Tết này, công viên Biên Hùng được tôn tạo, không gian rộng mở, nhờ vậy di tích mộ danh nhân Trịnh Hoài Đức được mở ngõ, nhiều người biết đến. Có người vào viếng mộ, hỏi các câu chữ Hán ở mộ Trịnh Hoài Đức nói gì, ý nghĩa ra sao?
Tết này, công viên Biên Hùng được tôn tạo, không gian rộng mở, nhờ vậy di tích mộ danh nhân Trịnh Hoài Đức được mở ngõ, nhiều người biết đến. Có người vào viếng mộ, hỏi các câu chữ Hán ở mộ Trịnh Hoài Đức nói gì, ý nghĩa ra sao?
Cặp đối 7 chữ "Sơn thủy hữu tình thành quyến thuộc - Càn khôn vô cực thị gia hương" (bên trái) và Cặp đối 5 chữ "Các nhân chính tẩu mã - Cử thế kiên hành chu" (bên phải) |
Trịnh Hoài Đức (1765-1825) là danh nhân văn hóa xứ Đồng Nai, làm quan to ở triều đình Nguyễn, được người đời sau tôn kính không phải bởi chức quan, mà bởi các tác phẩm văn hóa của ông để lại, nhất là bộ sách Gia Định thành thông chí. Ông mất, triều đình tế lễ, người thân lập mộ, chắc là danh nhân tâm giao uyên thâm ban chữ ghi ở mộ.
Năm 1998, trong dịp kỷ niệm Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm, khu mộ Trịnh Hoài Đức được trùng tu. Việc trùng tu giao cho Bảo tàng Đồng Nai mời chuyên gia mộ cổ Đỗ Đình Truật thực hiện. Gần ngày nghiệm thu, Ban chỉ đạo lễ kỷ niệm 300 năm của tỉnh kiểm tra kết quả, thấy khu mộ cổ được phục hiện đẹp, trang trọng, rất hài lòng. Nhưng xem xét kỹ, các cặp đối chữ Hán trước mộ còn mờ mịt, chưa rõ. Trưởng ban Chỉ đạo lễ hội giao ông Huỳnh Văn Tới (lúc đó là Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao) giải mã các cặp đối này, thời hạn không quá 15 ngày nữa, cho kịp ngày lễ chính thức.
Ông Huỳnh Văn Tới lo lắng, trằn trọc tìm cách; chợt nhớ có nhà nghiên cứu Lý Việt Dũng là người có thể. Lý Việt Dũng là nhà nghiên cứu văn hóa kỹ tính, ẩn cư ở làng An Hòa, có chút dị ứng với quan cách nên tiếp cận ông không dễ. Huỳnh Văn Tới nhiều lần tìm đến nhà, ông tiếp đón hững hờ. Lần thứ tư, thấy ông vận công viết thư pháp, chữ “Phật tâm 佛 心”, khen một câu: “Đẹp và hay quá!”. Ông vung bút hỏi:“Có biết gì không mà nói”? Huỳnh Văn Tới giãi bày: “Chữ rất khỏe, đẹp, chữ TÂM nhỏ hơn chữ PHẬT thâm ý là: Cốt lõi tâm Phật ít thấy hơn là tượng Phật”. Thấy trúng ý, Lý Việt Dũng gác bút, chịu ngồi nói chuyện.
Câu chuyện cuốn hút, quên mặt trời lặn. Nhà nghiên cứu Lý Việt Dũng nhận lời, nhưng phải chờ. Chờ đợi rất nóng ruột, đã qua 10 ngày, nhấp nhỏm, không dám nhắc. Đến ngày thứ 11, Lý Việt Dũng gọi điện, đề nghị đưa ra hiện trường lần nữa. Ông soi xét cẩn thận, rồi mới rút trong túi áo một tờ giấy ghi chép cả chữ Hán và chữ Việt. Ông giải thích mới hiểu.
Cặp đối 1, mỗi vế 7 chữ thể hiện triết lý đượm màu thiền về con người với tự nhiên:
山 水 有 情 成 眷 属
Sơn thủy hữu tình thành quyến thuộc
(Núi sông hữu tình thành người thân trong nhà)
乹 坤 無 域 是 家 鄉
Càn khôn vô vực thị gia hương
(Trời, Đất không có ranh giới chính là quê nhà).
Cặp đối 2 mỗi vế 5 chữ về đạo lý ứng xử ở đời mang tính giáo huấn:
各 人 正 走 馬
Các nhân chính tẩu mã
(Người sống ở đời chính là đang cưỡi ngựa)
舉 世 堅 行 舟
Cử thế kiên hàng chu
(Việc xử thế ở đời như là kiên trì chèo thuyền)
Muốn hiểu thâm ý cặp đối 5 chữ này, phải thuộc lời giáo huấn của cổ nhân cũng qua câu đối:
Tâm như bình nguyên mục mã, dị phóng nan thu
Học như nghịch thủy hành chu, bất tiến tất thoái
(Lòng người như cưỡi ngựa trên bình nguyên, phóng đi thì dễ, ghìm giữ mới khó.
Việc học như chèo thuyền ngược nước, không tiến tới được, ắt sẽ tụt lùi).
Hai cặp đối được phục hiện, đạt yêu cầu về việc trùng tu. Nhưng nội dung của các cặp đối thì thâm sâu, giàu triết lý, ý nghĩa khó thể hiểu đến tận cùng, ai cũng có thể học được, học hoài không hết.
Hà Tịnh