Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần có phương án hiệu quả, sát sườn hơn

07:10, 15/10/2022

Ðể chương trình bình ổn giá phát huy tác dụng, cùng với việc tăng cường cung cấp thông tin rộng rãi đến mọi người dân, nhất là đối tượng cần được hưởng lợi ích của chương trình này, các ngành chức năng cần có những biện pháp cụ thể, sát sườn, đảm bảo không bị gián đoạn, đứt gãy nguồn cung ứng.

Ðể chương trình bình ổn giá phát huy tác dụng, cùng với việc tăng cường cung cấp thông tin rộng rãi đến mọi người dân, nhất là đối tượng cần được hưởng lợi ích của chương trình này, các ngành chức năng cần có những biện pháp cụ thể, sát sườn, đảm bảo không bị gián đoạn, đứt gãy nguồn cung ứng.

Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm thịt heo tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Hải Hà
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm thịt heo tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Hải Hà

* Đảm bảo nguồn cung ứng

Bên cạnh đó, phải tổ chức được mạng lưới phân phối hàng bình ổn giá đến các vùng nông thôn. Có biện pháp xử lý đối với những siêu thị, đại lý đã đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá, nhưng lại không bán hoặc bán với giá cao hơn giá các mặt hàng cùng loại. Về lâu dài, cần mở rộng, nâng cao chất lượng phục vụ của hệ thống các đại lý phân phối hàng Việt Nam, bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý.

Trong những tháng gần đây, thị trường hàng hóa có sự phục hồi tích cực sau những làn sóng “bão giá”, nguy cơ dịch bệnh... Các hoạt động trao đổi mua bán trên thị trường khá sôi động, nhất là các mặt hàng thuộc nhóm lương thực, thực phẩm, hàng may mặc tăng mạnh trong các dịp nghỉ lễ Quốc khánh, Tết Trung thu, khai giảng năm học mới...

Bà Ngọc Thủy (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho hay, sau nhiều đợt biến động về nguồn hàng, giá cả vào nửa đầu năm 2022, hiện nguồn cung các mặt hàng tương đối ổn định, giá thực phẩm có xu hướng “hạ nhiệt” nhẹ, hoặc ít nhất đã giữ mức ổn định. “Điều này có được nhờ sự cân đối, chia sẻ từ phía thị trường lẫn người tiêu dùng. Đặc biệt phải kể đến các chương trình bình ổn giá kết hợp với nguồn hàng cung ứng trên các địa phương trên cả nước để bảo đảm bình ổn cho cả người sản xuất, nhà cung ứng lẫn người tiêu dùng. Chẳng hạn, cùng là một loại gia vị như dầu ăn, đường hay tập vở cho các con, thay vì trước đây người tiêu dùng lựa chọn đúng thương hiệu mới mua, thì hiện tại có thể lựa chọn mặt hàng tương đương, sản xuất tại địa phương, vừa đỡ chi phí vận chuyển, giảm khâu trung gian, từ đó giá thành cũng tốt hơn” - bà Thủy chia sẻ.

* Nâng cao hiệu quả dự báo thị trường

Cuối tháng 9 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đã chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành và địa phương về tổng kết chương trình bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu năm 2021-2022 và triển khai kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn giá, bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu năm 2022-2023, phục vụ Tết Nguyên đán năm 2023 và ứng phó với các tình huống thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đối với kế hoạch triển khai chương trình bình ổn giá trong năm 2022-2023, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán 2023, dự kiến sẽ triển khai đối với 19 mặt hàng: gạo, thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả, mì gói, muối ăn, đường, bột ngọt, bột nêm, dầu ăn, nước tương, nước mắm, nước uống đóng chai, khẩu trang kháng khẩu, nước sát khuẩn, giấy vệ sinh, sách giáo khoa - vở học sinh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng yêu cầu các sở, ngành và đơn vị liên quan chủ động trong công tác dự báo tình hình thị trường, đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu, nhất là trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán 2023, cũng như ứng phó với các tình huống thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Từ đó, đảm bảo triển khai chương trình bình ổn giá phù hợp, hiệu quả, có phương án tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong quá trình triển khai chương trình bình ổn giá ở một số địa phương trong thời gian qua.

Lam Phương

Tin xem nhiều