Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo động lực để nhà giáo gắn bó với nghề

09:12, 16/12/2022

Câu chuyện giáo viên nghỉ việc gia tăng vì thu nhập thấp đã, đang là vấn đề khiến ngành Giáo dục đau đầu nhiều năm nay.

Câu chuyện giáo viên nghỉ việc gia tăng vì thu nhập thấp đã, đang là vấn đề khiến ngành Giáo dục đau đầu nhiều năm nay.

Tại diễn đàn Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, theo thống kê, năm học 2021-2022 có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Trong đó, giáo viên công lập nghỉ việc là 10.407 người, giáo viên ngoài công lập 5.858 người.

Lượng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành chủ yếu tập trung ở các vùng điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương...

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, ở những địa phương này, giáo viên có nhiều sự lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn. Do đó, họ có thể chuyển từ trường công lập sang dạy ở trường tư thục hoặc đổi hoàn toàn sang một công việc khác. Điều này đã gây nên khó khăn lớn cho các trường công lập, nhất là hệ thống trường mầm non trong việc ổn định và nâng cao chất lượng giáo dục, đòi hỏi phải có một chính sách phù hợp hơn nhằm giữ chân giáo viên ở lại, không “nhảy việc” như hiện nay.

Tại Đồng Nai, chỉ riêng năm 2022 đã có hơn 700 giáo viên xin nghỉ việc. Đây là một con số tương đối lớn, gây nên lỗ hổng cho ngành. Do thiếu giáo viên, nhiều  cơ sở giáo dục công lập phải tìm nhiều cách để “trám” vào những tiết học thiếu giáo viên như tăng tiết cho giáo hiện hữu, bố trí giáo viên dạy chéo môn… Bên cạnh đó, để thu hút giáo viên, ngành đã giao quyền chủ động về cho các cơ sở giáo dục trong công tác tuyển dụng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc tuyển dụng vẫn khá khó khăn do nguồn tuyển khá eo hẹp, nhất là với những bộ môn vốn luôn thiếu như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ…

Theo ý kiến nhiều chuyên gia trên lĩnh vực giáo dục, để thu hút học sinh học sư phạm và giữ chân giáo viên, hạn chế tình trạng giáo viên nghỉ việc ồ ạt như hiện nay, việc xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo là hết sức cần thiết. Bởi khi luật này được ban hành sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, tuyển dụng, quản lý, đãi ngộ, tôn vinh… phù hợp với vai trò, vị trí quan trọng, đặc thù lao động nghề nghiệp của nhà giáo; tạo động lực để nhà giáo gắn bó, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.

Minh Ngọc

 

Tin xem nhiều