa lịch sử. Hơn nữa, quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh, ảnh hưởng không nhỏ đến các vùng ven đô, vùng nông thôn, dẫn đến sự thay đổi về mặt xã hội, văn hóa, lối sống ở nông thôn nhanh chóng tác động đến các vấn đề xây dựng.
Nhiều khu cận các đô thị phát triển một cách tự phát. Khu vực nông thôn, kiến trúc ngày càng mất bản sắc truyền thống, pha tạp, không phù hợp với cảnh quan tự nhiên, cấu trúc làng, xã.
Các hoạt động sang nhượng, cắt chia thửa đất ở cùng với “bê tông hóa” trong xây dựng nhà ở mới xen lẫn trong làng xã truyền thống làm thay đổi cấu trúc, phá vỡ không gian kiến trúc trong làng xã các dân tộc truyền thống.
Chính vì vậy, Chỉ thị số 04 yêu cầu các bộ, ngành, nhất là Bộ Xây dựng phải nghiên cứu các mẫu thiết kế các công trình dịch vụ tiện ích cộng đồng, các mô hình nhà ở kết hợp sản xuất phù hợp với điều kiện của từng vùng, miền, các mô hình nhà ở có thể khai thác tốt nguyên liệu địa phương, bền vững, hướng tới tiêu chuẩn sống của đô thị, nhưng kế thừa các nét truyền thống.
Việc gìn giữ truyền thống là cần thiết, tuy nhiên, với sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội cũng như quá trình đô thị hóa như hiện nay, cần phải tính đến việc đáp ứng được những thay đổi của cuộc sống, để tạo ra bản sắc cho nông thôn thời hiện đại.
Theo kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương, điều cấp thiết nhất hiện nay là phải xây dựng quy chế quản lý kiến trúc nông thôn với những tiêu chí căn bản để tạo ra sự khác biệt của vùng nông thôn Đồng Nai với các nơi khác. Điều này trước tiên cần những chuyên gia về kiến trúc, quy hoạch và văn hóa đề xuất trên cơ sở kinh nghiệm đã có được và định hướng cho quá trình hội nhập.
“Nếu tương lai gần, bộ quy tắc về quy chế quản lý được hình thành thì kiến trúc nông thôn mới sẽ có nét khác biệt và đẹp hơn” - kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương cho hay.
Phạm Tùng