Báo Đồng Nai điện tử
En

Sớm hoàn thành các quy hoạch phát triển đô thị

07:12, 10/12/2022

Quy hoạch được xác định là một trong 3 trụ cột chính và cũng là công cụ nền tảng để định hướng phát triển đô thị. Chính vì vậy, việc sớm hoàn thiện các quy hoạch chung đô thị là rất cần thiết để phát triển đô thị theo hướng bền vững, hiện đại.

Quy hoạch được xác định là một trong 3 trụ cột chính và cũng là công cụ nền tảng để định hướng phát triển đô thị. Chính vì vậy, việc sớm hoàn thiện các quy hoạch chung đô thị là rất cần thiết để phát triển đô thị theo hướng bền vững, hiện đại.

Việc hoàn thành phê duyệt sớm các quy hoạch sẽ giúp các đô thị trên địa bàn tỉnh phát triển đồng bộ và bền vững. Trong ảnh: Một góc đô thị Biên Hòa nhìn từ trên cao
Việc hoàn thành phê duyệt sớm các quy hoạch sẽ giúp các đô thị trên địa bàn tỉnh phát triển đồng bộ và bền vững. Trong ảnh: Một góc đô thị Biên Hòa nhìn từ trên cao

Đô thị là động lực phát triển

Đô thị có vai trò quan trọng trong tổ chức không gian phát triển, bố trí nơi ở, sinh hoạt cho người dân; là nơi quy tụ các trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa, xã hội, là nơi cung cấp hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng thiết yếu và nguồn lực bao gồm cả nguồn lực tài chính cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao cho các hoạt động gắn với đời sống kinh tế, xã hội.

Đô thị hóa và phát triển đô thị là cơ hội đối với mỗi quốc gia, khu vực, địa phương để có thể phát triển và tăng trưởng đột phá về mọi mặt. Tại Việt Nam, các đô thị đang đóng góp đến 70% GDP cả nước. Những năm qua, nước ta cũng đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển đô thị theo xu thế thế giới và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Theo Sở Xây dựng, sau gần 7 năm thực hiện chương trình phát triển đô thị tỉnh Đồng Nai giai đoạn đến năm 2020 và giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết 116 ngày 11-7-2014 của HĐND tỉnh, đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã có 11 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I là TP.Biên Hòa; 1 đô thị loại III là TP.Long Khánh; 2 đô thị loại IV là Long Thành, Trảng Bom và 7 đô thị loại V gồm: Định Quán, Tân Phú, Dầu Giây, Gia Ray, Long Giao, Vĩnh An và Hiệp Phước.

Năm 2022, Bộ Chính trị lần đầu tiên ban hành riêng một nghị quyết để chỉ đạo cụ thể về quy hoạch, xây dựng và quản lý phát triển bền vững đô thị (Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24 -1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045). Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị với nhiều tiêu chí cụ thể và 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Đối với Đồng Nai, là địa phương nằm ở vị trí trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có nền công nghiệp phát triển nên tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh cũng diễn ra rất nhanh.

Theo UBND tỉnh, Đồng Nai là tỉnh có tốc độ đô thị hóa cao. Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh năm 2010 đạt hơn 33%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước thời điểm bấy giờ là khoảng 30%. Từ năm 2011 đến nay, tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng. Đến nay, Đồng Nai đã có 11 đô thị, trong đó TP.Biên Hòa là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Đánh giá về tình hình phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29-8-2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam bộ và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 2-8-2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW được tổ chức vào giữa tháng 7 vừa qua, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông cho biết, qua nghiên cứu các tỉnh trong Vùng Đông Nam bộ cho thấy, Đồng Nai là tỉnh có tốc độ đô thị hóa cao nhất.

Quy hoạch là công cụ nền tảng

Đô thị hóa là xu thế phát triển tất yếu, tuy nhiên, nếu không có chiến lược phát triển cụ thể các độ thị, cộng với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh cũng đặt ra rất nhiều thách thức cho mục tiêu phát triển bền vững.

Trên cả nước cũng như ở Đồng Nai, hầu hết các đô thị hiện đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Sự quá tải của hệ thống hạ tầng, thiếu hụt quỹ nhà ở cũng như áp lực đối với công tác quản lý, sử dụng đất đai, quy hoạch, xây dựng là những hạn chế đã bộc lộ.

Từ thực tiễn đó, trước xu thế đô thị hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, việc phát triển các đô thị cần phải có được một chiến lược cụ thể, rõ ràng.

Kiến trúc sư Lý Thành Phương cho rằng, Đồng Nai phải đặt ra một chiến lược phát triển đô thị rõ ràng, từ đó xác định được phương hướng để quản lý nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Phát biểu tại hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022 được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào cuối tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 33 nhiệm vụ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp, mà trước hết là nhóm nhiệm vụ nâng cao, thống nhất nhận thức về đặc thù của đô thị, vai trò, vị thế của đô thị trong sự phát triển chung, xác định phát triển đô thị gồm 3 trụ cột chính là quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị. Với vai trò là một trong 3 trụ cột chính, việc hoàn thành sớm các quy hoạch có vai trò rất lớn trong quá trình phát triển đô thị.

Với Đồng  Nai, theo Sở Xây dựng, trong 11 đô thị trên địa bàn tỉnh, có 4 đô thị việc phê duyệt quy hoạch chung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ gồm: Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch và Trảng Bom. Các đô thị còn lại, việc phê duyệt quy hoạch chung sẽ thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Hiện nay, trong 7 đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh đã có 3 đô thị được phê duyệt quy hoạch chung.

Đối với 4 đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay quy hoạch chung đô thị Biên Hòa và Trảng Bom đã được chấp thuận chủ trương thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung đô thị. Bộ Xây dựng cũng đã tổ chức các hội nghị thẩm định đồ án nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Biên Hòa và Trảng Bom.

Riêng đối với đô thị Long Thành và Nhơn Trạch hiện nay đơn vị tư vấn cũng đã hoàn chỉnh hồ sơ nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều