Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai từ khai phá hội nhập 4.0

07:01, 15/01/2023

Đồng Nai là nơi tiếp nhận nhiều đợt dân cư từ các vùng miền trên cả nước đến lập nghiệp. Do đó, cư dân Đồng Nai vừa bảo tồn văn hóa truyền thống, vừa tiếp nhận văn hóa mới góp phần làm cho diện mạo văn hóa xã hội Đồng Nai luôn dồi dào và giàu bản sắc ở miền Đông Nam bộ thời hội nhập.

Đồng Nai là nơi tiếp nhận nhiều đợt dân cư từ các vùng miền trên cả nước đến lập nghiệp. Do đó, cư dân Đồng Nai vừa bảo tồn văn hóa truyền thống, vừa tiếp nhận văn hóa mới góp phần làm cho diện mạo văn hóa xã hội Đồng Nai luôn dồi dào và giàu bản sắc ở miền Đông Nam bộ thời hội nhập.

Ảnh minh họa: Lâm Cón
Ảnh minh họa: Lâm Cón

* Giá trị văn hóa xã hội Đồng Nai hơn 3 thế kỷ

Dân cư Đồng Nai gồm nhiều dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer, Chơro, Mạ, S’tiêng, Cơho, Mường, Tày, Nùng, Thái, Dao… Các thành phần dân cư bao gồm dân tộc bản địa, sinh sống tại chỗ lâu đời và những dân tộc di cư đến Đồng Nai từ thế kỷ XVII đến nay. Tính từ mốc khai phá thế kỷ XVII, nhiều lớp dân cư tiếp tục đến Đồng Nai và các địa bàn thuộc Nam bộ. Những thành phần dân cư ở Đồng Nai đã cùng nhau tổ chức xã hội, hoạt động phát triển kinh tế, thực hành nếp sống văn hóa… tạo nên đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội đặc trưng vùng Đông Nam bộ.

Đời sống văn hóa xã hội ở Đồng Nai rất phong phú, tiêu biểu với sinh hoạt vật chất và tinh thần như: hình thành các làng dân cư dọc theo lưu vực sông Đồng Nai, nhất là khu vực cù lao Phố. Thương cảng cù lao Phố phát triển từ thế kỷ XVII-XVIII là vùng đất chứa đựng nhiều giá trị di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể. Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, chùa Đại Giác, chùa Bửu Phong, chùa Long Thiền, chùa Ông là những di sản văn hóa vật thể gắn với thời khai phá. Các lễ hội, đình làng cũng rất phong phú góp phần lưu giữ nhiều giá trị về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội của các tầng lớp cư dân xưa.

Bước vào thời đại kinh tế hội nhập toàn cầu, đời sống xã hội chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp sang công nghiệp và đô thị hóa, công nghiệp hóa - hiện đại hóa, vì vậy văn hóa cũng đã có sự biến đổi.

Đồng bào bản địa văn hóa đặc trưng với nhà sàn, nhà dài, cồng chiêng, cơm lam, rượu cần, canh bồi, canh thụt, bánh dày mè đen, lễ hội Sa Yang Va, Yang Koi, Yang Bri, nghề dệt thổ cẩm… thể hiện giá trị văn hóa bản địa vùng Đông Nam bộ.

Nơi nào có người Khmer sống tập trung nơi đó có chùa Phật giáo Nam tông như Hoa Sơn tự, chùa Thái Hòa nổi bật bởi mỹ thuật trang trí chùa Khmer và những giá trị văn hóa qua các lễ hội.

Nhiều sưu tập hiện vật được phát hiện và lưu giữ tại bảo tàng địa phương thể hiện sự giao lưu văn hóa với Trung Hoa (đồ gốm) và Nhật Bản (gương đồng thời Edo thế kỷ XVIII). Những công cụ sản xuất (cày, cuốc, liềm, hái, chà gạt) phù hợp với địa hình đồi núi thấp đến đồng bằng lưu vực sông Đồng Nai và vùng ngập mặn cận biển. Cư dân vùng cận biển (Long Thành, Nhơn Trạch) duy trì đời sống gắn bó với sông nước…

* Đời sống văn hóa xã hội Đồng Nai thời hội nhập và công nghệ 4.0

Trải qua 325 năm lịch sử khai phá vùng đất Đồng Nai, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội cư dân Đồng Nai đã có nhiều biến đổi. Kinh tế nông nghiệp chuyển sang kinh tế công nghiệp, một bộ phận cơ bản nông dân Đồng Nai trở thành công nhân với nếp sống công nghiệp hiện đại. Vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai cũng là một trong những địa phương hình thành nền công nghiệp khá sớm từ giữa thế kỷ XX.

Bước vào thời đại kinh tế hội nhập toàn cầu, đời sống xã hội chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp sang công nghiệp và đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì vậy văn hóa cũng đã có sự biến đổi. Những thói quen hình thành từ nền kinh tế nông nghiệp cổ truyền giờ không còn phù hợp với kinh tế công nghiệp, đặc biệt là trong thời đại công nghệ thông tin. Xã hội cổ truyền chuyển sang thích nghi nhịp sống số, đời sống số hiện đại. Cư dân các đô thị ở Đồng Nai (nhất là khu vực Biên Hòa) có thói quen đi ăn sáng, uống cà phê ngoài tiệm/quán thay cho thói quen tự nấu, chế biến và ăn uống tại nhà.

Văn hóa Đồng Nai thể hiện qua kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng với kiến trúc nhà ở dân gian, trang phục truyền thống, tín ngưỡng tôn giáo, phong tục tập quán, văn học, âm nhạc, nghệ thuật…

Đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi phong tục từ mặc trang phục hiện đại đến ngôn ngữ (thường xuyên sử dụng tiếng Việt, bổ sung ngoại ngữ ảnh hưởng bởi du lịch). Nhiều phong tục, tập quán của cư dân kể cả người Kinh và các tộc người thiểu số đều thay đổi nhằm thích nghi với nhịp sống hiện đại. Du lịch cũng có tác động tích cực tạo nên công ăn việc làm cho đồng bào vùng nông thôn và dân tộc thiểu số, khôi phục nghề truyền thống, tạo nên sản phẩm du lịch cho du khách đến địa phương.

Thời công nghệ 4.0, nhiều nghề mới ra đời và phát triển. Nhu cầu hưởng thụ văn hóa và giải trí cũng cao hơn và tiện nghi hơn, cư dân sử dụng thành thạo điện thoại, biết truy cập nhiều ứng dụng trên điện thoại thông minh, phục vụ giao tiếp truyền thông cũng như dùng cho học hành, làm việc. Nông dân Đồng Nai biết ứng dụng công nghệ trong lao động sản xuất, hệ thống tưới tiêu, chăn nuôi heo, gà; trồng cây, nhân giống theo kỹ thuật hiện đại...

Đồng Nai cũng là một trong những địa phương hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Làng xóm vùng nông thôn được đầu tư cơ sở vật chất nhờ hiệu quả của chương trình, hội nhập và phát huy lối sống văn minh hiện đại… Nhiều thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng mới và đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu vui chơi giải trí của người dân. Cư dân nhiều nơi ở Đồng Nai đã có thói quen tập trung tại nhà văn hóa ấp, khu phố, phường, xã tập thể dục hoặc tham gia tập huấn các chương trình phục vụ cộng đồng.

Vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai là cửa ngõ vùng Đông Nam bộ, là đầu mối giao thông Bắc - Nam, kinh tế - xã hội phát triển cũng dẫn đến văn hóa biến đổi. Giao lưu văn hóa trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như: kiến trúc, nghệ thuật, lễ hội, ẩm thực… Người dân có nhu cầu đi du lịch nhiều nơi trên thế giới nhằm thụ hưởng các giá trị di sản.

Tròn 325 năm hình thành và phát triển, đến nay vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai ngày càng phát triển về giao thông, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đồng Nai vẫn luôn là một trong những địa phương phát triển kinh tế cao nhất nước.

Đồng Nai đang triển khai dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành kết nối trong nước và quốc tế. Ba thế kỷ cộng với một phần tư thế kỷ đã đưa Đồng Nai hiện nay có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế thời hội nhập, nhiều doanh nghiệp nước ngoài thuê đất làm ăn lâu dài tại đây.             

Nguyễn Thị Nguyệt

 

Tin xem nhiều