Chúng tôi đến sóc Bom Bo (Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo xã Bình Minh, H.Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) khi mặt trời đứng bóng sau hành trình dài 55km từ trung tâm TP.Đồng Xoài. Sóc Bom Bo nằm trên 3 quả đồi, nơi lưu giữ giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử của đồng bào S'tiêng.
Chúng tôi đến sóc Bom Bo (Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo xã Bình Minh, H.Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) khi mặt trời đứng bóng sau hành trình dài 55km từ trung tâm TP.Đồng Xoài. Sóc Bom Bo nằm trên 3 quả đồi, nơi lưu giữ giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử của đồng bào S’tiêng.
Thưởng thức âm thanh đàn đá tại Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng, sóc Bom Bo (H.Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Ảnh: T.Mộc |
Lần đầu tiên đến sóc Bom Bo, dù đây là địa danh quá thân thuộc với người dân Việt Nam bởi nó được đưa vào lời ca tiếng hát và trở thành ca khúc bất hủ được yêu thích cho đến tận ngày nay. Giờ đây, dù không còn những tiếng giã gạo nuôi cách mạng, nhưng sóc Bom Bo vẫn là một di tích lịch sử nổi tiếng, được nhiều người tìm đến mỗi lần có dịp ghé thăm Bình Phước.
* Dư âm tiếng chày giã gạo nuôi quân
Điểm dừng chân đầu tiên khi đến sóc Bom Bo là Khu trưng bày truyền thống văn hóa, lịch sử của đồng bào S’tiêng. Với rất nhiều hiện vật, hình ảnh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ như: bộ cối, chày được dùng giã gạo nuôi quân trong chiến dịch Đồng Xoài - Phước Long vào năm 1965; bộ bàn đá cổ có giá trị về mặt lịch sử văn hóa của đồng bào dân cư thời tiền sử trên địa bàn tỉnh Bình Phước và những thông tin về đồng bào S’tiêng với tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm… khiến cho đoàn du khách lần đầu đến sóc Bom Bo có thể mường tượng được những dư âm trong quá khứ.
Thời gian tới, Bình Phước ưu tiên phát triển du lịch dựa vào ưu thế xã hội hóa tối đa. |
Vừa thuyết minh cho đoàn du khách phương xa tường tận từng đồ vật của người S’tiêng trong khu trưng bày, chị Hoàng Thu Hương, nhân viên Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo còn kể về tấm lòng yêu nước trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước của đồng bào S’tiêng, khi đó, sóc Bom Bo là địa danh nổi tiếng với Căn cứ Nửa Lon vào đầu năm 1960. Thời đó, do đời sống khó khăn, lương thực thiếu thốn, mỗi chiến sĩ chỉ được dùng nửa lon gạo trong 1 ngày. Cùng với sự đùm bọc, giúp đỡ của đồng bào dân tộc S’tiêng, Mơnông ở Bom Bo ngày đêm giã gạo nuôi quân, giúp sức cho tiền tuyến, thể hiện tình quân và dân luôn gắn bó bền chặt, một lòng theo Đảng.
Ngày nay, sóc Bom Bo là nơi lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào S’tiêng, cùng với các hạng mục như: bộ đàn đá nặng 20 tấn; bộ cồng, chiêng lớn nhất Việt Nam với tổng khối lượng gần 3,5 tấn. Cùng với những giá trị văn hóa, lịch sử, sóc Bom Bo trở thành điểm du lịch nổi tiếng, với nhiều trải nghiệm thú vị như: tham quan di tích lịch sử, thưởng thức ẩm thực truyền thống của đồng bào S’tiêng; hòa vào tiếng cồng chiêng, điệu múa, lời ca từ các cô gái S’tiêng và thưởng thức rượu cần…
Bộ cồng chiêng lớn nhất Việt Nam trưng bày tại sóc Bom Bo. Ảnh: T.Mộc |
Theo Sở VHTT-DL Bình Phước, sóc Bom Bo là điểm liên kết trong chuỗi các điểm du lịch trên địa bàn H.Bù Đăng. Đồng thời, để hướng tới chiến lược phát triển du lịch xanh, sóc Bom Bo xây dựng mô hình du lịch homestay, nhà dài truyền thống của người S’tiêng, là nơi sinh hoạt cộng đồng của bà con. Đến với sóc Bom Bo, khách du lịch được thưởng thức những món ăn đặc sản của địa phương như: cơm lam, thịt nướng, đọt mây, lá nhíp, canh thụt, canh măng chua cá lăng...
* Phát huy giá trị truyền thống
Ngoài tìm hiểu những giá trị văn hóa, lịch sử tại Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, khách du lịch còn được tham quan khu sinh hoạt, vui chơi giải trí, mô hình mô phỏng nếp sinh hoạt của người S’tiêng được phục dựng khá hoàn chỉnh. Tại đây, những tiết mục văn nghệ dân gian của đồng bào S’tiêng do đội văn nghệ khu bảo tồn đảm nhiệm, chủ yếu là người dân tộc S’tiêng. Ông Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng ban Quản lý khu bảo tồn cho biết, sau những ngày lao động vất vả, mỗi tuần đội văn nghệ đều cùng nhau tập trung luyện tập nhiều tiết mục mới để biểu diễn phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, vào những dịp đặc biệt, khu bảo tồn còn mời các nhân vật nổi tiếng về nhạc cụ dân tộc, tập huấn biểu diễn cồng chiêng, đánh đàn đá.
Múa truyền thống của người S’tiêng tại sóc Bom Bo. Ảnh: T.Mộc |
Theo Ban Quản lý khu bảo tồn, thời gian gần đây, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, khu bảo tồn đón hàng ngàn lượt du khách đến tham quan vào các ngày lễ, tết, cuối tuần, trong đó chủ yếu là người dân nội tỉnh và khoảng 30% du khách ngoài tỉnh. Đây là tín hiệu vui cho ngành Du lịch H.Bù Đăng nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung khi sóc Bom Bo đang dần ghi dấu ấn của mình trên thị trường du lịch. Với những thành quả đó, tỉnh Bình Phước đang nỗ nực đẩy mạnh phát triển các điểm du lịch, kêu gọi đầu tư các dự án du lịch tiềm năng, đồng thời tăng cường sự kết nối, phát triển các sản phẩm du lịch đối với khu vực nội tỉnh và cấp vùng Đông Nam bộ với mục tiêu phấn đấu trở thành điểm đến bình yên cho du khách trong điều kiện bình thường mới.
Ông Phạm Anh Tuấn cho biết, người S’tiêng ở Bình Phước hiện có khoảng 96 ngàn người, chia thành 2 nhánh khác nhau là nhánh Bù Lơ (Vùng cao gồm các huyện, thị, thành: Bù Đăng, Đồng Phú, Đồng Xoài, Phước Long...) và nhánh Bù Dek (Vùng thấp: Bù Gia Mập, Lộc Ninh, Bù Đốp, Bình Long...). Đến với sóc Bom Bo, du khách có thể được trải nghiệm các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm thủ công; đan lát các sản phẩm thủ công mỹ nghệ; nghề làm rượu cần và ngắm cảnh quan nơi đây. Du khách sẽ được chiêm ngưỡng những kỷ lục Việt Nam như: Bộ đàn đá lớn nhất Việt Nam; Bộ cồng chiêng lớn nhất Việt Nam cùng những tiết mục biểu diễn văn nghệ đặc sắc của đồng bào S’tiêng. Ông Tuấn chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng rằng, sóc Bom Bo sẽ là điểm dừng chân thú vị của khách du lịch khi đến Bình Phước. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện các công trình, duy trì bảo dưỡng, xây dựng đội ngũ phục vụ ngành du lịch ngày càng chuyên nghiệp hơn”.
Phát biểu tại hội nghị sơ kết liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ vào cuối tháng 11 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước TRẦN TUỆ HIỀN cho biết, vừa qua Bình Phước đã có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy, kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch. Bình Phước đã gặp gỡ các chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội du lịch các tỉnh Đông Nam bộ để lắng nghe, đón nhận những ý kiến, những hiến kế sâu sắc, thẳng thắn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Bình Phước. |
Thủy Mộc