Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng chính sách hỗ trợ và thu hút giáo viên

09:12, 16/12/2022

Sau làn sóng nhân viên y tế xin nghỉ việc vì áp lực công việc và thu nhập chưa tương xứng, ngành GD-ĐT cũng đứng trước tình trạng tương tự. Nhiều trường vừa thiếu, vừa khó tuyển dụng giáo viên cho những môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được triển khai.

Sau làn sóng nhân viên y tế xin nghỉ việc vì áp lực công việc và thu nhập chưa tương xứng, ngành GD-ĐT cũng đứng trước tình trạng tương tự. Nhiều trường vừa thiếu, vừa khó tuyển dụng giáo viên cho những môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được triển khai.

Giáo viên Trường THCS Xuân Mỹ (xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ) trong giờ dạy học. Ảnh: C.Nghĩa
Giáo viên Trường THCS Xuân Mỹ (xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ) trong giờ dạy học. Ảnh: C.Nghĩa

Năm 2020, cô giáo trẻ Đinh Thị Thanh Tiến được Trường tiểu học Kim Đồng (P.Xuân An, TP.Long Khánh) ký hợp đồng vào vị trí giáo viên trực tiếp đứng lớp. Dù có bằng đại học nhưng mức lương khởi điểm chỉ 3,5 triệu đồng/tháng. Nếu so với lao động phổ thông thì mức lương này rất thấp, chỉ bằng một nửa. Đây cũng là thực tế về thu nhập của nhiều giáo viên trẻ mới vào nghề tại các trường công lập.

* Tuyển giáo viên ngày càng khó

Theo Phòng GD-ĐT TP.Long Khánh, từ năm học này thay vì UBND thành phố giao cho Phòng GD-ĐT tuyển dụng, phòng đã giao cho các trường tự tổ chức tuyển dụng nhưng vẫn chưa được như mong muốn do thu nhập chưa đủ hấp dẫn. Hiện nhiều trường công lập ở các bậc học của thành phố vẫn trong tình trạng thiếu giáo viên. Các trường phải cử giáo viên dạy tăng tiết để khắc phục tạm thời tình trạng thiếu giáo viên.

Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN THỊ HOÀNG: Giao Sở GD-ĐT tham mưu chính sách hỗ trợ viên chức giáo dục

Thời gian qua, UBND tỉnh đã nắm được tình trạng giáo viên xin nghỉ việc và khó tuyển dụng giáo viên trong các trường công lập. Tại các buổi kiểm tra nhiệm vụ cuối năm 2022 tại các địa phương mới đây cũng có nhiều địa phương kiến nghị về vấn đề này. Do đó, UBND tỉnh đã giao cho Sở GD-ĐT tham mưu xây dựng chính sách kịp thời hỗ trợ viên chức ngành giáo dục, từ đó giải quyết căn cơ tình trạng thiếu nguồn nhân lực của ngành giáo dục, đảm bảo bền vững chất lượng dạy và học.

Có cơ hội trình bày với Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng về những khó khăn trong tuyển dụng giáo viên mới đây, Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Thạnh (TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất) Ngô Thị Trinh cho biết: “Nếu áp dụng mức lương tối thiểu vùng 4,16 triệu đồng để ký hợp đồng tuyển giáo viên thì không tuyển được ai, vì ứng viên nào cũng đòi hỏi lương khởi điểm thấp nhất cũng phải trên 5 triệu đồng/tháng. Có thời điểm vì “khát” giáo viên nên nhà trường phải “linh hoạt” lấy nguồn chi khác bù đắp cho đủ 5 triệu đồng/tháng để ký được hợp đồng với giáo viên”.

Trưởng phòng GD-ĐT H.Định Quán Ngô Đăng Thành cho biết, nhiều trường của huyện đang thiếu giáo viên, đồng thời xuất hiện tình trạng giáo viên, nhân viên xin nghỉ việc do lương thấp trong khi công việc lại áp lực. Phòng GD-ĐT có rà soát số lượng sinh viên đang học ở các trường sư phạm để khi ra trường sẽ mời trở lại huyện công tác nhưng khi tốt nghiệp, không sinh viên nào về mà ở lại luôn thành phố”.

Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu Nguyễn Văn Thuộc cho hay: “Toàn huyện đang thiếu đến 227 giáo viên và nhân viên bổ sung cho các trường công lập. Đối với các trường ở trung tâm huyện, hoặc các xã giáp ranh với TP.Biên Hòa thì tương đối dễ tuyển dụng, còn các trường công lập ở vùng sâu, vùng xa như Phú Lý, Mã Đà rất khó khăn vì đi lại vất vả, lương lại thấp. Huyện đang tính đến phương án luân chuyển giáo viên các trường trung tâm huyện vào các trường vùng sâu, vùng xa trong thời gian 2 năm nhưng cũng rất băn khoăn”.

* Phải nhanh chóng “giữ chân” giáo viên

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, mỗi năm học, Đồng Nai tăng thêm 2-3 trường và khoảng 20 ngàn học sinh. Điều này đồng nghĩa, sẽ phải có thêm giáo viên bổ sung cho lượng học sinh tăng thêm trong mỗi năm học. Hiện toàn tỉnh có trên 734 ngàn trẻ mầm non, học sinh các cấp học tập ở 927 trường, trong khi đó biên chế ngành GD-ĐT là 31.410 viên chức nhưng mới chỉ tuyển được 29.457 viên chức, vẫn còn thiếu 1.953 giáo viên. Số lượng viên chức còn thiếu chủ yếu là vị trí giáo viên các môn như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ, Tin học, Thể dục và nhân viên trường học.

Ngành GD-ĐT không chỉ đối mặt với chuyện thiếu và khó tuyển viên chức mà còn có “làn sóng” viên chức xin nghỉ việc ở các trường công lập và xin ra khỏi ngành. Cụ thể, 3 năm gần đây nhất có tổng cộng 1.576 viên chức xin nghỉ việc, trong đó năm 2020 là 512 người, năm 2021 là 350 người, còn năm 2022 tính đến đầu tháng 12 đã có đến 714 người xin nghỉ việc (tăng hơn gấp đôi so với năm 2021).

Trong số này có những viên chức xin nghỉ để chuyển sang các trường tư thục có mức thu nhập hấp dẫn hơn nhưng cũng có những người xin ra khỏi ngành. Chẳng hạn năm 2022, trong số 714 giáo viên xin nghỉ việc thì có đến 625 người xin ra khỏi ngành.

Lý giải về vấn đề này, Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ cho biết, đối với tình trạng thiếu giáo viên là do thiếu nguồn tuyển dụng. Sở GD-ĐT đã làm hết cách, kể cả liên hệ với các trường có đào tạo ngành sư phạm cũng không có nguồn, đặc biệt với các môn: Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ, Tin học, Thể dục và nhân viên trường học. Thực tế các trường sư phạm cũng đang rất khó thu hút sinh viên vào các ngành này để đào tạo.

Còn với tình trạng viên chức ngành giáo dục xin nghỉ việc, điều này xuất phát từ thu nhập chưa đảm bảo. Trong khi đó, công việc ngày càng áp lực, nhất là với giáo viên mầm non.

Giám đốc Sở GD-ĐT cũng cho hay, Sở đang lấy ý kiến lần 2 về chính sách đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 của Chính phủ. Theo đó, người học sẽ được hỗ trợ học phí và chi phí học tập 10 tháng/năm học với mức 3,6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên có một điểm khó là sau khi ra trường sinh viên sẽ không được sắp xếp việc làm mà phải thi tuyển theo Nghị định 115 của Chính phủ, nếu không đậu sẽ phải bồi hoàn chi phí hỗ trợ đào tạo, Sở sẽ phải đứng ra thu hồi. Đây cũng là một điều rất khó với Sở nếu phải thực hiện.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều