Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhớ một số địa danh cũ ở Biên Hòa

01:01, 15/01/2023

Ở xóm Phúc Hải (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) nơi tôi ở hơn nửa thế kỷ qua, nhiều thế hệ cha ông đã quá vãng, nhiều câu chuyện còn là thời sự nóng hổi ngày nào giờ cũng chìm dần vào lãng quên của những người trong cuộc, còn các thế hệ mới thì không hề biết đến. Nhiều cái tên xóm làng ở đây cũng dần đi vào quá khứ như tên xóm Làng Nam, xóm Vườn Rau, xóm Miên... Ở đây tôi xin liệt kê một số địa danh cũ ở Biên Hòa.

Ở xóm Phúc Hải (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) nơi tôi ở hơn nửa thế kỷ qua, nhiều thế hệ cha ông đã quá vãng, nhiều câu chuyện còn là thời sự nóng hổi ngày nào giờ cũng chìm dần vào lãng quên của những người trong cuộc, còn các thế hệ mới thì không hề biết đến. Nhiều cái tên xóm làng ở đây cũng dần đi vào quá khứ như tên xóm Làng Nam, xóm Vườn Rau, xóm Miên... Ở đây tôi xin liệt kê một số địa danh cũ ở Biên Hòa.

Khu vực Vườn Mít ngày nay
Khu vực Vườn Mít ngày nay

Biên Hòa

Năm 1808, vua Gia Long đổi tên dinh Trấn Biên thành Biên Hòa bằng cách ghép chữ Biên từ tên cũ “Trấn Biên” (trấn của biên cương) với Hòa trong chữ “hòa bình” mà thành. Biên Hòa ngày đó là cả một vùng rộng lớn của xứ Đồng Nai. Thời gian miền Nam bị Pháp thuộc, địa danh Biên Hòa được giữ lại, là tên của một trong số 20 tỉnh.

Từ năm 1954-1975, Biên Hòa cũng là tên của một tỉnh miền Đông. Sau năm 1975, Biên Hòa là thành phố trực thuộc tỉnh Đồng Nai.

Hàng Dương

Tên rất xưa của đường 30-4, TP.Biên Hòa hiện nay, tính từ quảng trường Sông Phố đến khu vòng xoay Biên Hùng (từ vòng xoay đến Vườn Mít ngày đó là quốc lộ 1). Tên Hàng Dương do nhân dân tự đặt vì ngày đó hai bên đường còn hoang vu, nhà cửa thưa thớt, có trồng nhiều cây phi lao (cây dương).

Đường Đắp Mới

Tên do người dân trong khu vực đặt cho đoạn đường từ đầu đường vào ga Biên Hòa kéo dài đến đầu cầu Rạch Cát. Sự xuất hiện của con đường này khiến ngã tư nơi đây chuyển thành ngã năm và tạo nên ngã ba Hãng Dầu ở đoạn cuối. Ngã năm sau này được gọi tên là ngã năm Biên Hùng. Đường Đắp Mới sau đó được chính quyền Sài Gòn xem là một đoạn của quốc lộ 1 đến trước năm 1975 và nay là đường Hà Huy Giáp.

Rạp hát Biên Hùng

Từng là rạp hát hiện đại nhất của tỉnh Biên Hòa vào những năm 1960. Khác với rạp Vạn Khánh Hưng ở khu vực chợ Biên Hòa, rạp Biên Hùng chỉ chiếu phim phương Tây và phim Việt. Thỉnh thoảng cũng có các đoàn cải lương Thanh Minh Thanh Nga, Kim Chưởng, Kim Chung; các đoàn kịch Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, các đại nhạc hội (tương tự các chương trình tạp kỹ bây giờ) về biểu diễn vài ba suất tối. Sau năm 1975, rạp Biên Hùng đổi tên thành rạp Nam Hà do thời gian ấy, tỉnh Đồng Nai kết nghĩa với tỉnh Nam Hà ngoài Bắc.

Rạp hát cũ bị xuống cấp trầm trọng. Nơi đây đã bị dỡ bỏ để xây dựng một công trình mới.

Vườn Mít

Do ở khu mũi tàu (nơi tiếp giao đường Nguyễn Ái Quốc và Phạm Văn Thuận ngày nay) gồm cả khu khách sạn Đồng Nai trước kia có trồng một vườn toàn mít mà có tên Vườn Mít. Nơi này là ngã ba nên bà con gọi là “ngã ba vườn mít”, nay thành “ngã tư vườn mít”.

Trước 1975, ngay mũi tàu này đã có cây xăng của hãng Con Sò (Shell), nay vẫn là cây xăng nhưng lần lượt là của nhiều hãng khác nhau.

Gần cây xăng, về phía quốc lộ 1, ngày ấy có quán cà ri dê của ông Tư Dữ nổi tiếng khắp Biên Hòa.

Nhà Dù

Thực tế cho thấy, những cái tên của núi, sông, địa phương, ngôi chợ, con đường... qua thời gian thường bị biến đổi bởi nhiều nguyên do. Con người của từng thế hệ cũng thay đổi cách nghĩ, cách làm, cách nói.

Một tên gọi xưa của khu vực Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh hiện nay thuộc P.Tân Phong. Nhà Dù là nơi quân đội Pháp giăng dù đóng quân tạm trong thời gian 1954-1956. “Nguyên là những lều trại bố lớn, dựng tạm lên để đặt Tổng hành dinh của đại đội Lê Dương, sau là của Bộ Tư lệnh Sư đoàn Dã chiến 4, khi mới điều động về trấn đóng Biên Hòa vào năm 1956” (Biên Hòa sử lược toàn biên, tập 1, Lương Văn Lựu).

Chợ Phúc Hải

Nguyên đồng bào di cư Công giáo người Hải Phòng do linh mục Phúc dẫn dắt được đưa về đây định cư, người ta ghép tên cha Phúc và tên giáo xứ Hải Phòng thành Phúc Hải. Ngôi nhà thờ được xây dựng tên là nhà thờ Phúc Hải. Ngôi chợ được gọi là “chợ Phúc Hải”. Ngày nay tên chính thức là chợ Tân Phong.

Bãi Re

Tên cũ nhất của giáo xứ Thuận Hòa (nằm trên P.Tân Phong ngày nay). Hồi 1954, một bộ phận đồng bào di cư được bố trí ở ven bờ suối Săn Máu. Tại đây có rất nhiều cây re, một loại cây gần giống cỏ tranh nên được bà con cắt bện lại để lợp nhà. Vì vậy khu vực và nhà thờ được gọi tên là Bãi Re. Sau này, Bãi Re được đổi thành Tân Hải (ở kế cận khu dân cư - giáo xứ Phúc Hải) và cuối cùng là Thuận Hòa.

Dốc Sỏi

Tên khu vực hai bên đường Phan Đình Phùng ngày nay. Ở đây vào thời chống Pháp, bọn thực dân chọn là nơi xử bắn những người Việt yêu nước chống đối. Sau đó vào thời gian 1954-1975, Dốc Sỏi là khu tệ nạn có tiếng. Nơi này có một nghĩa trang chôn lính Pháp đóng ở Thành Kèn gần đó, được gọi tên là Đất Thánh Tây.

Lò Than

Khu vực thuộc P.Tân Phong, đối diện với Bệnh viện 7B ngày nay. Những năm 1950, 1960 ở đây có nhiều lò hầm than của bà con địa phương. Do vắng vẻ nên Lò Than cũng là một địa điểm có nhiều tệ nạn ở Biên Hòa.

Núi Đất

Tên một đồi thấp nằm trên P.Tân Tiến, sau này bị san bằng để làm khu dân cư. Trong khu vực này có ngôi đền thờ Trương Công Định.

Ngã Ba Ty

Tên một thời của ngã tư Đồng Khởi ngày nay (còn gọi là ngã tư Tân Phong). Gọi là ngã Ba Ty vì ở khu vực này có trụ sở của 3 ty: nông nghiệp, địa chính, thủy lợi chứ không phải vì đây là ngã ba. Thực tế nơi đây là ngã tư được hình thành bởi 2 con đường ngang qua 4 phường: Tân Phong, Trảng Dài, Tân Tiến, Tân Hiệp nên nhiều người còn gọi ngã Ba Ty bằng tên khác, dân gian và bụi bặm hơn, là ngã tư quốc tế!

Ngã ba Vũng Tàu

Tên cũ của ngã tư Vũng Tàu do ngày đó nơi đây chưa có nhánh đường lớn qua Khu công nghiệp Biên Hòa 1 đi về hướng bờ sông Đồng Nai. Tuy hiện nay tên gọi được sử dụng là ngã tư Vũng Tàu nhưng nhiều người vẫn gọi theo tên cũ.

Cầu Đúc

Tên cũ của cầu Tân Hiệp gần di tích lịch sử Nhà tù Tân Hiệp hiện nay. Gọi cầu Đúc do chiếc cầu này nằm bắc ngang qua suối Săn Máu và được xây dựng bằng bê tông (đúc).            

Nguyễn Thái Hải

Tin xem nhiều
đồ cũ miền bắc đồ cũ ngọc hưng