Báo Đồng Nai điện tử
En

Quan tâm hơn đến bệnh rối loạn ăn uống

09:12, 16/12/2022

Sợ tăng ký, sợ mập, khao khát kiểm soát hình ảnh và ăn uống, tâm lý phức tạp… đó là những lo lắng chung của bệnh rối loạn ăn uống.

Sợ tăng ký, sợ mập, khao khát kiểm soát hình ảnh và ăn uống, tâm lý phức tạp… đó là những lo lắng chung của bệnh rối loạn ăn uống.

GS-TS Joern Von Wietersheim, chuyên gia tâm lý lâm sàng, nhà tâm lý trị liệu tại Ulm University Medical Center, Ulm, Đức chia sẻ thông tin. Ảnh: L.Viên
GS-TS Joern Von Wietersheim, chuyên gia tâm lý lâm sàng, nhà tâm lý trị liệu tại Ulm University Medical Center, Ulm, Đức chia sẻ thông tin. Ảnh: L.Viên

GS-TS Joern Von Wietersheim, chuyên gia tâm lý lâm sàng, nhà tâm lý trị liệu tại Ulm University Medical Center, Ulm (Đức) vào ngày 8-12 đã có buổi nói chuyện chuyên đề Các rối loạn ăn uống (Eating Disorders) tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM). Qua đó, giúp người nghe có cơ hội trao đổi và tìm hiểu chuyên sâu hơn về các nhóm rối loạn ăn uống, tác hại của căn bệnh về sức khỏe tâm thần này.

* Sự tự tin thấp và nỗi sợ lớn

Mở đầu buổi nói chuyện chuyên đề, GS-TS Joern Von Wietersheim đưa ra dẫn chứng trong clip về bữa ăn của một bệnh nhân rối loạn ăn uống chỉ có ớt chuông và cơm, không có thịt cá, nước sốt… Trong ăn uống, người phụ nữ này thường có xu hướng chọn thực phẩm không có calori, vì có nỗi sợ với thực phẩm có calori cao. Dù nhịp tim xuống thấp, có thể nguy hiểm đến tính mạng nhưng cô ấy không quá lo lắng về tình trạng bệnh lý của mình. Tình trạng chung của những bệnh nhân rối loạn ăn uống là sự tự tin thấp và nỗi sợ lớn.

Theo diễn giả Joern Von Wietersheim: “Rối loạn ăn uống là tình trạng sức khỏe tâm thần đặc trưng bởi sự rối loạn nghiêm trọng và kéo dài trong hành vi ăn uống, thường đi kèm với những suy nghĩ và cảm xúc căng thẳng, khó chịu. Rối loạn ăn uống được phân thành nhiều nhóm, nhưng có 3 nhóm phổ biến: chán ăn tâm thần (Anorexia nervosa), chứng cuồng ăn (Bulimia nervosa) và chứng ăn vô độ (Binge Eating Disorder)”.

Triệu chứng của chán ăn tâm thần là: trọng lượng cơ thể thấp hơn ít nhất 15% số cân nặng dự kiến (lý tưởng) hoặc BMI nhỏ hơn 17,5; thiếu cân tự gây ra do các loại thực phẩm có làm lượng calori và có ít nhất một trong các khả năng sau: tự gây nôn,  thanh lọc tự gây ra, hoạt động thể chất quá mức, sử dụng thuốc ức chế thèm ăn hoặc thuốc lợi tiểu; sợ trở nên quá mập, ngưỡng cân nặng thấp; rối loạn nội tiết, thường là vô kinh thứ phát; chậm hoặc ngừng tăng trưởng khi khởi phát trước tuổi dậy thì.

Còn với chứng cuồng ăn, chứng ăn vô độ, người bệnh thường xuyên bận tâm đến thức ăn, thèm ăn không cưỡng lại được, ăn uống vô độ, tiêu thụ một lượng lớn thức ăn trong thời gian ngắn; cố gắng chống lại tác dụng gây béo của thức ăn như: tự gây nôn, lạm dụng thuốc nhuận tràng, nhịn đói nhất quả...; sợ béo một cách bệnh lý; tiền sử thường gặp các giai đoạn của chán ăn tâm thần.

* Quá chú ý đến ngoại hình, trở nên mặc cảm

Một trong các yếu tố quan trọng kích hoạt chứng rối loạn ăn uống là yếu tố về văn hóa - xã hội.

Số liệu thông tin tại chuyên đề cho thấy, tỷ lệ có khoảng 0,4% phụ nữ từ 15-35 tuổi mắc chứng chán ăn tâm thần. Còn chứng cuồng ăn, có khoảng 1,5% phụ nữ từ 15-35 tuổi bị ảnh hưởng. Hơn 90% những người bị ảnh hưởng chứng rối loạn ăn uống là phụ nữ.

Diễn giả Joern Von Wietersheim đặt vấn đề tại sao tình trạng chứng chán ăn tâm thần xảy ra ngày càng nhiều hơn và trước đây thường xảy ra ở các nước châu Âu nhiều hơn thì nay đã sang các khu vực khác. Qua thảo luận, các ý kiến thống nhất rằng, nguyên nhân do mọi người, trong đó đa phần là phụ nữ đã quá chú ý đến ngoại hình, khiến họ trở nên mặc cảm và dẫn đến chứng chán ăn tâm thần. Phụ nữ rất quan tâm đến vẻ bề ngoài, trong khi đó, truyền thông và báo chí thường tô điểm hình ảnh lý tưởng phải gầy, mảnh mai. Từ đó, gây ra một suy nghĩ nếu gầy thì sẽ được yêu thích hơn.

Lý do nữa là vai trò của người phụ nữ trong các nền văn hóa đã thay đổi. Trước đây, phụ nữ đóng vai trò chính trong chăm sóc gia đình, con cái và không đi làm. Nhưng dần dần, phụ nữ tham gia các lĩnh vực xã hội nhiều hơn nên họ quan tâm đến ngoại hình, bên cạnh việc đảm đương trách nhiệm chăm sóc gia đình, con cái vì thế áp lực của họ càng ngày càng lớn. Trong khi người đàn ông không bị những áp lực đó.

Đàn ông không bị quá nhiều áp lực về ngoại hình, nếu có chỉ là phải có cơ bắp, ngoài ra họ tập trung kiếm tiền, có những thành công trong xã hội. Một số yếu tố kích hoạt chứng chán ăn tâm thần khác như: di truyền, nhóm thành viên gia đình, chấn thương tâm lý…

Theo GS-TS Joern Von Wietersheim, những người chán ăn tâm thần có xu hướng thích bản thân mình bị bệnh. Họ không quá quan tâm đến tình trạng bệnh của họ có thể bị nguy hiểm. Còn những người bị bệnh cuồng ăn thường bị trầm cảm, không thích bản thân mình và đó là lý do họ có ý định tự tử nhiều hơn.

* Giảm bớt những triệu chứng ở người mắc các rối loạn ăn uống

Theo thông tin tại chuyên đề, tính chất phức tạp của rối loạn ăn uống đã khơi gợi những sự tìm tòi về bản chất, nguyên nhân và phương pháp điều trị. Một số phương pháp điều trị đã được chứng minh một cách khoa học về tính hiệu quả, mở ra cơ hội cho việc giảm bớt những triệu chứng ở người mắc các rối loạn ăn uống.

Mục tiêu chính của việc trị liệu, làm cho người bệnh chán ăn tâm thần tăng cân, thoát ra khỏi bệnh lý này. Bởi rất nhiều bệnh nhân bị tự ti và đối mặt với xung đột nội tâm nên việc giúp họ chấp nhận con người của họ, hình ảnh của họ và nâng cao sự tự tin của họ lên... vô cùng quan trọng. Thông thường, quá trình này kéo dài vì việc điều trị không dễ dàng và ở nước ngoài một số bệnh nhân phải điều trị nội trú.

Với những bệnh nhân ăn uống vô độ, rất khó kháng cự lại việc ăn uống nên khó điều trị ngoại trú mà phải điều trị nội trú để kiểm soát tình trạng của họ.

GS-TS Joern Von Wietersheim nêu ra một số biện pháp cụ thể trong điều trị rối loạn ăn uống như: làm việc trên động lực của bệnh nhân; khuyến khích họ, chỉ ra cho bệnh nhân tại sao cần phải tăng ký; thông tin về mức ăn uống bình thường và những hậu quả của rối loạn ăn uống…

Theo diễn giả, các biện pháp điều trị nội trú đối với chứng bệnh chán ăn chưa phổ biến ở Việt Nam, mà hiện chỉ có trị liệu tâm lý đối với những rối loạn ăn uống thông thường. Ở nước ngoài, khi điều trị nội trú phải cung cấp cho bệnh nhân những trị liệu khác nhau về tâm lý như: phương pháp nói chuyện với bệnh nhân, phương pháp khiến bệnh nhân thư giãn, liệu pháp âm nhạc, liệu pháp thư giãn… Trong đó, liệu pháp đối chiếu với gương yêu cầu bệnh nhân đứng đối diện với gương và tự mô tả về cơ thể. Thông thường bệnh nhân chán ăn có nhận xét không đúng về mình, như nhìn xuống phần bụng và cho rằng không đủ gầy, cho nên việc trị liệu tâm lý là phải cho họ thấy những phần khác của cơ thể để họ có sự cân bằng và so sánh với những cơ thể khỏe mạnh khác…

Lâm Viên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích