Báo Đồng Nai điện tử
En

Có nên 'khai tử' sổ liên lạc điện tử?

07:12, 24/12/2022

Ngày càng có nhiều phương thức liên lạc thuận tiện giữa nhà trường và phụ huynh, thế nhưng hầu hết các trường từ tiểu học đến THPT vẫn giữ hình thức sổ liên lạc điện tử dưới dạng tin nhắn có tính phí.

Ngày càng có nhiều phương thức liên lạc thuận tiện giữa nhà trường và phụ huynh, thế nhưng hầu hết các trường từ tiểu học đến THPT vẫn giữ hình thức sổ liên lạc điện tử dưới dạng tin nhắn có tính phí.

Giáo viên Trường tiểu học Kim Đồng (TP.Long Khánh) ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy
Giáo viên Trường tiểu học Kim Đồng (TP.Long Khánh) ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy

Nhiều phụ huynh cho rằng, sổ liên lạc điện tử đã hoàn thành “sứ mệnh” của mình và nên “khai tử” để đỡ gây tốn kém cho phụ huynh. Thay vào đó, có thể sử dụng nhiều ứng dụng miễn phí lại có tính tương tác cao và hiệu quả hơn.

Phụ huynh mới chỉ thấy… tin nhắn

Dịch vụ sổ liên lạc điện tử được phát triển bởi nhiều nhà mạng viễn thông với mức thu phí từ 60-70 ngàn đồng/năm học. Điều đáng nói, những tiện ích mà sổ liên lạc điện tử mang lại không nhiều. Phụ huynh chỉ nhận được tin nhắn một chiều, nghĩa là phụ huynh muốn phản hồi tin nhắn của nhà trường lại không thể được. Trong khi đó, hiện có nhiều ứng dụng mạng xã hội khác hoàn toàn miễn phí, giáo viên và phụ huynh dễ dàng tương tác không chỉ bằng tin nhắn ký tự mà cả bằng hình ảnh, clip sinh động.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT VÕ NGỌC THẠCH:

Phải giới thiệu nhiều hơn tính năng cho phụ huynh

Ứng dụng sổ liên lạc điện tử là một phần của chiến lược chuyển đổi số trong trường học với nhiều tính năng tiện ích tốt cho công tác quản lý, giảm thời gian đầu tư sổ sách cho giáo viên và tiết kiệm nhiều chi phí. Nhưng nếu mới triển khai tốt ở phía nhà trường thì chưa đủ mà phụ huynh cũng phải chủ động khám phá trải nghiệm các dịch vụ này nhiều hơn để hiểu đầy đủ các tính năng và tiện ích sẵn có của sổ liên lạc điện tử. Đặc biệt, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông phải giới thiệu nhiều hơn tính năng cho phụ huynh.

Chị Nguyễn Thị Kim Anh có con học tại Trường THCS Tân Phong (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho biết: “Năm nào tôi cũng phải đóng 60 ngàn đồng sổ liên lạc điện tử, đổi lại mỗi năm học chỉ nhận được khoảng 10 tin nhắn của nhà trường thông báo kết quả học tập”. Chị Kim Anh cho rằng sổ liên lạc điện tử đã quá lạc hậu và không cần thiết trong xã hội tràn ngập ứng dụng mạng xã hội tiện ích hơn, tương tác dễ dàng hơn và có thể thực hiện bất cứ lúc nào mà không tốn kém cho phụ huynh.

Trong khi đó, anh Giang Sơn Mạnh, có con học tại Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) cho hay, giáo viên chủ nhiệm của con anh đã thành lập nhóm phụ huynh của lớp trên ứng dụng mạng xã hội Zalo. Hằng ngày có thông tin quan trọng, giáo viên chủ nhiệm lại thông báo lên nhóm cho tất cả phụ huynh được biết, nếu là thông tin có tính riêng tư, giáo viên sẽ nhắn tin riêng cho phụ huynh. Ứng dụng do giáo viên chủ nhiệm sử dụng liên hệ với phụ huynh chẳng những miễn phí mà còn rất tiện lợi.

Nói về mức phí 60 ngàn đồng/năm cho khoản thu sổ liên lạc điện tử và những giá trị thực sự của nó mang lại, chị Nguyễn Thị Hoàng Anh có con học tại Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức (P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho rằng khá “đắt đỏ” nhưng hiệu quả thì lại không thực sự nhiều. Chị Hoàng Anh cho rằng, nếu chỉ cần báo phụ huynh những thông tin đơn thuần như lịch học, kết quả học tập, hay việc thực hiện nề nếp của học sinh thì giáo viên có thể thực hiện trên ứng dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook thay vì sổ liên lạc điện tử bị khống chế số lượng ký tự, chữ viết hoàn toàn không có dấu, đôi khi tin nhắn được viết tắt để hạn chế ký tự, dẫn đến thông tin không đầy đủ.

Nhà trường nói gì về sổ liên lạc điện tử?

Trái ngược với ý kiến của nhiều phụ huynh về việc nên “khai tử” sổ liên lạc điện tử, lãnh đạo nhiều trường phổ thông hiện nay lại cho rằng ứng dụng rất hữu ích, tốt cho nhà trường trong công tác quản lý.

Hiệu trưởng Trường TH-THCS Sông Ray (xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ) Nguyễn Văn Huy cho biết, nhiều năm nay nhà trường sử dụng dịch vụ sổ liên lạc điện tử do Viễn thông Đồng Nai cung cấp. Đây là ứng dụng quản lý có nhiều hữu dụng cho cán bộ quản lý, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để liên lạc trao đổi thông tin với phụ huynh.

Giáo viên nhiều trường cho biết, ứng dụng sổ liên lạc điện tử có một số lợi thế, đó là nhập và lưu điểm cho học sinh, ban giám hiệu có thể truy cập vào để biết. Tuy nhiên, nếu dùng công cụ này để liên lạc và trao đổi thông tin với phụ huynh thì chưa hiệu quả vì nhiều phụ huynh chưa cài đặt ứng dụng chính thức mà mới chỉ dừng lại ở nhận tin nhắn.

Nói về những tiện ích của ứng dụng sổ liên lạc điện tử, Hiệu trưởng Trường TH-THCS Sông Ray cho hay, ứng dụng được phân quyền quản trị cho các thành viên Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn. Chẳng hạn nhà trường có thể gửi đồng loạt hoặc tin nhắn riêng cho từng phụ huynh. Giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn có thể nhập điểm của học sinh sau khi có kết quả bài kiểm tra, bài thi hoặc điểm tổng kết học kỳ và cả năm học của học sinh đến với phụ huynh bằng tin nhắn ký tự. Kết quả học tập của học sinh sẽ được lưu trên hệ thống lâu dài và khi cần có thể trích xuất. Hay khi chuyển trường, kết quả học tập của học sinh có thể được chuyển tiếp sang trường mà học sinh chuyển đến…

Trước những ý kiến trái chiều của phụ huynh về sổ liên lạc điện tử, hiệu trưởng một số trường phổ thông cho rằng, phụ huynh có lẽ chưa hiểu hết được tác dụng của sổ liên lạc điện tử. Hiệu trưởng một trường THCS tại H.Long Thành cho biết, hiệu quả của sổ liên lạc điện tử không chỉ là những tin nhắn ký tự mà phụ huynh thường nhận được như đã biết. Thực tế những người vận hành ứng dụng này, đặc biệt là cán bộ quản lý, giáo viên chủ nhiệm đã đỡ vất vả hơn với chuyện sổ sách giấy tờ vì hồ sơ và điểm số của học sinh đều được lưu trên máy và được lưu trữ lâu dài một cách an toàn.

Tuy nhiên, ứng dụng sổ liên lạc điện tử vẫn có một số hạn chế cần cải thiện, chẳng hạn như: chỉ gửi được tin nhắn dạng ký tự, số ký tự bị hạn chế trong một lần gửi tin nhắn. Cụ thế, muốn viết một tin nhắn dài hơn để gửi cho phụ huynh thì không được, do đó nhà trường và giáo viên thường phải “tiết kiệm” ký tự bằng cách viết chữ không dấu, hoặc viết tắt dẫn tới phụ huynh khó hiểu nội dung. Bên cạnh đó, có phụ huynh cho rằng, trong thời cách mạng 4.0 mà sổ liên lạc chỉ gửi được tin nhắn ký tự một chiều, không thể gửi hình ảnh, clip thì quá “lạc hậu”.

Hiệu trưởng một số trường phổ thông cho biết, ứng dụng sổ điện tử của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lâu nay ít thay đổi về công nghệ. Nghĩa là nhà trường đã dùng sổ liên lạc điện tử của nhà cung cấp nào rồi thì sẽ phải dùng của đơn vị đó vì toàn bộ dữ liệu của học sinh được lưu trên hệ thống của nhà cung cấp dịch vụ. Hoặc biết rằng có nhà cung cấp dịch vụ sổ liên lạc điện tử tốt hơn, nhiều tiện ích hơn cũng không dễ “cắt ngang” hợp đồng dịch vụ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhà trường phải “chung thủy” với nhà cung cấp dịch vụ.          

Công Nghĩa


Trưởng phòng GD-ĐT H.Long Thành NGUYỄN VĂN TOÀN:

Giáo viên đỡ vất vả hơn nhờ sổ liên lạc điện tử

Các cơ sở giáo dục đã có bước đột phá mạnh mẽ trong ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có ứng dụng công cụ sổ liên lạc điện tử. Sức lao động của giáo viên đã được “giải phóng” nhờ công nghệ và cần được phát huy nhiều hơn thông qua khai thác tối đa các tính năng của sổ liên lạc điện tử. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ phải tự đổi mới để cạnh tranh hơn về chất lượng dịch vụ đối với nhà trường và phụ huynh vì nền giáo dục và vì học sinh.

Hiệu trưởng Trường THCS Tam Phước (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) PHẠM THỊ NAM:

Không thể đi ngược lại xu thế thời 4.0

Nếu bỏ sổ liên lạc điện tử thì phải có một ứng dụng nào khác có tính năng tương tự và tốt hơn. Chúng ta đang sống trong thời cách mạng công nghiệp 4.0, sẽ khó chấp nhận nếu lại phải lần nữa quay lại với phương pháp quản lý và liên lạc truyền thống giấy tờ. Như vậy sẽ rất mất thời gian của cả giáo viên và phụ huynh và đi ngược lại xu thế phát triển của xã hội.

Ông NGUYỄN THANH AN, phụ huynh Trường tiểu học Trảng Dài (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa):

Đấu giá dịch vụ để lựa chọn được đơn vị cung cấp dịch vụ tốt nhất

Bộ GD-ĐT nên có một ứng dụng riêng tương tự như sổ liên lạc điện tử hiện nay dùng chung cho học sinh cả nước để tiết kiệm cho phụ huynh. Hoặc nếu vẫn sử dụng các ứng dụng của doanh nghiệp thì phải tăng các tính năng nhưng phải dễ sử dụng, cung cấp thông tin học tập của học sinh đầy đủ, trọn vẹn.

Có lẽ các nhà trường nên đấu giá dịch vụ để lựa chọn được đơn vị cung cấp dịch vụ tốt nhất, giá cả hợp lý nhất, nhất là với những trường học có đông học sinh như Trường tiểu học Trảng Dài.

Thành Nam (ghi)


 

Tin xem nhiều